Tối 16/3, Bộ Y tế thông báo về 3 bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới ở Việt Nam, các ca bệnh số 58, 59, 60.
Trong đó, ca bệnh số 59 (BN59 - nữ, 30 tuổi, ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) là tiếp viên trên chuyến bay VN54 từ Vương quốc Anh về Việt Nam ngày 2/3 (chuyến bay đã ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 trước đó).
Các tàu bay mà tiếp viên nhiễm Covid-19 thực hiện nhiệm vụ được khử trùng toàn bộ theo kế hoạch của hãng Vietnam Airlines. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngày 15/3, BN59 có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-COV-2 sau một ngày ho, sốt. Bệnh nhân hiện được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, sức khoẻ ổn định.
Ca bệnh đặc biệt
Trong khi đó, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Hà Nội chiều tối 16/3, Chủ tịch quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà đã cung cấp một số thông tin về ca bệnh số 59.
Ông Hà nhận định đây trường hợp bệnh nhân “đặc biệt”, ở ngõ 162 Nguyễn Văn Cừ, tên L.T.Q. Bệnh nhân này ngày 7/3 đã có kết quả xét nghiệm âm tính, vì vậy, được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương về Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm. Tại đây, nữ bệnh nhân có triệu chứng bệnh nên được chuyển trở lại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vào ngày 14/3. Một ngày sau, bệnh nhân kết quả xét nghiệm dương tính.
"Như vậy, 8 ngày sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, bệnh nhân có kết quả dương tính với Covid-19", ông Hà nói.
Chủ tịch quận Long Biên cho biết địa phương đã phối hợp các đơn vị rà soát các trường hợp F2 trước đây và giờ trở thành F1 có liên quan đến nữ bệnh nhân này. Theo đó, diện F1 có 8 người gồm 6 trường hợp ở Long Biên, 1 ở Nam Định và 1 Hải Dương.
“Quận chỉ đạo các phường liên quan ra quyết định cách ly ngay trong ngày hôm nay”, ông Hà nói.
Đến nay, số trường hợp F1 quận đang theo dõi là 96 người, F2 là 430 người, F3 là 435. Tổng là 961 người đang được theo dõi.
Phía Vietnam Airlines thì thông tin ngày 16/3, một tiếp viên của hãng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi xét nghiệm lần thứ 4 (3 lần trước đó có kết quả xét nghiệm âm tính). Tiếp viên này phục vụ chuyến bay VN54 từ London đến Hà Nội, hạ cánh sáng ngày 2/3 và đã được cách ly từ 6/3 khi khách trên chuyến bay này được xác định dương tính với SARS-CoV-2 (BN17).
Hãng cho biết đã khoanh vùng và báo cáo với nhà chức trách danh sách phi công, tiếp viên, nhân viên và hành khách để có phương án xử lý. Các tàu bay mà tiếp viên này thực hiện nhiệm vụ đã được khử trùng toàn bộ theo kế hoạch của hãng.
Kêu gọi không ăn thịt chó để phòng Covid-19
Chủ trì buổi giao ban chiều 16/3 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh nguy cơ lây nhiễm tại thủ đô đang rất lớn. Dự kiến thành phố ghi nhận thêm các trường hợp dương tính mới trong những ngày tới.
Bên cạnh hoạt động đấu tranh với hàng giả, tích trữ hàng hóa, trục lợi trong thời điểm dịch bệnh, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Công an thành phố và lực lượng quản lý thị trường tích cực phối hợp, đối phó với nạn buôn bán động vật hoang dã.
Lấy ví dụ virus corona bùng phát được cho từ một chợ hải sản ở Vũ Hán, Trung Quốc, ông Chung cho rằng động vật hoang dã là một nguồn lây nhiễm rất khó kiểm soát. Các cơ quan chức năng cần mở rộng cả những người buôn bán chó, mèo, thậm chí qua biên giới để mua về tiêu thụ ở nội địa.
"Với tư cách cá nhân và Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố, tôi kêu gọi người dân đã đến lúc chúng ta phải dừng hoạt động ăn thịt chó và động vật hoang dã", Chủ tịch Hà Nội nói.
Từ thực tiễn diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng để người dân thủ đô nâng cao nhận thức, tiến tới mức độ cảnh báo cao hơn. Mỗi người phải nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm với chính mình, gia đình và cộng đồng dân cư. Nhiệm vụ tiếp theo là tập trung cao độ mọi nguồn lực để phát hiện, kiểm soát chặt chẽ công dân từ nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Chung chủ trì buổi giao ban của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều tối 16/3. Ảnh: Hoài Sơn. |
Theo ông Chung, vẫn có khách nước ngoài vào Việt Nam, vào Hà Nội mà không được kiểm soát chặt chẽ. Cần sớm phát hiện, có biện pháp ngăn chặn để giảm thiểu lây nhiễm.
Ông cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ hành trình của những người tiếp xúc thuộc diện F1, F2, F3, giám sát chặt tất cả công dân đang cách ly tại nhà, cơ sở tập trung hay cơ sở y tế.
“Qua phản ánh, có một số người cách ly tại nhà vẫn đi lại nên đề nghị rà soát, kiểm tra. Nếu đã có quyết định cách ly mà không thực hiện, sau này phát hiện bệnh và để lây nhiễm cộng đồng thì có thể sẽ xử lý hình sự”, ông Chung nói.
Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các đơn vị phải xây dựng phương án cụ thể, đảm bảo đủ chỗ để cách ly, đảm bảo đủ công tác hậu cần và các trang thiết bị bảo hộ. Để có thêm nguồn nhân lực, ông Chung đề xuất lấy sinh viên Học viện Quân y hay Đại học Y tập huấn, tham gia chống dịch.
Theo thông tin từ UBND Hà Nội, Bộ Y tế và thành phố đã tổ chức điều tra người tiếp xúc, xử lý ổ dịch, xử lý khử khuẩn môi trường tại những nơi mà bệnh nhân lưu trú, cách ly triệt để và theo dõi sát tình hình sức khỏe của tất cả người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh.
Bộ Y tế đề nghị Hà Nội tổ chức điều tra mở rộng, cách ly và theo dõi sức khỏe tất cả trường hợp tiếp xúc với trường hợp bệnh, các trường hợp tiếp xúc với những người tiếp xúc gần. Đồng thời, truyền thông tại khu vực ổ dịch về các biện pháp chủ động phòng bệnh, khuyến cáo của ngành y tế và các biện pháp phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố Hà Nội.