Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nước Anh rời EU, bắt đầu 'hừng đông' mới đầy bất định

Trong hơn 3 năm, người Anh đã tranh cãi và chia rẽ vì Brexit. Giờ đây khi mọi việc đã an bài, nhiều người cảm thấy được giải tỏa dù vẫn còn phải quyết định kiểu Brexit mà họ muốn.

Anh đã chính thức rời Liên minh Châu Âu (EU) vào tối 31/1, chia tay với Lục địa sau gần nửa thế kỷ và kết thúc cuộc tranh cãi đã khiến nước này rối loạn trong hơn ba năm qua. Tuy nhiên, với tất cả sự nghiêm túc của thời khắc này, nhiều người vẫn có cảm giác chùng xuống một cách rõ ràng.

Giờ đây, khi nước Anh cuối cùng đã đi đến điểm không thể quay lại này - điều mà hàng triệu người Anh hoặc sợ hãi hoặc mơ ước, hoặc chống lại hoặc chào đón, cảm xúc thống trị không phải là nỗi buồn, cũng không phải là sự phấn khích. Thay vào đó, nó là một phản xạ rất đặc trưng Anh quốc: Chấp nhận và đi tiếp.

Theo thời gian, người Anh có thể phát hiện ra rằng việc này có thể không dễ dàng như vậy. Trong 11 tháng tới, Anh sẽ tiếp tục tuân thủ các quy tắc và quy định của EU, trong khi họ quyết định kiểu Brexit họ muốn cho mình. Điều đó sẽ được nhấn mạnh trong các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo của khối tại Brussels về quan hệ thương mại - các cuộc đàm phán có thể gây chia rẽ và đau thương như cuộc chiến chính trị về việc ra đi.

anh roi khoi eu anh 1

Những người ủng hộ Brexit hò reo tại London tối 31/1. Ảnh: AP.

Kết thúc ba năm rưỡi tranh cãi

Kể từ ngày người Anh bỏ phiếu rời EU vào tháng 6/2016, vấn đề này đã chia rẽ các gia đình, phủ bóng lên các doanh nghiệp và làm tê liệt chính phủ. Nghị viện, biểu tượng đáng kính của nền dân chủ Anh, đã trở thành một đấu trường, vừa hấp dẫn vừa đáng sợ đối với những người tham gia cuộc chiến ngày này qua ngày khác.

Khi Thủ tướng Boris Johnson hứa hẹn trong cuộc bầu cử gần đây rằng sẽ "hoàn thành Brexit", các cử tri Anh, vốn đã kiệt sức và chán nản, đã bỏ phiếu để đảng Bảo thủ của ông giành được thế đa số lớn nhất kể từ thời Margaret Thatcher năm 1987.

"Mọi người, bao gồm cả những người vô cùng muốn Ở Lại như tôi, đều có tâm lý muốn chuyện Brexit này xong đi", Timothy Garton Ash, giáo sư nghiên cứu về châu Âu tại Đại học Oxford, nói về sự lựa chọn giữa rời khỏi EU hoặc ở lại với khối. "Chúng tôi đã có ba năm rưỡi với việc này, tức là chúng tôi đã bước vào giai đoạn thứ tư hoặc thứ năm của sự dằn xé".

Brexit đã để lại một vết hằn sâu sắc trên đất nước. Các công ty tài chính đã chuyển một số hoạt động của họ sang các thành phố khác ở châu Âu, công nhân từ các quốc gia khác thuộc EU đã bắt đầu rời đi, và cuộc tranh luận gay gắt toàn quốc về việc, và làm thế nào, rời đi đã làm thay đổi nền chính trị Anh một cách triệt để.

Tuy nhiên, kể từ sau chiến thắng của ông Johnson, người Anh đại khái đã tự cho mình xa rời lịch sử. Brexit gần như không còn xuất hiện trên trang nhất các báo, thay vào đó là câu chuyện về Hoàng tử Harry và người vợ Mỹ Meghan Markle - quyết định của họ về việc rời khỏi hoàng gia Anh dường như mê hoặc mọi người hơn là chuyện Anh rời EU.

Ngay cả các nghi lễ để đánh dấu thời khắc này cũng buồn chán. Chính phủ chiếu một chiếc đồng hồ đếm ngược lên tường của ngôi nhà số 10 phố Downing (nơi ở và làm việc của thủ tướng Anh), và trình diễn ánh sáng với các màu đỏ, trắng và xanh như cờ Anh ở tòa nhà Whitehall gần đó.

Tiếng chuông ở Big Ben cũng không vang lên - chính phủ đã quyết định không chi khoản tiền 500.000 bảng Anh (650.000 USD) cần thiết để làm cho chiếc chuông có thể sử dụng được trong quá trình cải tạo Tòa nhà Quốc hội.

anh roi khoi eu anh 2

Đồng hố đếm ngược được chiếu lên tường nhà số 10 phố Downing tối 31/1. Ảnh: AP.

Không phải ai cũng nhìn Brexit với sự cam chịu.

"Tôi không nghĩ đây là sự đi xuống", William Shawcross, một nhà văn làm việc cho chính phủ với tư cách đại diện đặc biệt cho các nạn nhân khủng bố người Anh. "Tôi nghĩ đây là một trong những khoảnh khắc thú vị nhất trong lịch sử Anh hiện đại. Tôi cảm thấy phấn khích với điều đó".

Ông nói Anh bây giờ đã có cơ hội hiếm hoi để cải thiện xã hội của mình, không bị trói buộc bởi sự quan liêu ở Brussels. Hoàn thành Brexit là minh chứng quan trọng cho những mong muốn dân chủ của công chúng.

Tuy nhiên, ông Shawcross cho biết chính phủ đã có quyết định khôn ngoan, không ca lên giai điệu chiến thắng khi ra đi.

Hàn gắn rạn nứt

Ông Johnson đã tuyên bố sẽ hàn gắn những rạn nứt do cuộc tranh cãi Brexit để lại, và chính phủ của ông đã bắt đầu thực hiện các bước theo hướng đó. Cách đơn giản nhất là phân bổ ngân sách cho những người đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit vì phản đối những gì họ cho là nền kinh tế đã bỏ họ lại phía sau.

Và do đó, chính phủ dường như có thể phê duyệt một dự án đường sắt cao tốc tốn kém kết nối London với Manchester, Leeds và các thành phố khác ở miền Bắc nước Anh.

anh roi khoi eu anh 3

Thủ tướng Anh Boris Johnson (giữa) chủ trì cuộc họp nội các tại Sunderland hôm 31/1. Ảnh: AP.

Các cử tri ở vùng trung tâm và phía bắc đã giúp làm nên chiến thắng của ông Johnson trong cuộc bầu cử. Nhiều người trong số họ có truyền thống ủng hộ Công đảng, đã bỏ phiếu chọn rời EU và tức giận vì quốc hội không thực hiện được mong muốn của họ. Theo những người ủng hộ tuyến đường sắt, dự án này có thể giúp tiếp thêm sinh lực cho những địa phương mà nó đi qua.

Tuy nhiên, ông Johnson sẽ phải hài hòa giữa một bên là loại dự án "tấm vé lớn" này với một bên là hệ tư tưởng "chính phủ nhỏ" đã đưa những người ủng hộ Brexit vào nội các. Tập trung vào thương mại tự do và bãi bỏ quy định, mục tiêu của họ là biến Anh thành một đại lý tự do nhanh nhẹn trong nền kinh tế toàn cầu, một "Singapore bên bờ sông Thames" theo lời của các nhà truyền giáo.

Đó là tầm nhìn hoàn toàn khác biệt về nước Anh so với tầm nhìn của những người vừa bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ ở miền Bắc. Họ khao khát một đất nước có ngành công nghiệp ôtô và ngư trường được bảo vệ trước sự tàn phá của cạnh tranh toàn cầu. Theo giới phân tích, ông Johnson hy vọng sẽ xử lý được căng thẳng đó bằng cách mang lại cho cả hai phe những gì họ muốn: chi tiêu công ở phía bắc và bãi bỏ quy định tại London.

Những người chỉ trích dự đoán ông Johnson sẽ gặp khó khăn trong việc điều đình giữa nước Anh liều lĩnh mà ông muốn với các cử tri miền bắc đã đưa ông đến chiến thắng.

"Với việc rời khỏi châu Âu, ông ấy đang trừng phạt chính xác những vùng đó của đất nước, bởi vì đó là những vùng sẽ mất đi công ăn việc làm trong các ngành sản xuất", ông Brown, cựu quan chức Liên Hợp Quốc, nhìn nhận

Ông Johnson phải đối mặt với vấn đề nan giải tương tự trong chính sách đối ngoại. Các bộ trưởng của ông đã nói rất nhiều về một "nước Anh toàn cầu", một người chơi đáng mến với bạn bè ở cả hai bờ Đại Tây Dương nhưng tự do thực hiện các thỏa thuận thương mại với bất kỳ ai.

"Có cơ hội tuyệt vời để đất nước này trở thành một thế lực mạnh mẽ hơn nữa vì lợi ích của thế giới", Ngoại trưởng Doominic Raab nói trong một cuộc họp báo với các phóng viên trong tuần này. Ông chỉ ra ví dụ là hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tiếp theo của Liên Hợp Quốc mà Anh sẽ tổ chức tại Glasgow, Scotland, vào tháng 11.

anh roi khoi eu anh 4

Dòng chữ "Tôi vẫn yêu EU" xuất hiện trên một vách đá ở Ramsgate, Anh, tối 31/1. Ảnh: AP.

"Nước Anh toàn cầu"

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng nếu không còn đòn bẩy là tư cách thành viên EU, Anh sẽ trở thành một cường quốc nhỏ dần, phụ thuộc quá mức vào quan hệ đồng minh với Mỹ.

Ông Johnson chống lại áp lực nặng nề từ chính quyền Trump trong việc cấm tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng 5G ở Anh. Song với việc Anh bắt tay vào đàm phán thương mại với Mỹ, đây không phải là lần cuối cùng ông Johnson phải đối mặt với những đánh đổi khó khăn.

"Boris Johnson muốn có một chính sách đối ngoại toàn cầu", ông Simon Fraser, cựu quan chức ngoại giao Anh, cho biết. "Tuy nhiên, rất nhiều cuộc nói chuyện về một nước Anh toàn cầu này chỉ là bề nổi, không đi vào thực chất và cần phải được cụ thể hóa".

Sau tất cả những hứa hẹn của ông Johnson về sự đoàn kết, Anh vẫn là một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc. Nhiều người vẫn coi Brexit là một thảm kịch quốc gia.

anh roi khoi eu anh 5

Cờ Anh được hạ xuống tại trụ sở Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ, hôm 31/1. Ảnh: AP.

Tại Oxford, các sinh viên đánh dấu việc nước Anh rời EU bằng cách tạo một trang web để đăng các cuộc phỏng vấn với những người trẻ tuổi, chủ yếu là người châu Âu, trong đó họ được yêu cầu liệt kê những thời khắc tuyệt vời nhất, tồi tệ nhất của châu Âu. Cuộc trưng cầu dân ý về Brexit trở thành thời khắc tồi tệ nhất.

Ông Garton Ash, giáo sư Oxford, cho biết chính phủ có thể đạt được những bước tiến bằng cách hỗ trợ các chương trình trao đổi sinh viên giữa Anh và EU, áp dụng chính sách nhập cư mở và khuyến khích tự do đi lại.

"Ban giám khảo vẫn chưa biết về những gì ông ấy sẽ làm cho những người thân châu Âu của đất nước", ông Garton Ash nói. "Nhưng nếu ông ấy có thể làm được nhiều thứ trên mặt trận đó, mọi người sẽ dần dần và miễn cưỡng chấp nhận nó".

Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu thông qua Brexit trong nước mắt

Nghị viện Châu Âu ngày 29/1 bỏ phiếu thông qua Thỏa thuận Brexit và chính thức tạm biệt các nghị sĩ đại diện cho nước Anh tại cơ quan lập pháp của Liên minh Châu Âu (EU).

'Tạm biệt và chúc may mắn' - Anh đã rời EU sau 47 năm

Ba năm sau khi Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu, khiến đất nước trở nên chia rẽ chưa từng thấy, Vương quốc Anh cuối cùng đã rời đi vào tối 31/1.

Anh 'tien thoai luong nan' hinh anh

Anh 'tiến thoái lưỡng nan'

0

Chiến thắng của ông Donald Trump có khả năng đẩy Anh vào thế tiến thoái lưỡng nan: Ngả theo Mỹ - đồng minh lớn mạnh nhất, hay nghiêng về châu Âu - đối tác thương mại lớn nhất?

Đông Phong

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm