Ở tuổi 34, Busola Dakolo, nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng tại Nigeria, quyết định xuất hiện trên truyền hình, lên tiếng về một bí mật mà cô miêu tả đã bị giữ kín quá lâu, như một liều thuốc độc thiêu đốt tâm can mà nữ nhiếp ảnh gia không thể tiếp tục mang theo.
Dakolo cho biết cô bị cưỡng hiếp hai lần khi còn là trẻ vị thành niên bởi mục sư tại nhà thờ. Mục sư bị tố cáo tên Biodun Fatoyinbo, lãnh đạo một nhà thờ có hàng nghìn tín đồ thường xuyên tới hành lễ. Nhiều người gọi ông này là "mục sư Gucci" bởi phong cách sống hào nhoáng. Fatoyinbo đã bác bỏ cáo buộc của Dakolo.
Bị công kích ngược
Sau nhiều năm im lặng về những vụ cưỡng hiếp và tấn công tình dục đã là chuyện bình thường, làn sóng #MeToo giờ đây nổi lên và đang quét qua một loạt quốc gia ở Tây Phi.
Những cáo buộc liên tục được đưa ra, từ một hoa hậu ở Gambia tiết lộ bị cựu tổng thống cưỡng bức, cựu cố vấn tổng thống ở Sierra Leone tố cáo mục sư nhà thờ tấn công tình dục, tới một phóng viên BBC ở Nigeria thu được bằng chứng các giáo sư đại học gạ gẫm đổi tình dục lấy điểm thi. Những bằng chứng gây chấn động khu vực, làm dấy lên sự bất bình đối với giới chính trị gia, và khiến ít nhất 4 giảng viên đại học bị đình chỉ.
Thế nhưng, nhiều phụ nữ dũng cảm bước lên phía trước, nói lên sự thật, đang đối mặt những cú phản đòn, gồm những cuộc tấn công vào danh dự và cáo buộc nói dối. Những kẻ chỉ trích cho rằng những người phụ nữ lên tiếng chỉ với những cáo buộc chưa được kiểm chứng. Những phản ứng thù địch cho thấy khó khăn mà phụ nữ ở châu Phi phải đối mặt khi nói về lạm dụng tình dục.
Nhiếp ảnh gia Busola Dakolo tại tư gia. Ảnh: New York Times. |
Những đòn tấn công đáp trả xảy ra với phụ nữ ở nhiều quốc gia, ở cả châu Âu và Mỹ. Nhưng, với phụ nữ ở Tây Phi, họ cho biết cảm thấy nỗi sợ hãi đặc biệt lớn, sợ hãi làm mất mặt gia đình, làm xấu hổ chồng tương lai, sợ hãi phải đối mặt với những thiết chế quyền lực của đất nước.
"Tất cả mọi thứ vẫn xoay quanh việc bảo vệ những người đàn ông", Dakolo nói.
Sau khi Dakolo công khai cáo buộc trên truyền hình, cảnh sát Nigeria đã tới làm việc với nữ nhiếp ảnh gia, cho biết cô bị điều tra về về một âm mưu tội phạm.
Trên Instagram, ông Fatoyinbo cho biết nhiều người đã sử dụng những cáo buộc tương tự nhằm bôi nhọ danh dự của ông.
"Trong đời mình, tôi chưa bao giờ cưỡng hiếp bất cứ ai, dù đó có là những kẻ không có đức tin", Fatoyinbo viết. Ông này đã từ chối nhiều yêu cầu phỏng vấn của báo giới.
Trong cuộc phỏng vấn tại tư gia ở thủ đô Lagos, Dakolo cho biết quyết định tiết lộ câu chuyện sau khi cô và chồng, một ca sĩ nhạc pop nổi tiếng, nhận được thông tin mục sư Fatoyinbo tiếp tục hành vi tấn công tình dục đối với những con chiên khác.
Tuy nhiên, cái giá cho lời tố cáo quá đắt đỏ, bao gồm cả những cuộc điện thoại đe dọa, tấn công trên mạng Internet, và những cuộc nói chuyện cực kỳ khó khăn với 3 người con về vấn đề cưỡng hiếp.
"Tôi bắt đầu tự hỏi bản thân liệu mình có làm điều đúng đắn không?", Dakolo nói.
Khi tôn giáo là thế lực quá lớn
Tôn giáo là một thế lực tuyệt đối ở Nigeria, quốc gia với 200 triệu dân bị chia rẽ sâu sắc giữa hai cộng đồng Hồi giáo và Thiên chúa giáo. Biển quảng cáo dành cho những mục sư nổi tiếng nằm khắp các đường cao tốc, hàng triệu người đến những địa điểm rửa tội mỗi năm, mội số nhà thuyết giáo thậm chí nổi tiếng hơn các lãnh tụ chính trị.
Trong những năm gần đây, mục sư Fatoyinbo đã phát triển mạnh mẽ thế lực tôn giáo, và có sự ủng hộ của cộng đồng giáo dân Tin lành Ngũ tuần tại 5 thành phố lớn.
Trẻ tuổi và am hiểu công nghệ, Fatoyinbo thuyết giảng một tư tưởng thần học được gọi là phúc âm thịnh vượng, cho rằng thành công có thể đạt được nhà đức tin và quyên góp cho nhà thờ. Tư tưởng của Fatoyinbo ngày càng nhận được sự ủng hộ của giáo dân.
Giáo dân được chào đón nồng nhiệt khi đến với Fatoyinbo, và họ say sưa theo dõi những chuyến đi của mục sư này, ví dụ như tiệc sinh nhật trên một du thuyền ở Dubai của Fatoyinbo được phát trên bản tin.
Vài tuần sau khi tạm rời khỏi nhà thờ ở Abuja, mục sư Fatoyinbo trở lại bục giảng đạo, giữa những tiếng reo hò của đám đông và sự ủng hộ từ một nhóm tự xưng là "Liên đoàn Công lý xã hội".
Mục sư Biodun Fatoyinbo. Ảnh: New York Times. |
Khi lần đầu gặp Dakolo gần 20 năm trước ở thành phố Ilorin, Fatoyinbo mới chỉ là một ngôi sao chưa nổi của hệ thống tôn giáo, trong khi cô gái đang ở tuổi vị thành niên. Fatoyinbo trở thành người hướng dẫn tinh thần cho Dakolo, mục sư này khen cô hát hay và thường viếng thăm nhà để giảng đạo cho cô gái.
Dakolo cho biết vụ cưỡng hiếp xảy ra năm cô gái 17 tuổi, một lần tại nhà riêng của cô, một lần khác ở trên lề của một đoạn đường vắng. Dakolo sau đó kể với anh chị ruột, và chống lại Fatoyinbo. Cô gái cho biết vị mục sư sau đó chấp nhận xin lỗi, nói rằng hành vi của mình bị quỷ dữ chi phối.
Đoạn ghi hình phỏng vấn của Dakolo do phóng viên Chude Jideonwo thực hiện đã thu hút hơn 500.000 lượt xem trên YouTube. Cáo buộc của Dakolo đã tạo ra một cuộc biểu tình bên ngoài nhà thờ nơi Fatoyinbo làm việc, buộc mục sư này phải tạm thời ngừng hành lễ.
Những câu chuyện sau đó liên tiếp được kể, trong đó một phụ nữ thứ hai cáo buộc Fatoyinbo cưỡng bức trong thời gian cô này đang chăm sóc con nhỏ. Esther Uzoma, luật sư nhân quyền ở Abuja, cho biết Dakolo đã nhanh chóng trở thành biểu tượng cho mọi nỗi đau của phụ nữ.
Nhưng, nữ nhiếp ảnh gia lại bị nhắm tới như một đối tượng của sự hoài nghi.
Một số tờ báo địa phương đăng tải cáo buộc của Liên đoàn Công lý xã hội, tổ chức ủng hộ Fatoyinbo, cáo buộc Dakolo chỉ là công cụ của lãnh đạo các nhà thờ khác, nhằm hạ bệ uy tín của vị mục sư.
Khi Dakolo khởi kiện Fatoyinbo, đội ngũ pháp lý của vị mục sư đã đáp trả với yêu cầu cô gái phải trả 140.000 USD, với cáo buộc vụ kiện đã cấu thành hành vi lạm dụng tiến trình tư pháp gây thiệt hại cho mục sư này.
Hiệp hội Tin lành Ngũ tuần Nigeria, tổ chức tôn giáo đầy quyền lực, cam kết sẽ tiến hành điều tra kỹ lưỡng vụ việc, nhưng sau đó đã kết thúc quá trình điều tra khi Fatoyinbo không xuất hiện để trả lời điều trần.
Simbo Olorunfemi, đại diện của Hiệp hội, cho biết tổ chức này "không và sẽ không bao giờ dung túng" cho hành vi tấn công tình dục. Tuy nhiên, ông Olorunfemi cho biết Hiệp hội không thể làm gì hơn nếu Fatoyinbo từ chối hợp tác.
Cần nhiều hơn những lời tố cáo
Trong các cuộc phỏng vấn ở Lagos và Abuja, hai thành phố lớn nhất Nigeria, một số ý kiến bảo vệ Dakolo. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ cáo buộc của nữ nhiếp ảnh gia. Thậm chí, nhiều phụ nữ từng là nạn nhân của tấn công tình dục cũng tỏ ra không mấy cảm thông với Dakolo.
Trong 3 phụ nữ tham gia phỏng vấn cho biết từng bị hiếp dâm, 2 người đứng về phía Fatoyinbo, cho rằng nếu thực sự Dakolo là nạn nhân, cô này cũng phải chịu trách nhiệm một phần.
Tháng 10 vừa qua, hãng BBC đăng tải phóng sự phơi bày nạn tấn công tình dục gây ra bởi các giáo sư tại một số đại học danh tiếng ở Nigeria và Ghana. Một giáo sư bị ghi hình hứa hẹn giúp đưa một nữ sinh vào Đại học Lagos, không biết rằng cô gái thực chất là phóng viên giả trang. Giáo sư này khóa trái cửa, tắt đèn, vồ lấy nữ phóng viên. Ông này cũng tiết lộ nhiều nữ sinh viên đã quá quen với "mua điểm" bằng thân xác.
Phóng sự của BBC đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội, mang lại một phản ứng chính trị mạnh mẽ. Trong vài ngày, cơ quan lập pháp Nigeria đã đưa ra luật cấm các giáo sự có quan hệ tình dục với học sinh, với sự cam kết thúc đẩy từ Tổng thống Muhammadu Buhari.
Kiki Mordi, phóng viên của BBC, cho biết phóng sự đạt hiệu quả kinh ngạc, bởi đây là lần đầu tiên người dân quan sát được sự lạm dụng "qua đôi mắt của nạn nhân".
Bên ngoài nhà thờ The Commonwealth of Zion Assembly của Fatoyinbo. Ảnh: New York Times. |
Dakolo nói cô vui mừng vì điều tra của BBC nhận được sự quan tâm rộng rãi, tuy nhiên cảm thấy băn khoăn khi dường như người dân cần phải thấy tận mắt sự đồi bại của những kẻ tấn công để thực sự nghiêm túc với các cáo buộc. Dakolo cho biết phần lớn nạn nhân nữ giới không có được bằng chứng như những gì BBC đã làm được.
Mới đây, khi Fatoyinbo trở lại nhà thờ, mục sư này được chào đón nồng nhiệt bởi các con chiên ở Abuja. Trong đám đông những người đổ đến nhà thờ của Fatoyinbo có đủ mọi thành phần, kể cả các sĩ quan cảnh sát.
Hàng nghìn người theo dõi Fatoyinbo trên bục giảng đạo. Trong bộ quần áo ba mảnh màu xanh, Fatoyinbo thuyết giảng về tầm quan trọng của việc chống lại "bất cứ điều gì kẻ thù đưa ra trước mắt các bạn".
Nhiều người khẳng định Fatoyinbo không làm gì sai trái, đồng thời cáo buộc Dakolo đã nói dối. Một số người cho rằng dù hành vi tình dục có thể đã xảy ra, nạn nhân tốt nhất nên tiếp tục cuộc sống bình thường, bởi suy cho cùng Fatoyinbo "đã làm nhiều điều tốt".
"Tha thứ và quên đi, đó chẳng phải là những gì Chúa răn dạy sao?", Stephen Yakubu, một con chiên 52 tuổi, nói.