Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nửa triệu gia đình Hàn ly tán vì giấc mơ du học

Khoảng 500.000 ông bố Hàn Quốc đang sống đơn độc do vợ và con họ sang những nước nói tiếng Anh để học.

Vào một buổi tối chủ nhật lạnh lẽo, nhiều gia đình gặp nhau tại một quán cà phê ở thành phố Seoul để trò chuyện. Tại Hàn Quốc, chủ nhật thường là ngày bận rộn của nhiều gia đình. Họ tranh thủ chơi bời, ăn uống, thăm viếng bạn bè trước khi sang tuần mới. Nhưng Noh Jae-moon, một người đàn ông trung niên, chẳng bận rộn như nhiều người khác. Anh chỉ ngồi đơn độc trong một quán cà phê và thưởng thức cốc nước chanh.

Christian Science Monitor ghi nhận, Noh là một trong những “cha ngỗng” - danh từ mà người Hàn Quốc dùng để gọi những người đàn ông cho con học ở nước ngoài và để vợ sống cùng con. Vợ và con của Noh đang sống tại bang California, Mỹ trong ba năm qua.

Hàng trăm nghìn ông bố Hàn Quốc chấp nhận cuộc sống đơn độc để đảm bảo tương lai tươi sáng cho con. Ảnh minh họa: Guardian.

Hàng vạn gia đình Hàn Quốc đưa con sang các nước nói tiếng Anh, nơi chúng có thể đạt tới đỉnh cao của tiếng Anh và không phải chịu áp lực học hành căng thẳng ở quê nhà. Những đứa trẻ như thế sẽ trở về quê hương với những kỹ năng tuyệt đỉnh, song những người cha phải đối mặt với vô số thách thức trong những năm mà gia đình chia tách. Cụm từ “cha ngỗng” phát sinh từ việc những người đàn ông, giống như ngỗng, chỉ bay ra nước ngoài để gặp vợ và con một lần mỗi năm.

“Ăn một mình một mâm rất chán, nhưng tôi cố gắng vượt qua”, Noh tâm sự khi tay anh khuấy cốc nước chanh, còn mắt nhìn sang hai đứa trẻ đang nô đùa ở bàn bên cạnh.

Theo thống kê của chính phủ Hàn Quốc, mỗi năm khoảng 20.000 gia đình ly tán do trẻ em ra nước ngoài để học. Phần lớn chúng học tại các trường tư. Chính phủ không thống kê số lượng những người cha sống cùng con ở nước ngoài, song các quan chức nói phần lớn họ ở lại quê hương để làm việc và cấp tiền cho con. Cha Eun-jeong, một giáo sư của Đại học Suwon, ước tính khoảng 500.000 “cha ngỗng” đang chịu đựng cảnh sống đơn độc vì tương lai của con.

Trào lưu đưa con sang nước ngoài bắt đầu bùng nổ tại Hàn Quốc từ thập niên 90 do nhiều phụ huynh muốn con sử dụng thành thạo tiếng Anh và thoát khỏi áp lực của hệ thống giáo dục nặng nề trong nước - nơi trẻ em học cả ngày ở trường rồi học thêm vào buổi tối để vượt qua các kỳ thi. Ngược lại, tại những nước nói tiếng Anh như Mỹ, New Zealand, Canada, trẻ em cảm thấy rất thoải mái khi tới trường và giáo viên luôn khuyến khích học trò sáng tạo, chứ không học theo kiểu ghi nhớ và nhồi nhét kiến thức.

Giáo sư Cha từng phỏng vấn 151 “cha ngỗng” và nhận thấy khoảng 70% số họ rơi vào trạng thái trầm uất, 77% hứng chịu các vấn đề sức khỏe do chế độ dinh dưỡng kém. Trong gia đình Hàn Quốc, người mẹ thường đảm nhiệm việc nấu nướng nên nếu người phụ nữ ra nước ngoài, một bộ phận đàn ông không thể tự nấu bữa. Lạm dụng rượu cũng là một hiện tượng khá phổ biến ở các “cha ngỗng”.

Để đối phó với áp lực do cuộc sống đơn độc mang tới, Noh dành nhiều thời gian cho các sở thích như nấu ăn hay tập thể thao. Vào mỗi buổi tối, sau khi hoàn thành công việc ở một công ty vận tải biển quốc tế, anh tới một câu lạc bộ thể hình để tập luyện, sau đó trở về nhà để ăn tối và gọi cho vợ, con ở California.

“Khía cạnh tích cực duy nhất của việc sống đơn đọc là tôi có nhiều thời gian hơn cho hoạt động học tập và làm những việc mà tôi không thể làm nếu phải chăm sóc con”, Noh nói.

Ngoài cảm giác cô đơn, “cha ngỗng” còn phải đối mặt với áp lực chu cấp tài chính cho bản thân và vợ, con. Chi phí học tập, sinh hoạt của hai đứa con và vợ Noh tại Mỹ lên tới 56.500 USD (gần 120 triệu đồng) mỗi năm. Noh thừa nhận anh phải cố gắng hết sức mới có thể kiếm đủ khoản tiền ấy.

Tình hình tài chính không dư dả đồng nghĩa với số lần đoàn tụ ít ỏi. Noh nói anh thăm vợ, con ở Califorina hai lần mỗi năm, bởi nếu gia đình anh trở về Hàn Quốc thì chi phí sẽ cao gấp ba lần.

Áp lực tài chính cũng khiến những “cha ngỗng” không dám tới các nhà hàng, quán cà phê hay khao bạn bè.

“Nhiều người đàn ông từng có đủ tiền để phục vụ các sở thích. Vì vậy, khi con học ở nước ngoài, họ phải giảm những hoạt động giao du và dành nhiều thời gian hơn cho những hoạt động đơn độc”, Um Myung-yong, một giáo sư an sinh xã hội của Đại học Sungkyunkwan ở Seoul, phát biểu.

Thông thường những “cha ngỗng” cảm thấy tự hào và không thể hiện cảm xúc trước mặt người khác. Họ hiếm khi thừa nhận những điểm yếu hoặc nhờ vả người khác giúp họ vượt qua gánh nặng tâm lý của tình trạng xa gia đình. Vì thế phần lớn “cha ngỗng” không nhận được sự hỗ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần trong cuộc sống cô đơn trong chính ngôi nhà của họ.

Giới chuyên gia đang tranh luận về việc hỗ trợ cho những “cha ngỗng” – như tư vấn tâm lý hay thành lập những trung tâm cộng đồng để họ có thể giao lưu với nhau.

“Tôi mong chính quyền dẫn đầu phong trào thành lập những chương trình hỗ trợ dành cho những người cha như thế. Thông thường họ sẽ lảng tránh những chương trình hỗ trợ vì lòng tự tôn của họ, nhưng tôi nghĩ chúng ta vẫn nên thử”, giáo sư Cha nhận định.

Mọi phụ huynh đều hy vọng sự hy sinh của họ sẽ trở nên đáng giá khi những đứa trẻ trở về nước với khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo – điều mà các doanh nghiệp Hàn Quốc rất ưa chuộng.

Noh không biết chắc khi nào vợ và hai con của anh sẽ trở về Hàn Quốc, bởi chúng có thể tiếp tục tới trường đại học và tìm việc ở California sau khi chúng tốt nghiệp.

“Con của tôi có quyền quyết định những thứ chúng muốn. Hiện giờ tôi chỉ cố gắng hết sức để có thể hỗ trợ chúng. Tất nhiên, tôi vẫn thấy nuối tiếc cảm giác hạnh phúc của một gia đình đầy đủ”, Noh bày tỏ.

 

 

Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm