Một võ sĩ trẻ đang đấu tranh với nạn phân biệt giới tính trong môn thể thao lâu đời của Nhật Bản với hy vọng phụ nữ có quyền bước lên võ đài, đồng thời sumo được đưa vào hạng mục thi đấu tại Olympic.
Theo Japan Times, Hiyori Kon là nhân vật chính trong bộ phim tài liệu mới của Netflix mang tên Little Miss Sumo. Bộ phim nói về nỗ lực đấu tranh của Kon để đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ trong sumo.
Sumo là môn thể thao quốc gia Nhật Bản, được tôn vinh là "quốc kỹ" (môn thể thao mang tính biểu tượng quốc gia), trong đó hai võ sĩ thân hình to lớn sẽ vật nhau trên sàn đấu. Với người Nhật, chỉ đàn ông "mới xứng đáng" đứng trên võ đài của sumo.
Phụ nữ bị cấm bước lên sàn đấu sumo vì bị xem là làm vấy bẩn. Ảnh: Netflix. |
"Vấy bẩn"
Từ khi sumo ra đời hơn 1.500 năm trước, phụ nữ đã bị cấm bước vào vòng tròn thi đấu (dohyō) vì sự hiện diện của họ được xem là "bất khiết", "vấy bẩn", trong khi sumo được xem là một môn thể thao "linh thiêng".
Đến ngày nay, Nhật Bản vẫn xếp phía sau về bình đẳng giới so với nhiều nước phát triển khác. Theo báo cáo Khoảng cách Giới Toàn cầu được Diễn đàn kinh tế thế giới 2018 công bố, Nhật đứng thứ 110 trong số 149 quốc gia về bình đẳng giới.
Ở Nhật Bản ngày nay, nhiều người vẫn quan niệm việc gia đình là trách nhiệm của phụ nữ, trong khi chính trị là phạm trù dành cho nam giới. Thể thao cũng không ngoại lệ.
Những định kiến giới vẫn rất phổ biến, phụ nữ Nhật vẫn đối mặt với nạn sàm sỡ trên những chuyến tàu chật cứng người, trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục trong truyện tranh.
Năm 2018, Hiệp hội Sumo Nhật Bản, tổ chức không cho phép nữ giới thi đấu sumo chuyên nghiệp, đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi đuổi các nữ y tá khỏi sàn đấu vì họ cố xông lên để cứu một thị trưởng bị ngất.
Hành động của trọng tài trong trận đấu trên làm dấy lên tranh cãi về phân biệt giới tính trong bộ môn sumo và tạo nên làn sóng chỉ trích nhằm vào các quan chức thể thao đã "coi trọng quy định hơn tính mạng con người".
Quy tắc cũng cấm những chính trị gia nữ bước lên sàn thi đấu trao giải.
Hiệp hội Sumo Nhật Bản đến nay vẫn không cho phép nữ giới thi đấu sumo chuyên nghiệp. |
"Khi học hết tiểu học, các cô bé khác bỏ tập"
"Tôi bắt đầu tập sumo khi tôi 6 tuổi", cô Kon nói. "Tất cả các anh chị em của tôi đã tập luyện khiến tôi rất thích thú".
"Ngay cả khi bạn đương đầu với một người to khỏe, bạn không nhất thiết phải chạy trốn, mà phải chiến đấu như một võ sĩ sumo", Kon, 22 tuổi, nói khi được hỏi về lý do những nữ võ sĩ chọn môn thể thao đối kháng này.
"Có rất nhiều điều và khả năng mà sumo khơi dậy ở bạn. Nó là một môn thể thao tuyệt vời", cô nói.
Kon hiếm khi thua một trận đấu sumo nào, bất kể đối phương là nam hay nữ. Nhưng cô nói rằng hầu hết nữ võ sĩ khác đã bỏ tập luyện khi học hết tiểu học.
Lên đại học, Kon trở thành nữ sinh thứ 3 gia nhập câu lạc bộ sumo.
Hiyori Kon, nhân vật chính trong bộ phim tài liệu mới của Netflix mang tên Little Miss Sumo, nỗ lực đấu tranh để đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ trong bộ môn sumo. Ảnh: Netflix. |
"Khi tôi lần đầu tiên xem những cảnh phim được quay (Netflix), nó làm tôi ngạc nhiên vì những võ sĩ sumo trông mới ngầu làm sao. Nó cho thấy sự quyến rũ của sumo và rằng bộ môn này có thể phổ biến hơn nữa. Đó cũng là tham vọng của tôi: biến sumo thành môn thi đấu Olympics".
Little Miss Sumo được Netflix phát sóng trên toàn cầu hôm 4/11, góp phần vào những tiếng nói đòi hỏi bình đẳng giới ở Nhật Bản.
Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng ông muốn đẩy mạnh các chính sách nhằm nâng cao vị thế của nữ giới trong một xã hội coi trọng giá trị truyền thống như Nhật Bản. Phụ nữ Nhật cũng đang đặt câu hỏi về một loạt các giới hạn mà họ phải chịu đựng cả ở chỗ làm lẫn về nhà.
Kon là một trong hai người Nhật được nằm trong danh sách 100 phụ nữ truyền cảm hứng và có ảnh hưởng nhất thế giới nhất năm 2019, theo bình chọn của BBC.
Người còn lại là Yumi Ishikawa, diễn viên kiêm nhà văn đã khởi xướng phong trào phản đối việc phụ nữ bị buộc phải đi giày cao gót tại nơi làm việc #KuToo. KuToo có nghĩa là "giày" và "đau" trong tiếng Nhật.
"Sumo là một công cụ để thể hiện bản thân", Kon nói. "Nó là một thứ giúp mở ra khả năng của con người trong tương lai".