Theo một báo cáo từ tổ chức Donkey Sanctuary, ước tính cần tới 4,8 triệu bộ da lừa để đáp ứng nhu cầu về cao A giao của Trung Quốc mỗi năm. Loại cao này có thành phần chính từ gelatin nấu từ da lừa, được người Trung Quốc cho là có tác dụng bổ máu, giảm đau và nhiều công dụng khác.
Có khoảng 44 triệu con lừa trên thế giới, tập trung nhiều ở Trung Quốc và châu Phi.
Số lượng lừa tại Trung Quốc cũng giảm 76% kể từ năm 1992, khiến nước này tìm đến nguồn cung ngoài nước. Hơn 28% số lừa tại Brazil, 27% tại Botswana và 53% tại Kyrgyzstan đã giảm kể từ năm 2007, chủ yếu do khai thác da lừa để xuất sang Trung Quốc.
Da lừa được phơi khô tại một trại giết mổ lừa hợp pháp ở Kenya. Ảnh: AFP. |
Nhiều báo cáo cho thấy lừa phải sống trong điều kiện nghèo nàn, không được ăn uống và chăm sóc tử tế. Chúng thường bị kéo lê bằng tai và đuôi và phải sống trong những chuồng trại chật hẹp.
Tình trạng sức khỏe của lừa vốn không ảnh hưởng đến chất lượng lấy cao, dẫn đến việc lừa ít khi được đối xử nhân đạo.
Nhiều con vật bị thương, ốm yếu, thậm chí lừa con và lừa đang mang thai cũng bị lấy mạng.
“Ở những nơi tàn sát lừa trên quy mô lớn vì mục đích thương mại, những hành vi phi nhân đạo là vô cùng khủng khiếp”, tờ Guardian trích lời Faith Burden, giám đốc nghiên cứu và hỗ trợ hoạt động tại Donkey Sanctuary cho biết.
Xác lừa chất đống tại một lò mổ ở Kenya. Ảnh: New York Times. |
Hiện 18 quốc gia đã có hành động nhằm kiểm soát ngành công nghiệp da lừa. Tuy nhiên, luật pháp còn lỏng lẻo khiến quy mô lừa bị tàn sát và lấy da vẫn còn rất lớn.
Cũng có nhiều lo ngại rằng việc buôn bán da lừa không được kiểm dịch kỹ sẽ gây lây bệnh ở lừa như bệnh than và uốn ván sang con người.
Lừa là con vật đỡ đần cuộc sống cho hơn 500 triệu người ở những vùng nghèo đói nhất trên thế giới. Tuy nhiên ngành công nghiệp da lừa đã đẩy giá lừa lên cao và khiến nhiều người không đủ điều kiện mua hoặc thay thế con khác nếu lừa của họ bị đánh cắp.