Trong môn điền kinh, nội dung marathon với chiều dài 42,195km được xem là khắc nghiệt nhất, thử thách tài năng, bản lĩnh cũng như sức chịu đựng tột cùng của các VĐV. Không phải ai cũng “dám” dấn thân ở nội dung siêu khó này. Nhưng cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Thị Bình đã thành công với trái tim bị dị tật bẩm sinh, từng có lúc cướp đi sự nghiệp của cô.
Con nhà nông bén duyên với đường chạy
Phạm Thị Bình sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Là con thứ 5 trong một gia đình có đến 7 anh chị em, ngay từ nhỏ Bình đã phải sớm lăn lộn vào cuộc sống mưu sinh. Mảnh đất có điều kiện khắc nghiệt này đã hun đúc cho Bình một quyết tâm, ý chí sắt đá giúp cô vững bước trên đường chạy về sau.
Nhờ cơ địa tốt, có sức bền, Phạm Thị Bình được chọn vào đội điền kinh huyện Bình Sơn tham dự Hội khỏe phù đổng tỉnh năm 2003 khi mới 14 tuổi. Tại giải đấu này, Bình chỉ đoạt HCĐ nhưng ông Nguyễn Văn Vinh (huấn luyện viên của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh) đã chú ý đến chị.
Phạm Thị Bình đã đoạt gần 30 huy chương các loại kể từ khi thi đấu đến nay. |
Chỉ sau gần 6 tháng huấn luyện tại Trung tâm, Bình được đưa đi thi đấu tại Giải điền kinh trẻ toàn quốc năm 2004 và bất ngờ đạt huy chương vàng ở cự ly 10 km.
Đó là bước ngoặt để đưa Bình đến với đường chạy trên đôi chân trần, giúp cô đổi đời đồng thời cũng giúp điền kinh Việt Nam có được một VĐV đầy tài năng. Phạm Thị Bình không phải VĐV tự hài lòng với chính mình, luôn muốn khám phá giới hạn của bản thân, hướng đến những mục tiêu mới.
Năm 2006, khi đã quá quen với đường chạy 10.000m, Bình muốn được thử sức ở nội dung “khó nuốt” nhất của điền kinh - marathon (42,195km). Cô tâm sự: “Năm 2006 khi tập tại Đà Nẵng nhìn thấy những anh chị chạy nội dung này em phục lắm. Em nghĩ không biết mình có đi bộ được chặng đường bấy nhiêu không chứ đừng nói là chạy. Nhưng em vẫn muốn thử sức”.
Được HLV Nguyễn Tuấn Anh của Trung tâm 3 động viên và hướng dẫn, Phạm Thị Bình đã lao vào tập luyện vài tháng và sau đó đoạt ngay HCĐ tại giải điền kinh toàn quốc cùng năm. Kể từ đó, Bình liên tục thi đấu ở 2 nội dung, nhưng thành công vang dội ở nội dung marathon với hàng loạt chiến tích đáng nể như: Huy chương vàng Giải bán maraton quốc tế Việt- Nhật năm 2009, huy chương đồng Giải maraton vô địch thế giới ở nội dung chạy tiếp sức, phá KLQG ở nội dung marathon giải VĐQG 2012...
Trở lại mạnh mẽ sau ca mổ tim
Tháng 9/2010, một biến cố lớn tưởng chừng đã cướp đi sự nghiệp của Phạm Thị Bình. Trong một lần đi khám sức khỏe để làm thủ tục nhập học tại ĐH TDTT Đà Nẵng, Bình bị phát hiện gặp vấn đề ở tim. Sau khi được khám kỹ càng tại bệnh viện Hoàn Mỹ, Đà Nẵng, Bình được chẩn đoán bị hở lỗ thông liên nhĩ, cần phải tiểu phẫu nếu không sẽ không thể thi đấu, đồng thời nguy hiểm đến tính mạng.
Không phải ai cũng đủ quyết tâm, ý chí để trở lại thi đấu thành công như Bình. |
Bầu trời như đóng sập trước mắt Phạm Thị Bình bởi số tiền 45 triệu đồng chi phí cho ca phẫu thuật này vượt quá xa khả năng của chị. May thay trong lúc khám bệnh có một bác sĩ của bệnh viện Hoàn Mỹ quen với tổ chức hỗ trợ bệnh tim của nhà thơ Thanh Thảo ở Quảng Ngãi. Cảm phục ý chí, tài năng của Phạm Thị Bình, tổ chức này đã đài thọ toàn bộ kinh phí phẫu thuật giúp cô có một trái tim lành lặn. Bệnh tật không đánh gục được Bình mà trái lại còn giúp cô trở lại đường chạy mạnh mẽ hơn, thành công hơn. Chỉ 3 tuần sau ca phẫu thuật tim, Bình đã trở lại đường chạy để rồi đoạt ngay 2 HCB ở Đại hội TDTT toàn quốc tại Đà Nẵng.
Đó là một chiến tích phi thường. Nhưng năm 2011 mới là đỉnh điểm thành công trong sự nghiệp của Phạm Thị Bình. Tháng 7 năm đó cô làm được điều mà chưa VĐV điền kinh Việt Nam nào làm được: đoạt huy chương châu lục. Tại giải điền kinh vô địch châu Á diễn ra ở Phuket, Thái Lan, Bình đã xuất sắc đoạt HCĐ ở nội dung marathon.
Đến SEA Games cùng năm tại Indonesia, Phạm Thị Bình xuất sắc đoạt cú đúp HCB nhưng được xem quý như vàng ở nội dung 10.000m và marathon. Cũng tại kỳ SEA Games năm đó, cô vinh dự được kết nạp Đảng.
Hiện tại, Bình đang thuộc biên chế của Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi. Tuy chỉ hưởng lương khoảng 7 triệu đồng/tháng, cũng như chế độ thưởng không bằng các địa phương khác nhưng Bình vẫn cảm khái tình cảm của ngành thể thao nơi đây khi mọi người luôn bên cạnh mình trong những lúc gian khó nhất.
Với Bình được tiếp tục gắn bó với đường chạy đã là một niềm hạnh phúc lớn. Trong cô vẫn còn những dự định lớn cho tương lai sau khi đã giúp bố mẹ sửa sang lại nhà cửa, mở một quán ăn nhỏ cũng như nuôi em trai đang học đại học.