Bạch cầu đơn nhân là bệnh truyền nhiễm thường do virus Epstein-Barr (EBV) gây ra. Nó còn được gọi là mono hay “bệnh hôn”. Bạn có thể nhiễm virus khi hôn cũng như dùng chung đồ uống, đồ cá nhân. Bệnh này rất dễ lây lan nhưng ít có khả năng mắc, không như các bệnh truyền nhiễm khác.
Theo Mayo Clinic, mono thường không phải là bệnh nghiêm trọng, nhưng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Các triệu chứng của mono có thể từ nhẹ đến nặng. Người bệnh phải mất đến vài tuần mới cảm thấy bình thường.
Nguyên nhân tăng bạch cầu đơn nhân
Nhiều người tiếp xúc với EBV khi còn nhỏ. Nhưng điều này không có nghĩa tất cả họ đều sẽ nhiễm bệnh hôn. Bạn có thể mang virus suốt đời nhưng không bao giờ có triệu chứng.
Virus Epstein-Barr cùng họ với herpes. Do đó, hầu hết chúng ta đều tiếp xúc với nó tại thời điểm nào đó trong đời. Ở Mỹ, khoảng 85-90% người trưởng thành mang virus này khi họ 40 tuổi.
Epstein-Barr lây lan qua dịch tiết cơ thể, thường là nước bọt. Đó là lý do chúng ta rất dễ nhiễm bệnh này khi hôn. Bạn cũng có thể nhiễm bệnh nếu dùng chung đồ ăn, thức uống với người mắc bệnh. Trong một số trường hợp hiếm, bạn có thể bị lây virus khi tiếp xúc với giọt bắn người người bệnh lúc họ ho, hắt hơi. Nếu ai đó bị bệnh hôn sử dụng một đồ vật như nĩa hoặc thìa, virus có thể vẫn lây lan sang người khác nếu người này chạm vào vật vẫn còn ẩm.
Epstein-Barr còn có thể lây lan qua máu và tinh dịch. Một trong những tình huống hiếm là chúng ta mắc bệnh từ các thủ thuật y tế như truyền máu, cấy ghép nội tạng hoặc qua quan hệ tình dục.
Bệnh nhân bị mono (bạch cầu đơn nhân) có thể sốt 38,9-40 độ C, kèm theo đau cổ họng và amidan rất đỏ, nổi hạch ở cổ. Ảnh: Freepik. |
Triệu chứng
Bệnh hôn có thể gây ra các triệu chứng khác nhau ở từng người. Nếu bị nhiễm EBV, bạn có thể bắt đầu có triệu chứng trong vòng khoảng 4 đến 7 tuần. Các triệu chứng phổ biến gồm sốt, mệt mỏi, viêm họng, sưng hạch bạch huyết, chán ăn...
Bệnh nhân có thể sốt 38,9-40 độ C, kèm theo đau cổ họng và amidan rất đỏ, nổi hạch ở cổ. Tuyến amidan có một lớp giả mạc trắng được phát hiện trong ít nhất 1/3 trường hợp nhiễm bệnh. Lá lách to ra hoặc sưng lên xuất hiện ở khoảng 50% bệnh nhân. Khoảng 5% bệnh nhân có nổi mẩn đỏ trên da toàn thân, tương tự phát ban của bệnh sởi.
Một số người không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ nên họ không nhận thấy mình mắc bệnh.
Hầu hết người bị bệnh hôn cảm thấy khỏe hơn sau khoảng 2-4 tuần. Đôi khi, tình trạng mệt mỏi có thể kéo dài vài tuần sau đó. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể mất 6 tháng hoặc lâu hơn mới hết hẳn triệu chứng.
Bác sĩ thường có thể chẩn đoán người nào đó mắc bệnh hôn qua các triệu chứng nói trên. Hoặc bệnh nhân sẽ được kiểm tra amidan, hạch bạch huyết, gan, lá lách. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được yêu cầu xét nghiệm máu (xem xét các tế bào bạch cầu có bất kỳ tế bào nào bất thường hay không), xét nghiệm kháng thể (tìm kiếm các protein mà hệ thống miễn dịch tạo ra để đáp ứng với EBV).
Bệnh bạch cầu đơn nhân có thể gây biến chứng sưng hạch, phì đại lá lách... Ảnh: iStock. |
Biến chứng
Người mắc bệnh hôn có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Trong đó, điển hình nhất là phì đại lá lách. Nguy hiểm hơn, lá lách của bệnh nhân có thể bị vỡ, gây cơn đau nhói, đột ngột ở phía bên trái của vùng bụng trên. Nếu bạn gặp những cơn đau như vậy, hãy đến gặp bác sĩ ngay vì bạn cần phải phẫu thuật.
Bệnh bạch cầu đơn nhân cũng gây ra nhiều biến chứng về gan (viêm gan, vàng da); các vấn đề về máu (thiếu máu tán huyết, giảm tiểu cầu); tim (viêm cơ tim, nhịp tim không đều); thần kinh (co giật , viêm não, viêm màng não), sưng amidan.
Đây là bệnh không có thuốc điều trị. Thuốc kháng sinh và thuốc kháng virus không có tác dụng với EBV. Người bệnh chỉ có thể nghỉ ngơi, uống nhiều nước, dùng thuốc giảm đau không kê đơn, như acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid, khi bị sốt và đau, thuốc corticosteroid trị sưng cổ họng...
Không có vaccine ngăn ngừa căn bệnh này. EBV có thể tồn tại trong nước bọt của bạn nhiều tháng sau khi nhiễm bệnh. Vì vậy ngay cả khi không có triệu chứng hoặc cảm thấy ốm, bạn vẫn có thể lây lan virus.
Để giảm khả năng mắc bệnh mono, hãy rửa tay thường xuyên và không dùng chung những vật dụng như đồ uống, đồ dùng bằng kim loại, bàn chải đánh răng...