Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ vệ sĩ - nghề hot ở Trung Quốc

Những người làm công việc của nữ vệ sĩ có thể uống rượu đỡ chủ, kiêm nhiệm thư ký hay trợ lý. Nhìn họ có vẻ nhu mì, dễ thương, nhưng khi cần, lập tức họ ra đòn chế ngự đối phương.

Cách đây không lâu, tại một cuộc “bán đấu giá nhân tài đặc biệt” được tổ chức công khai tại Bắc Kinh, Tiểu Mai, nữ vệ sĩ xinh đẹp người Yên Đài, được một thương gia giàu có tuyển về làm vệ sĩ riêng với mức lương cố định 18 vạn tệ/năm (khoảng 630 triệu đồng). Khi chiếc búa hạ xuống chốt giá, nghề nữ vệ sĩ mới được dư luận chú ý hơn, dù nó đã có từ rất lâu. 

Tập bắn súng
Nữ vệ sĩ tập bắn súng.

Nhu cầu về vệ sĩ ở Trung Quốc hiện nay rất lớn. Tại các thành phố lớn, vệ sĩ riêng thường được trả lương cơ bản từ 8.000 đến 10.000 tệ/tháng. Những “vệ sĩ đặc biệt” có thể được trả hàng triệu tệ/năm. Theo Nhân dân Nhật báo điện tử ngày 16/10, ông Trần Vĩnh Thanh, Giám đốc công ty Vệ sĩ Thiên Kiêu nói, lương của các vệ sĩ thuộc công ty ông bình quân 280.000 tệ/năm, nếu phục vụ ngắn hạn thì phải hơn 20.000 tệ/tháng.

Ông Tôn, Giám đốc một công ty tư vấn an toàn chuyên nhận làm dịch vụ cung cấp vệ sĩ, tiết lộ, nói chung, vệ sĩ nam thu nhập khoảng 22.000 tệ/tháng, vệ sĩ nữ cao hơn, khoảng 28.000. Nếu là làm ngắn hạn, tạm thời thì tính theo giờ, nam 300 tệ/giờ, nữ 350 tệ. Đó là lương cố định, không bao gồm tiền “bo”. Khi nói về khoản tiền lương, cô Cao, một vệ sĩ nổi tiếng ở Đông Hoàn, hào hứng khoe: “Năm năm tôi bỏ túi khoản lương cố định 1 triệu tệ, còn tiền “bo” của ông chủ thì mỗi năm cũng được mấy chục ngàn”.

Phục vụ gia đình hoàng tộc Trung Đông nhận lương bao nhiêu?

Không chỉ nhận được mức lương hàng ngàn USD, những người làm việc trong gia đình hoàng gia UAE, Dubai còn được ngồi khoang máy bay hạng nhất, được chi trả mọi chi phí ăn ở.


Tiêu chuẩn cao

Nữ vệ sĩ phải có dáng người cao ráo, gương mặt ưa nhìn, võ công cao cường có thể nhanh chóng hạ gục đối phương bằng những đòn thế nhanh, bất ngờ. Bảo vệ thân chủ là chức trách của họ, nhưng họ không giết người, được phòng vệ chính đáng nhưng không được vượt quá giới hạn.

Các công ty vệ sĩ chuyên nghiệp thường tuyển nữ học viên với tiêu chuẩn rất cao: cao 1,6 m trở lên, gương mặt ưa nhìn, đã tốt nghiệp đại học… Nội dung huấn luyện gồm tập võ, bắn súng, lễ nghi, giao dịch, chụp ảnh, kỹ năng văn phòng, uống rượu, hút thuốc… Ngoài ra, kiến thức pháp luật cũng là môn bắt buộc, quan trọng nhất là những điều quy định liên quan phòng vệ chính đáng.

Để trở thành vệ sĩ chuyên nghiệp hưởng mức lương cao ngất, các cô gái cùng đồng nghiệp nam phải gồng mình học hỏi, rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt những khóa trình như môn võ đôi công Do Thái, thuật phân tích tâm lý của FBI, kỹ thuật trinh sát đặc biệt, lái xe đặc biệt, chống khủng bố và cả lễ nghi quốc tế.

Trong thời gian huấn luyện ở trại, họ phải chạy vũ trang, vác lốp xe, vượt bãi lầy, nhịn ăn nhịn uống… Nếu không hoàn thành bài tập, họ sẽ bị huấn luyện viên trừng phạt nặng. Theo quy luật đào thải, số người kiên trì đến cuối khóa thường chỉ bằng một nửa số học viên ban đầu. Các cô gái lại thường là những người chịu đựng giỏi nhất, ít người phải bỏ dở giữa chừng.

Tập chịu đòn
Tập chịu đòn.

Trần Vĩnh Thanh nguyên là lính đặc công lục quân. Sau khi xuất ngũ, ông lập công ty Thiên Kiêu, từng cung cấp dịch vụ bảo vệ cho Trương Mạn Ngọc, Thành Long, Lý Ngạn Hồng và nhiều doanh nhân, nghệ sĩ nổi tiếng khác. Năm 2010, Thiên Kiêu cung ứng 300 nhân viên phục vụ Hội chợ triển lãm thế giới Thượng Hải với các chức danh lái xe, trợ lý, thư ký, hướng dẫn viên, y tá…

Trần nói: “Quân nhân chỉ cần phục tùng mênh lệnh của chỉ huy, còn tác nghiệp thì hành động tập thể, còn vệ sĩ thì hoàn toàn dựa vào bản thân, không có chi viện, cần phải có đầu óc, khả năng phân tích, phán đoán. Phải luôn học hỏi để biết sử dụng thành thạo các loại vũ khí, khí giới, biết kỹ thuật thông tin tiên tiến, biết kỹ xảo “cắt đuôi”, biết đối phó những thủ đoạn gây án của đối phương”.

Ông Hồ Thành Võ, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo an Trung Quốc, nói: “Với vệ sĩ, mục đích chính là phòng vệ, không được chủ động dùng vũ khí tấn công trước. Vệ sĩ chuyên nghiệp phải trang bị bản thân và bảo vệ chủ bằng kỹ năng và trí tuệ, vượt qua mọi nguy hiểm”. Ông nhấn mạnh, nhiều người thường hiểu lầm về vệ sĩ, cho rằng vệ sĩ giỏi chỉ cần ngoại hình đẹp và có võ công phi thường. Thực ra, một vệ sĩ ưu tú phải qua huấn luyện gian khổ 3 - 5 năm, nắm chắc tâm lý tội phạm, hiểu chiến thuật tâm lý, trạng thái tâm lý vững vàng trước mọi tình huống, chịu đựng áp lực cao…

Thuê để thể hiện đẳng cấp

Những ai ở Trung Quốc thường thuê nữ vệ sĩ? Đó là những minh tinh, doanh nhân, ông chủ muốn mình được an toàn tuyệt đối, đề phòng mọi bất trắc đối với bản thân và cả người nhà; hoặc những người cảm thấy an toàn cá nhân bị uy hiếp nhưng không có chứng cứ rõ ràng. Theo luật pháp Trung Quốc, những trường hợp như thế, cảnh sát không thể điều tra hay bảo vệ.

Ông Trương, chủ công ty bảo an Thần Chi Thuẫn Bắc Kinh, nói rằng, hơn một nửa số người thuê vệ sĩ không phải là do nhu cầu an toàn, mà là để thể diện, tạo thế, tự PR mình trước đối tác, nhằm đề cao giá trị bản thân. Vì vậy, nhiều vệ sĩ người nước ngoài hình dáng đẹp, nghiệp vụ bình thường nhưng vẫn được ưa chuộng, giá thuê có khi cao gấp 3 lần vệ sĩ người Trung Quốc cùng hạng.

Một vấn đề nữa là người Trung Quốc thích giao đãi tiệc tùng, nên các nữ vệ sĩ cao ráo, xinh đẹp, cử chỉ đoan trang rất được ưa chuộng. Nói chung, những ai giàu có, có nhu cầu đều có thể tự mình tuyển, thuê vệ sĩ. Tuy nhiên, không phải ai cũng thuê được vệ sĩ. Công ty vệ sĩ cũng điều tra lai lịch người thuê, nếu có tiền sử xấu hay từng phạm tội thì họ có thể từ chối để giữ thanh danh công ty.

Dù là vệ sĩ nam nay nữ cũng đều phải nắm chắc chức trách, việc gì được làm, việc gì không được làm. Nếu chủ sai làm những việc phạm pháp, vệ sĩ không được làm và phải báo cáo cho công ty. Tuy nhiên, nhận tiền của người thì phải chịu sai khiến, nhiều khi vệ sĩ phải làm những việc vặt vãnh ngoài hợp đồng như giúp mua hàng siêu thị, cùng vợ ông chủ dắt chó đi dạo, đưa con chủ đến trường… 

Trung Quốc hiện có khoảng 4.000 công ty vệ sĩ (bảo an) được cấp phép hoạt động, có 4,3 triệu vệ sĩ, doanh thu toàn ngành này mỗi năm tới 40 tỷ tệ. Nghề “vệ sĩ tư nhân” vẫn chưa được chính thức công nhận, nhưng cũng không có văn bản nào cấm. Hiện nay, chính quyền chỉ công nhận loại nghề gọi là “bảo an viên” và có quy định thi cử nghề này, còn với các loại chức nghiệp “bảo an đặc biệt”, “bảo an tư nhân”, “vệ sĩ tư nhân” đều chưa có quy định rõ ràng.

http://www.tienphong.vn/the-gioi/nu-ve-si-nghe-hot-o-trung-quoc-773011.tpo

Theo Thu Thủy / Tiền phong

Bạn có thể quan tâm