Núi lửa New Zealand ‘tỉnh giấc’ sau 1 thế kỷ ‘ngủ quên’
Hàng loạt chuyến bay phải hủy bỏ, nhiều cung đường huyết mạch đóng cửa, khắp nơi bị tro bụi bao phủ sau khi ngọn núi lửa Tongariro bất ngờ hoạt động trở lại sau hơn 100 năm ngủ quên.
Các nhân chứng cho biết, khu vực quanh núi lửa Tongariro giống như thảm họa. Những cột tro bụi và hơi nước cuồn cuộn bốc vào không khí. Những tia sáng chốc chốc lại xuất hiện nơi miệng núi lửa hay những tiếng nổ ầm ì xảy ra gần như đồng thời khi núi lửa thức giấc.
Tro bụi bao phủ khắp nơi sau khi núi lửa Tongariro tỉnh giấc. |
Hoạt động phun trào của ngọn núi lửa cao 2km so với mực nước biển thực sự khiến các nhà khoa học ngạc nhiên. Là một trong 3 núi lửa nằm ở trung tâm đảo Bắc, hoạt động phun trào của Tongariro ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân.
Ngay khi trời sáng, lực lượng cứu hộ New Zealand sử dụng trực thăng để rà soát trong công viên quốc gia nằm dưới chân núi để tìm kiếm những nhóm dã ngoại có thể đang mắc kẹt. Trong khi đó, những đám mây bụi khổng lồ bao quanh khu vực trung tâm đảo Bắc trong suốt hôm qua. Nó buộc các nhà chức trách phải đóng cửa sân bay gần đó bao gồm Bắc Palmerston, Napier, Taupo và Rotorua.
Ngoài ra, 2 tuyến đường huyết mạnh cũng bị đóng cửa do ảnh hưởng của tro núi lửa, bao gồm cả đoạn đường cao tốc nối liền Thủ đô Wellington với thành phố lớn nhất New Zealand, Auckland. Đội bảo trì đường bộ ngay lập tức được huy động để dọn tro bụi, thông lại các tuyến đường huyết mạch.
Một trong những người đầu tiên phát hiện núi lửa phun trào là tái xế đường dài tên là Bryn Rodda. Đi gần Tongariro, Rodda vô tình phát hiện những đám mấy lớn hùng vĩ trên bầu trời. Ngay lập tức, Rodda nghĩ tới cảnh tượng Tongariro phun trào. “Đúng như tôi nghĩ, có những đám mây dày đặc mầu da cam khổng lồ cùng với những ánh sáng chói lòa chốc chốc lại bùng lên”, Rodda chia sẻ. Không lâu sau, tôi thấy những đám mây dày màu xám xịt sa xuống và tro bụi bắt đầu rơi.
Một người dân địa phương khác tên là David Bennett kể lại: “Có những tiếng ầm ầm và sấm sét xuất hiện ngay trên miệng núi lửa. Sao đó, đất đá nóng chảy từ miệng núi bắn ra xung quanh”. Những người dân khác thì cảm thấy khó thở, một số người vội vã rời nhà đi sơ tán cho dù các nhà chức trách chưa chính thức phát lệnh.
Phóng viên Jamie Morton của tờ New Zealand Herald có mặt tại hiện trường cho biết, tro bụi rơi xuống hồ Rotoaira, nằm phía bắc của Tongariro. Lớp bùn dày rơi xuống tạp ra thứ hỗn hợp giống như đất sét. “Thứ đó phủ lên tất cả mọi thứ, mọi nơi, bất kể xe cộ hay cây cối. Cảnh quan trở nên u ám và xám xịt”, Morton chia sẻ.
Núi lửa Tongariro và núi lửa Ngauruhoe (phía sau0 nằm trên đảo Bắc, New Zealand. |
Trong một diễn biến khác, các nhà chức trách ngay lập tức nâng mức cảnh báo sau khi một nhà nghiên cứu chết vì núi lửa phun trào, trong khi đám tro bụi từ miệng núi lửa vẫn bay lên tới độ cao 6km. Đám tro bụi khổng lồ bay theo hướng Đông ra biển. Tuy nhiên, cảnh báo các đợt phun trào mạnh hơn có thể sẽ xảy ra trong những ngày tiếp theo.
Lần gần nhất núi lửa Tongariro phun trào là vào năm 1897, sau khi hoạt động liên tục từ năm 1855. Trên thực tế New Zealand nằm trên khu vực hoạt động địa chất mạnh, thuộc Vành đai lửa Thái Bình Dương. Ngoài núi lửa phun trào, New Zealand còn phải hứng chịu những trận động đất mạnh do kết cấu địa chất kém bền vững.
Hồng Duy
Theo infonet.vn