Chuyện xưa xứ Quảng là tác phẩm được biên khảo công phu bởi nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Hữu Đăng Đạt. Cuốn sách gồm 58 bài viết, sắp xếp theo 4 đề mục chính: Ẩm thực – Địa danh, Nhân vật - Thú chơi, Phong tục – Làng nghề xứ Quảng.
Zing.vn xin được giới thiệu tới bạn đọc một số bài viết trong cuốn sách.
Huyền thoại núi Chúa
"... Vào những đêm trời thanh, trăng sáng, khoảng hăm hai hăm ba giờ, người ta thường thấy một khối lửa sáng loè từ đỉnh núi Hòn Thang ở phía nam bay qua núi Chúa ở phía bắc như một mảng thiên thể bay trong vũ trụ.
Liền sau đó, nghe tiếng ầm... ầm từ những khối đá khổng lồ ở núi Chúa vang dội cả núi rừng yên tĩnh và đi vào không gian vô tận... Mỗi lần nghe thấy như vậy, người ta thường bảo 'Bà về đóng cửa Động'."
Cuốn sách Chuyện xưa xứ Quảng của tác giả Phạm Hữu Đăng Đạt. |
Người bổn xứ của hai làng Phước Bình và Trung Lộc (xã Quế Lộc - Quế Sơn) từ cổ chí kim xem hiện tượng này như một điều thiêng liêng huyền bí... Họ còn cho rằng "Những ai nghe được là diễm phúc".
Đó là một trong những chuyện kể nhiều khi như là huyền thoại, cứ nửa hư, nửa thực của người dân làng Phước Bình nói riêng và xã Quế Lộc nói chung về ngọn núi kỳ bí của Quảng Nam. Đó là núi Chúa!
Xung quanh chuyện "Bà" trên núi Chúa, lại có người kể, cứ chiều tối, "Bà" mới về. Mà khi về, "Bà" đóng động cái "rầm". Âm thanh vang xa nên nhiều người nghe. Các cụ cho rằng đây là giờ "Bà" về cho chim ăn. Bằng chứng, cũng theo lời các cụ, khi có tiếng "rầm" thì có chim công bay dáo dác. Mà chim khi thấy có mồi mới bay để tìm chỗ đậu để ăn.
"Bà" là ai thì không ai rõ, nhưng mọi người đều tôn kính. Tuy vậy, một số khác quan niệm rằng "Bà" ở đây là Bà Hòn Đền. Nguyên núi Chúa còn gọi là Hòn Đền. Bà Hòn Đền tức cũng là "Bà" ở núi Chúa. Hoá ra, tuy hai cách gọi khác nhau nhưng cũng chỉ một địa danh duy nhất mà thôi.
Cũng liên quan đến "Bà", ở làng Phước Bình có miếu gọi là miếu Bà Bóng. Bấy giờ, miếu này có tiếng là thiêng. Cho nên, các cụ răn đe đàn bà con gái khi đi ngang qua phải lấy nón che mặt, không để "Bà" thấy, "Bà" sẽ quở phạt, đau ốm không chữa được.
Về vị trí, miếu Bà Bóng ở cửa truông, tức cửa ở ngay trước đường vào rừng, cũng là đường lên núi Chúa. Ngày xưa, theo thông lệ, cứ đến ngày mồng bảy tháng Một âm lịch, tức ngay sau những ngày đầu năm mới, dân làng tổ chức lễ "Khai sơn".
Sau lễ "Khai sơn", thợ rừng mới được "Nhập sơn", nghĩa là tự do vào rừng. Xưa, người ta rất coi trọng lễ "Khai sơn", không phải hễ cứ muốn vào rừng là vào. Lễ cúng khá cầu kì, có làm heo, rồi xôi nếp, áo giấy, hương đèn... Rồi, cũng có người còn quả quyết rằng hồi còn nhỏ, nghe người lớn kể buổi trưa đứng bóng, cứ đứng dưới chân núi Chúa nhìn lên, ngay chỗ có tảng đá hình vuông gọi là "Tùng Miếng Ấn", sẽ thấp thoáng thấy hình bóng của một người thiếu nữ.
Cũng không biết từ lúc nào trong dòng văn học dân gian Phước Bình xuất hiện câu hát khá thú vị "Cây núi Chúa, lúa Nà Bình". "Cây núi Chúa" nghĩa là cây rừng trên núi Chúa nhiều vô kể, có chặt mấy, làm mấy cũng không hết. Còn "Lúa Nà Bình" ý chỉ cánh đồng Nà Bình là cánh đồng đất phì nhiêu, cây lúa năm nào cũng cho năng suất cao.
Chuyện này thì dân làng ai cũng tường tận. Mà thật thế thôi. Không biết do sự "cắc cớ" của tạo hoá hay sự đùa nghịch của thiên nhiên mà núi Chúa về phía Duy Xuyên lại thoai thoải, rất dễ leo lên nhưng về phía Phước Bình lại gần như dựng đứng. Nó tạo ra “thế núi” rất khó chịu.
Vậy cho nên, khai thác cây rừng ở núi Chúa về phía Quế Sơn cực khó, nhiều vị trí gần như không thể khai thác nổi. Kết cuộc, cây rừng xưa nay, còn gần như nguyên vẹn. Vách dựng đứng thế kia, lấy điểm tựa nào để ngồi mà chặt? Bằng ngược lại, làm gì người ta không khai thác hết.
Cảnh Hòn Đền trong sương. |
Xung quanh rừng núi Chúa lại có truyền thuyết nhuộm màu sắc huyền bí rằng hồi trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong làng một hộ giàu có. Đó là ông Bần. Ông này có ý định xây nhà. Nhà xưa là nhà gỗ. Nhà càng giàu thì gỗ càng to, càng tốt. Thừa tiền sẵn bạc, ông mới đổ ra mua gỗ do thợ rừng chặt cây trên núi Chúa khiêng về. Gỗ chất đây một đống.
Thật ra, gọi là chặt trên núi Chúa là nói theo thói quen chứ cùng lắm họ chỉ chặt ở những chỗ thuận lợi, vách không dựng đứng, dễ di chuyển. Thế rồi, khi gỗ đã chất đầy, một bữa tối hôm nọ, giữa đêm hôm khuya khoắc, vắng lặng, ông bỗng giật mình lúc nghe có tiếng ai rù rì, rù rì.
"Quái lạ, không lẽ có ăn trộm lợi dụng đêm thanh vắng núp mô đó đợi thời cơ ăn cắp?". Ông thầm nghĩ. Để chắc ăn, ông rón rén bước xuống đất, rảo quanh nhà. Dù căng mắt nhìn khắp nơi, trong sân, ngoài ngõ, ông cũng không thể tìm ra bóng dáng của tên trộm đáng nguyền rủa kia. Nhưng tiếng rù rì, rù rì, giống như hai người đang thì thầm nói chuyện thật khẽ với nhau thì không dứt, cứ mồn một bên tai.
Cuối cùng, ông phát hiện ra những tiếng rù rì, rù rì ấy phát ra từ... chồ gỗ ông mua của thợ rừng chặt trên núi Chúa. Ông toát mồ hôi lạnh. Cho nên, nhân cơ hội xảy ra cơn lụt, ông bèn xô hết chồ gỗ cho nước cuốn đi. Cũng từ đó, những tiếng rù rì, rù rì huyền bí nói trên không còn nữa!
Núi Chúa không những có cây rừng mà theo truyền khẩu còn có vườn cam, vườn quýt. Điều đặc biệt, từ xưa đến nay, hiếm ai có đủ dũng khí, lòng can đảm, óc phiêu lưu để trèo lên núi Chúa, từ ngã Quế Sơn, nhằm khám phá những bí ẩn ở ngọn núi kì bí nhất nhì Quảng Nam. Cho nên, đã xuất hiện một số chuyện kể nửa hư, nửa thực về người thợ săn lạc trong rừng, bất ngờ khám phá ra vườn cây ăn quả và hang động huyền ảo.
Có người lại kể trên núi tuy có vườn cam, vườn quýt nhưng ai đến hái ăn, chỉ được ăn cho no nê mà không được đem về. Mà, dẫu có đem về, cũng về không được. Thật lạ kì. Bởi vì không biết thế nào mà họ cứ đi quanh quẩn một chỗ, như bị ma ám. Bắt buộc phải bỏ lại.
Không chỉ có vườn cam, vườn quýt, núi Chúa cũng có giếng, gọi là giếng Tiên. Giếng này nghe nói các loại chim, trĩ cũng sà xuống uống nước. Vách núi đá dựng đứng, lại có giếng Tiên, thật là chuyện kì quặc. Nhưng, người ta nói cứ nói, kể cứ kể, mấy ai có thể lên tận nơi để kiểm chứng?
Núi Chúa còn có tên gọi khác: núi Ấn. Đó cũng là tên người làng Tây Viên thường nhắc đến. Các cụ truyền lại rằng thời xa xưa, ông Cao Biền ở bên Tàu đã cưỡi diều giấy qua núi Chúa đóng ấn, tức đóng triện, lên tảng đá trên núi. Cho nên, núi Chúa còn có tên gọi là núi Ấn. Nghĩa là Ấn của Cao Biền.
Ấn Cao Biền đóng trên hòn đá to, phải bằng cái nhà. Do vậy, đứng từ dưới chân núi nhìn lên, sẽ thấy trên núi có tảng đá trên đó có dấu son màu đỏ. Chuyện này nghe thật hoang đường. Nhưng, người ta cứ thêu, cứ dệt.
Cũng nghe nói xưa có ông Á và mấy người thợ săn từng lặn lội lên trên tảng đá có đóng ấn. Biết từ cổ chí kim chẳng có ai trèo qua tảng đá ấy nên họ quyết định rút dây riềng lưới heo. Đây là loại lưới xưa được làm bằng da trâu, rất chắc, không thể đứt được. Họ cột ngang mình anh thợ săn rồi những người còn lại nắm chặt dây, thả dần xuống.
Anh thợ săn phát hiện giữa tảng đá có ngạch, giống như một cái hang động khá to. Trong đó, có nhiều tổ ong, thứ ong mật. Có điều, anh thợ săn cũng chỉ đứng ngoài, không lách vào nổi. Và, chuyện hang đá ở núi Chúa, ngay trên tảng đá có triện đỏ của Cao Biền, giờ vẫn được xem như là huyền thoại!