Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Nước Anh một năm sau lá phiếu 'ly hôn' lịch sử với EU

Một năm sau quyết định chấn động rút khỏi EU, Anh bước vào cuộc đàm phán Brexit với nhiều khó khăn chồng chất từ kinh tế, an ninh, chính trị đến xã hội. Liệu London có "thất thủ"?

Một năm sau quyết định chấn động rút khỏi EU, Anh bước vào cuộc đàm phán Brexit với nhiều khó khăn chồng chất từ kinh tế, an ninh, chính trị đến xã hội. Liệu London có "thất thủ"?

Ngày 23/6 một năm trước, với tỷ lệ sít sao trong trưng cầu dân ý, cử tri Anh lựa chọn rời Liên minh Châu Âu EU (Brexit) - cú sốc lớn đối với thế giới và các cuộc thăm dò trước đó.

Đêm định mệnh, đồng bảng chứng kiến ngày sụt giá thê thảm nhất lịch sử và rớt xuống mức 1,2117 USD ăn một bảng, mức thấp nhất trong 31 năm. Giới đầu tư sợ hãi việc rời EU gây tổn thất kinh tế lâu dài và vĩnh viễn cho nước Anh. Sau một năm, đồng bảng hiện tăng lại ở mức 1,2666 USD nhưng vẫn giảm 15% so với một năm trước.

nuoc Anh mot nam sau Brexit anh 1

Giới tài chính nhanh chóng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng tới nền kinh tế khi Brexit đồng nghĩa với một loạt hàng rào thuế quan và cản trở luật lệ nước Anh phải đối mặt.

Hàng loạt tập đoàn muốn rời sàn chứng khoán London để tới sàn chứng khoán Frankfurt trong khi hàng triệu công dân EU khác không rõ số phận của mình tại Anh. Số phận của công dân Anh ở châu lục cũng không khá hơn.

Đầu năm nay, giám đốc điều hành sàn chứng khoán London cảnh báo Brexit sẽ khiến Anh mất 230.000 việc làm nếu chính phủ không đưa ra kế hoạch rõ ràng sau Brexit. Sự thống nhất của Vương quốc Anh cũng là tâm điểm khi đa phần cử tri Scotland muốn tiếp tục ở trong EU và một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập với Anh có thể được tiến hành lại trong năm nay (sau cuộc trưng cầu thất bại vào năm 2014).

Chịu tác động trực tiếp, chính trị London rơi ngay vào vòng xoáy khủng hoảng, Thủ tướng David Cameron tuyên bố từ chức. Theresa May, bộ trưởng nội vụ, đã thay ông Cameron lèo lái nước Anh.

Một năm sau, người Anh mong muốn cuộc bầu cử hôm 8/6 mang cho họ sự rõ ràng hơn về chính trị để có thể bắt đầu đàm phán chính thức về Brexit. Thay vào đó, chính phủ của họ đối mặt với một quốc hội treo và Thủ tướng May bị mất uy tín nghiêm trọng. Đảng Bảo thủ của bà không còn giữ được đa số ghế ở nghị viện.

nuoc Anh mot nam sau Brexit anh 2

nuoc Anh mot nam sau Brexit anh 3

Thủ tướng May vẫn tại chức nhưng chính quyền liên minh của bà giờ rất mong manh và phụ thuộc vào đảng DUP của Bắc Ireland. Nhiều người dự đoán bà khó lòng tiếp tục được quá một năm.

Với các lãnh đạo EU, những người hy vọng bà May chiến thắng để có chính phủ mạnh hơn (thăm dò dư luận cho thấy bà từng dẫn tới 20 điểm trước bầu cử) thì việc bà May thất thế cùng bất ổn chính trị ở Anh không phải điều họ mong muốn.

Đặc biệt khi EU đang đau đầu các vấn đề như biến đổi khí hậu cũng như điều chỉnh mối quan hệ với tổng thống khó lường như ông Donald Trump ở phía bên kia Đại Tây Dương. Có những oán hận nữa là nước Anh làm tình hình thêm rắc rối giữa bối cảnh hỗn loạn hiện nay.

Bà May tiến hành bầu cử sớm 3 năm với hy vọng có chính quyền mạnh hơn để thuận lợi trong đàm phán Brexit nhưng quyết định đó thất bại. Như một lời nguyền, ông Cameron cũng tiến hành trưng cầu về Brexit năm ngoái với hy vọng dân Anh sẽ phản đối. Kết quả đảo ngược còn ông Cameron thì mất chức.

“Lại là thêm cú phản lưới nữa: Sau Cameron, giờ là tới bà May”, Guy Verhofstadt, cựu thủ tướng Bỉ và là người điều phối của Nghị viện Châu Âu về vấn đề Anh rời EU, nói với báo giới.

Nước Anh lúc này rõ ràng chưa sẵn sàng cho việc đàm phán. Một năm vừa rồi, thực tế London vẫn đang tránh né thảo luận nghiêm túc vấn đề này. Họ vẫn chỉ trao đổi lớt phớt về chuyện giữa “Brexit cứng” (rút hoàn toàn khỏi EU) với “Brexit mềm” (nhiều nhượng bộ, giữ lại một số quyền lợi của EU cho nước Anh).

Brussels ngược lại có đội ngũ đàm phán rất mạnh, dẫn đầu là cựu cao ủy Michael Barnier, với định hướng đàm phán rõ ràng và được thống nhất bởi cả 27 nước. Trong khi nước Anh thêm chia rẽ sau bầu cử, trong lần hiếm hoi EU lại có được sự thống nhất nhanh chóng.

Và đồng hồ Brexit đang gõ nhanh hơn bao giờ hết. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cảnh báo rõ với London rằng hạn chót của đàm phán là tháng 3/2019, thời điểm bắt đầu Brexit. Thách thức của bà May sau bầu cử giờ là phải có được sự ủng hộ từ một quốc hội yếu hơn nhiều cho những quyết định khó khăn về Brexit.

Một năm vừa qua, tranh cãi trong nước Anh về Brexit chủ yếu quanh lời hứa là sẽ thu hồi được phần tiền Anh đóng góp cho ngân sách châu Âu, hạn chế nhập cư và đàm phán một thỏa thuận thương mại có lợi.

nuoc Anh mot nam sau Brexit anh 4

nuoc Anh mot nam sau Brexit anh 5

Thế nhưng người Anh chưa nghe gì về chuyện tổn thất khi phải rời khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới hay vấn đề phức tạp hơn như hàng chục tỷ bảng nước Anh phải trả cho phần quỹ lương hưu cam kết trong ngân sách hiện tại của EU.

“Dân chúng Anh chắc chắn chưa sẵn sàng phải trả khoản tiền lớn vậy cho cuộc 'ly hôn',” Peter Ricketts, cựu đại sứ Anh tại Pháp và giờ là nghị sĩ độc lập ở Thượng viện Anh, nói.

Bà May nói rằng bà muốn đàm phán hiệp định thương mại ngay lập tức - điều đã bị bác ngay lập tức từ phía 27 nước còn lại. Họ muốn đàm phán các điều khoản ly hôn trước: quyền của công dân EU tại Anh và công dân Anh tại EU (dễ quyết), về phân định biên giới Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland mà vẫn là thành viên của khối (phức tạp hơn), và vấn đề phức tạp nhất là các nghĩa vụ tài chính.

EU nói chỉ khi có “đủ tiến triển” với những vấn đề này thì mới có thể đàm phán về khung hiệp định thương mại mới. “Chúng tôi có những quân bài yếu, còn EU họ mạnh hơn rất nhiều”, một quan chức cấp cao của Anh thừa nhận với New York Times.

Thủ tướng Anh hôm 22/6 đã cam kết bảo đảm quyền lợi của hàng triệu công dân EU đang sống ở Anh sau khi nước này rút ra khỏi khối. Thông điệp của bà May, đọc trước lãnh đạo 27 nước thành viên khác của EU, nhằm giảm bớt những lo ngại về hậu quả của Brexit.

Anh hiện có hơn 3 triệu công dân các nước EU sinh sống, ngoài ra, khoảng 1 triệu công dân Anh đang sinh sống ở 27 nước EU còn lại. Rất nhiều người đã lo lắng về tư cách pháp lý của họ cùng người thân kể từ sau lá phiếu lựa chọn Brexit cách đây một năm.

Tuyên bố của bà May dù vậy vẫn gặp phải sự dè dặt của các lãnh đạo EU. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói đề xuất là “khởi đầu tốt” trong khi Thủ tướng Áo Christian Kern nói “còn quá nhiều chi tiết chưa rõ”.

Một trong những vấn đề chủ chốt đối với việc rút khỏi EU là thời điểm công dân EU ở Anh đạt được “quy chế định cư lâu dài”, cho phép họ được ở vĩnh viễn.

EU đang yêu cầu Anh đảm bảo công dân của họ được ở lại Anh cho tới khi Anh chính thức rút khỏi EU. Ngoài ra, họ muốn tòa án EU được phán xử các vấn đề liên quan tới cư trú, giáo dục, y tế và lương hưu. Bà May nói các vấn đề này sẽ chỉ do tòa án Anh phân xử và tòa EU không có liên quan.

nuoc Anh mot nam sau Brexit anh 6

Cuộc đàm phán khó khăn này diễn ra trong bối cảnh nhiều khó khăn nội bộ chồng chất cùng sự giận dữ của người dân, dù họ ủng hộ hay phản đối Brexit.

Chưa đầy 3 tháng qua, nước Anh hứng chịu đến 4 vụ tấn công (3 vụ ở London) khiến 36 người chết, hàng trăm người bị thương. Riêng vụ đánh bom ở nhà thi đấu Manchester là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Anh kể từ vụ đánh bom tàu điện ngầm London năm 2005.

nuoc Anh mot nam sau Brexit anh 7

Họa vô đơn chí, khi dân Anh vẫn chưa hết bàng hoàng thì vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra khiến London dường như "thất thủ". Tòa nhà Grenfell Tower, chung cư 24 tầng xây dựng từ những năm 1970, bốc cháy dữ dội hôm 14/6 và kéo dài trong suốt một ngày. Ít nhất 9 người được xác định thiệt mạng trong khi 70 người được cho là đã chết dù chưa tìm thấy thi thể.

Nếu các vụ tấn công khủng bố cho thấy nước Anh nói riêng và châu Âu nói chung vẫn đang phải đối mặt với một trong những thách thức an ninh lớn nhất thời đại thì vụ cháy ở Grenfell lại hé lộ sự chia rẽ sâu sắc về xã hội, giàu nghèo giữa lòng nước Anh.

nuoc Anh mot nam sau Brexit anh 8

Nói với Zing.vn, tiến sĩ Đỗ Tá Khánh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu EU thuộc Viện Nghiên cứu Châu Âu, nhận định lựa chọn Brexit "cứng" hay "mềm" sẽ rất khó khăn với Anh ở thời điểm hiện tại.

"Nếu chọn Brexit 'cứng', tức ra khỏi thị trường đơn nhất và liên minh thuế quan, nền kinh tế Anh có thể sẽ phải chứng kiến một làn sóng chuyển vốn ra khỏi nước Anh nhằm khai thác thị trường rộng lớn hơn là EU", tiến sĩ Khánh phân tích. "Thêm nữa, Anh sẽ mất thời gian dài để đàm phán các hiệp định thương mại song phương. Đó là một khoảng trống đáng kể".

Trước đây, Thủ tướng May từng lên kế hoạch Brexit “cứng” với chủ trương “thà không đạt thỏa thuận còn hơn thỏa thuận tồi”. Tuy nhiên, việc đảng Bảo thủ của bà May thất thế trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua đã khiến mọi chuyện diễn tiến theo chiều hướng khác.

Với vị thế yếu hơn, bà May phải chịu sức ép rất lớn trong việc điều chỉnh kế hoạch Brexit theo hướng mềm mỏng. "Cân bằng lợi ích trong nước giữa bối cảnh hiện nay là hết sức khó khăn với bà May", tiến sĩ Khánh nói.

Theo tiến sĩ Khánh, điều quan trọng hơn với EU trong cuộc đàm phán này là hai bên sẽ tạo ra một tiền lệ như thế nào cho sự ra đi của một thành viên EU khác trong tương lai.

"Brexit đã được nhiều lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc sử dụng để vận động cho sự rời khỏi EU của một số quốc gia khác", vị chuyên gia nói. "Do vậy việc giải quyết ổn thỏa với nước Anh đóng một vai trò rất quan trọng cho các vấn đề tương tự có thể xảy ra trong tương lai".

nuoc Anh mot nam sau Brexit anh 9

Nhà bình luận Roger Cohen của New York Times thì cho rằng chính phủ bà May sẽ sớm sụp đổ trong hai năm tới vì "một nghị viện bất ổn sẽ bác bỏ bất cứ thỏa thuận nào bà đàm phán được".

Theo ông thì sự hối hận của người mua (ám chỉ cử tri Anh) là "thấy rõ trong sự trỗi dậy của Công đảng".

"Không hề viển vông khi nghĩ rằng sự hối hận này có thể dẫn tới cuộc trưng cầu thứ 2, mà lần này là dựa vào thực tế hơn là những lời nói dối bẩn thỉu", ông viết.

Tương lai đầy chông gai của Brexit Anh khiến thế giới ngỡ ngàng khi quyết định rời Liên minh châu Âu (EU). Sau khi điều 50 Hiệp ước Lisbon được kích hoạt vào cuối tháng 3/2017, tương lai của Brexit vẫn chưa rõ ràng.

Nước Anh bước vào ngày bầu cử giữa 'bóng đen' khủng bố và Brexit

46 triệu cử tri Anh bước vào cuộc bầu cử nghị viện chỉ 5 ngày sau vụ tấn công khủng bố làm ít nhất 8 người chết trên cầu giữa trung tâm London.

450.000 năm trước, nước Anh từng một lần 'Brexit'

450.000 năm trước, phần đất ngày nay là nước Anh đã bắt đầu tách khỏi lục địa châu Âu. Các nhà khoa học gọi đây là cuộc Brexit 1.0 (Brexit lần 1).

Vũ Mạnh - Thanh Tuấn

Đồ họa: Nhân Lê - Ảnh: Getty

Bạn có thể quan tâm