Theo South China Morning Post nữ sinh họ Hà hiện theo học chương trình đại học. Cô ứng tuyển và trúng tuyển từ công ty viễn thông China Unicom (Quảng Đông, Trung Quốc). Tuy nhiên, hôm 24/5, Hà nhận thông báo công ty không thể tuyển cô vì cô "quá già". Thực tế, Hà còn chưa tốt nghiệp và mới 24 tuổi.
Sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc khó tìm việc do thị trường lao động suy giảm và tình trạng phân biệt tuổi tác. Ảnh: Getty Images. |
Nữ sinh họ Hà nói thêm theo thông tin cô nắm được, ít nhất 5 sinh viên khác cũng bị China Unicom đổi ý, không tuyển vì vấn đề tuổi tác.
Theo website tin tức video Houlang, China Unicom giải thích với Hà cô vi phạm quy định nội bộ của công ty - chỉ tuyển sinh viên chưa tốt nghiệp dưới 24 tuổi.
Trong đợt tuyển dụng năm ngoái do công ty này tổ chức tại trường Hà đang học, nữ sinh đã ký thỏa thuận làm việc với chi nhánh của Unicom tại thành phố Hà Nguyên, Quảng Đông. Sau đó, công ty kiểm tra lý lịch, xác nhận hồ sơ của Hà không có vấn đề. Vì thế, cô rất bối rối khi đột nhiên nhận thông báo mình lại không trúng tuyển.
"China Unicom đang lợi dụng những sinh viên sắp tốt nghiệp như chúng tôi. Tôi sinh vào tháng 2/1998. Chúng tôi sắp tốt nghiệp trong khi đợt tuyển dụng mùa thu và mùa xuân trong trường đều đã qua. Hiện tại, chúng tôi rất khó tìm việc mới", Hà chỉ trích.
Nữ sinh nói thêm khi cô yêu cầu xem hồ sơ kiểm tra lý lịch tuyển dụng, China Unicom từ chối, cho biết đó là tài liệu bí mật nội bộ.
Cô cũng không biết mình có được bồi thường khoản vi phạm hợp đồng không khi một số thỏa thuận không nói đến điều này, một số khác lại ghi bên vi phạm hợp đồng cần bồi thường cho bên kia 5.000 nhân dân tệ (hơn 17 triệu đồng).
"Tiền bồi thường không phải là vấn đề chính. Công ty đang lợi dụng sinh viên, xúc phạm chúng tôi, đặc biệt khi nhiều người đã từ chối lời mời từ nhà tuyển dụng khác để chọn China Unicom", Hà bức xúc.
Vụ việc dấy lên làn sóng dân mạng chỉ trích tình trạng phân biệt tuổi tác phổ biến tại các công ty ở Trung Quốc.
"Hai mươi tư tuổi thì làm sao? Ở tuổi đó, hầu hết đều mới tốt nghiệp. Tại sao công ty có thể vô lý như vậy", một người dùng mạng bất bình.
Một người khác tỏ ra ngạc nhiên khi tình trạng phân biệt tuổi tác đã hạ mức tiêu chuẩn xuống 24 tuổi thay vì 35 tuổi như trước đây.
Phân biệt tuổi tác là vấn đề lớn ở Trung Quốc dù quốc gia này đang đối mặt với thực tế dân số trong độ tuổi lao động (19-59) ngày càng giảm.
Đầu năm 2022, Cục Thống kê Trung Quốc công bố báo cáo cho thấy cả nước có 882 triệu người trong độ tuổi lao động. Con số này năm 2021 là 894 triệu người.
Tại Trung Quốc, tuổi nghỉ hưu đối với nam giới là 60, nữ giới lao động trí thức là 55, lao động chân tay là 50. Chính phủ đang lên kế hoạch nâng độ tuổi nghỉ hưu nhằm giải quyết tình trạng dân số trong độ tuổi lao động giảm.