Theo kết quả khảo sát của tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới - Gia đình & Môi trường trong Phát triển, có 31% nữ sinh từng bị quấy rối trên xe buýt, 20% người chứng kiến trẻ em gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt nhưng không có hành động gì.
Xe buýt đông đúc trong giờ cao điểm là nơi xảy ra hành vi quấy rối. |
Nhóm PV đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với các sinh viên nữ thường xuyên đi xe buýt tại Hà Nội. Nhiều sinh viên cho biết mình từng là nạn nhân hoặc đã chứng kiến hành vi quấy rối trên xe buýt.
Cảm thấy bức xúc nhưng vẫn im lặng là tâm lý chung của những nạn nhân bị quấy rối trên xe buýt. Đó là lý do khiến nhiều nữ cảm thấy e ngại khi đi xe buýt vào giờ cao điểm.
Sinh viên Trương Thị Ngọc Cúc (Học viện Chính sách và Phát triển) từng nạn nhân của tình trạng quấy rối trên xe buýt kể lại: “Tôi thường đi xe buýt vào lúc 21-22h đêm trên tuyến xe 32, khi đó xe thường chật cứng người. Một hôm, tôi đang đi trên tuyến xe này vào giờ cao điểm, đột nhiên có bàn tay đưa ra sờ soạng phía sau lưng tôi. Tôi vội nhích lên phía trên để tránh. Tôi không thể kêu lên vì xe lúc đó quá đông”.
Cùng cảnh ngộ, Lê Thị Cẩm Tú, sinh viên năm 2 khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Công nghiệp Hà Nội, chia sẻ: “Trong một lần đang đi xe buýt trên tuyến 29, tự nhiên có người đứng từ đằng sau vuốt tóc, khi tôi quay ra nhìn thì anh ta mới dừng lại. Hoảng sợ, tôi phải xuống xe ở điểm kế tiếp".
Dáng người cao ráo với khuôn mặt ưa nhìn, chị Trần Thanh Huyền, 23 tuổi, thường xuyên là nạn nhân của hành vi sàm sỡ trên xe buýt: “Tôi hay mặc váy, đi làm bằng xe buýt trong giờ cao điểm. Tôi thường cố đứng tránh đàn ông nhưng lúc xe đông thì đành chịu. Nhiều lúc xe phanh nhẹ cũng có người cố tình lao vào ôm lấy tôi”.