Nữ nghị sĩ gốc thổ dân đầu tiên phục vụ trong Hạ viện Mỹ
Thứ tư, 9/1/2019 19:56 (GMT+7)
19:56 9/1/2019
Deb Haaland, thành viên bộ lạc Laguna Pueblo, là một trong hai phụ nữ bản địa đầu tiên phục vụ tại quốc hội Mỹ, đại diện cho tiếng nói của các bộ tộc bản địa trên khắp đất nước.
Bà Deb Haaland (giữa) vừa tuyên thệ vào tuần trước với tư cách nghị sĩ mới của hạ viện Mỹ đa dạng nhất trong lịch sử Mỹ. Bà là một trong hai phụ nữ Mỹ bản địa đầu tiên phục vụ tại quốc hội, theo Reuters.
Bà Haaland làm việc trong văn phòng của bà tại quốc hội trước khi tuyên thệ. Nữ nghị sĩ 58 tuổi đã tổ chức một cuộc họp nhân viên ngắn trong văn phòng mới ở Điện Capitol. Các nhân viên tại đây đang bận rộn nhận điện thoại và giải quyết các vấn đề hậu cần trước lễ tuyên thệ của các nghị sĩ mới.
Bà Haaland (trái), chị gái Zoe và bà Mary, mẹ của hai người, đi qua hành lang tầng ngầm của tòa nhà quốc hội Mỹ. Bà Haaland là nghị sĩ đầu tiên được bầu đại diện cho khu vực bầu cử số 1 của bang New Mexico và là thành viên bộ lạc Laguna Pueblo của bang.
Bà Haaland (trên cùng bên phải) và nghị sĩ đảng Dân chủ Sharice Davids (trên cùng, thứ hai bên phải) được các tay trống của bộ lạc Ho-Chunk vinh danh. Bà Haaland hiểu rằng các bộ lạc trên khắp cả nước sẽ mong đợi người phụ nữ Mỹ bản địa đầu tiên trong quốc hội đại diện cho tiếng nói của họ. Bà tự tin rằng mình có thể làm tốt vai trò này.
Bà Haaland và nghị sĩ đảng Dân chủ Hakeem Jeffries rời sảnh lễ tân. Vấn đề ưu tiên của bà là chống biến đổi khí hậu để bảo vệ vùng đất của các bộ lạc. Bà cũng muốn quốc hội tổ chức các phiên điều trần giám sát thêm về vấn đề các phụ nữ bản địa bị mất tích và bị sát hại.
Bà Haaland xúc động và ôm chầm lấy hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Sharice Davids sau khi họ tuyên thệ. Bà Haaland nằm trong số 102 phụ nữ của Hạ viện Mỹ khóa 2019-2020. Đây là con số nữ nghị sĩ cao kỷ lục trong 435 ghế của cơ quan này.
Bà Haaland và bà Davids của bang Kansas, thành viên của bộ lạc Ho-Chunk, là những phụ nữ người Mỹ bản địa đầu tiên của quốc hội. Hai nghị sĩ Ilhan Omar ở Minnesota và Rashida Tlaib của bang Michigan là nữ nghị sĩ Hồi giáo đầu tiên. Hai nghị sĩ Ayanna Pressley của bang Massachusetts và Jahana Hayes ở Connecticut là những phụ nữ da đen đầu tiên đại diện cho các tiểu bang của họ. Tất cả đều là đảng viên Dân chủ.
Bà Haaland mặc trang phục truyền thống của người bản xứ Mỹ ngồi đi tới Điện Capitol dự lễ tuyên thệ. Người Mỹ bản địa từng không có quyền bỏ phiếu ở bang New Mexico mặc dù đã được chính phủ liên bang trao tư cách công dân Mỹ vào năm 1924. Họ nhận được quyền này vào năm 1962.
Bà Haaland và gia đình chụp ảnh kỷ niệm cùng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sau khi tuyên thệ. Bà Haaland mặc trang phục truyền thống của bộ lạc đến buổi lễ, bao gồm vòng cổ hoa lựu bằng bạc và ngọc lam, biểu thị sự che chở và sức mạnh. Chiếc vòng được một nghệ sĩ Laguna chế tạo.
Bà Haaland (giữa) và diễn viên Mark Ruffalo (phải) tham dự lễ đón tiếp của Ủy ban Quốc hội Bản địa Mỹ.
Bà Haaland và nghị sĩ Sharice Davids ngồi trong ôtô để trở về Điện Capitol.
Quay lại vị trí chủ tịch Hạ viện sau 8 năm, chính trị gia lão luyện Nancy Pelosi đối đầu với đối thủ mới là Tổng thống Donald Trump bốc đồng và khó đoán.
Sau hai năm bước vào Nhà Trắng, ông Trump không “ra dáng tổng thống hơn” như nhiều người mong đợi mà còn khiến chính trường Washington thay đổi vì ông.
Trong cuộc họp nội các đầu năm giữa lúc chính phủ đóng cửa, tổng thống Mỹ khoe chiến tích về an ninh biên giới, tái tranh cử và biến động nhân sự trước một loạt quan chức mới.