Nữ phi công huyền thoại Amelia Earhart. Ảnh: Scholastic |
Amelia Earhart sinh ngày 24/7/1879 tại thành phố Atchison, bang Kansas. Bà là một phi công, nhà văn và nhà hoạt động nữ quyền người Mỹ. Earhart đã thử cầm lái phi cơ trong vòng 10 phút tại một triển lãm hàng không ở thành phố Long Beach, bang, California tháng 12/1920. Những phút ngắn ngủi đó đã thay đổi cuộc sống của bà. "Khi ở cách mặt đất gần 100 m, tôi biết rằng, cuộc đời tôi sẽ gắn liền với các chuyến bay", Earhart nói.
Chỉ 6 tháng sau khi bắt đầu học lái phi cơ, bà đã mua máy bay riêng đầu tiên và đặt tên nó là The Canary. Thành tích bay cao hơn 4.000 m vào tháng 10/1922 đã ghi tên Earhart trong danh sách kỷ lục thế giới ở mục chinh phục độ cao dành cho các nữ phi công.
Năm 1924, khi cha mẹ Earhart ly dị và những khó khăn tài chính đã buộc bà phải bán The Canary.
"Nữ hoàng không gian"
Amelia Earhar là nữ phi công đầu tiên của ngành hàng không thế giới. Ảnh: vintag.e |
Năm 1923, bà được Liên đoàn hàng không quốc tế cấp giấy phép bay. Từ đó, lịch sử hàng không thế giới bắt đầu ghi nhận những kỷ lục do Earhart lập nên khiến cho cả những nam phi công cũng phải thán phục.
Earhart trở nên nổi tiếng trong ngành hàng không. Trong khi báo chí gọi bà là "Quý bà Lindy" hay "nữ hoàng không gian" thì nhà văn George P. Putnam, người từng viết nhiều câu chuyện về nam phi công lừng danh Charles Lindbergh, dự định xuất bản cuốn sách đắt khách tiếp theo của ông về nữ phi công Earhart. Hai người trở nên gần gũi sau các buổi thuyết trình hay những lần xuất hiện trước công chúng. Sau cuộc hôn nhân tan vỡ năm 1931, Putnam kết hôn với Earhart.
Theo Livescience, Earhart thử sức và ghi dấu ấn trong nhiều ngành nghề, từ thiết kế thời trang, báo chí hay quản lý hàng không. Tuy nhiên, tất cả những việc bà làm đều phục vụ một đam mê duy nhất: chinh phục không gian. Bà tiếp tục lập kỷ lục mới ở độ cao gần 6.000 m và trở thành chủ tịch đầu tiên của The Ninety-Nines, một tổ chức dành riêng cho các nữ phi công.
Một mình bay qua Đại Tây Dương
Người hâm mộ vây quanh "nữ hoàng không gian" sau khi bà thực hiện thành công chuyến bay vượt Đại Tây Dương. Ảnh: CNN |
Năm 1927, phi công Lindbergh thực hiện chuyến bay nổi tiếng không nghỉ từ cánh đồng Roosevelt trên đảo Long ở New York, Mỹ tới cánh đồng Le Bourget ở Paris, Pháp, trên phi cơ Spirit of Lt. St Louis. 5 năm sau, ngày 20/5/1932, "nữ hoàng không gian" khởi động chuyến bay vượt Đại Tây Dương, từ Harbor Grace, Newfoundland thuộc Canada và dự định tới Paris, Pháp.
Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết xấu, Earhart đã không thể lái phi cơ tới đích và buộc phải hạ cánh ở hạt Londonderry, Ireland. Sau chuyến bay dài 15 tiếng, Earhart nhận thêm nhiều danh hiệu và trở thành "người hùng thế giới". Bà trở thành người phụ nữ đầu tiên lái máy bay một mình vượt Đại Tây Dương.
Chuyến bay cuối cùng
Báo chí Mỹ và quốc tế đồng loạt đưa tin về "chuyến bay định mệnh" của phi công Earhart. Ảnh: Livescience |
"Tôi cần thực hiện thêm một chuyến bay xuất sắc hơn nữa trong sự nghiệp", Earhart chia sẻ trước ngày sinh nhật lần thứ 40. "Nữ hoàng không gian" hy vọng rằng, đó sẽ là một chuyến bay vòng quanh thế giới bởi bà muốn trở thành người phụ nữ đầu tiên làm được điều này.
Ngày 1/6/1937, Earhart và hoa tiêu Fred Noonan khởi hành từ thành phố Miami, bang Florida, trên chiếc máy bay Lockheed Electra 10E và hướng về phía đông, nhằm vượt chặng đường 47.000 km vòng quanh thế giới. Sau 29 ngày bay, họ hạ cánh xuống Lae, đảo New Guinea. Theo kế hoạch, lộ trình bay còn 11.200 km để vượt qua Thái Bình Dương.
Lúc 10h sáng ngày 2/7/1937, Earhart và Noonan rời Lae và hướng tới đảo Howland ở Thái Bình Dương trong điều kiện thời tiết xấu.. Thông tin liên lạc cuối cùng mà người ta nhận từ phi cơ của Earhart là "Chúng tôi đang bay theo hướng bắc nam" khi nó bay qua khu vực đảo này. Kể từ đó, máy bay và người bặt vô âm tín.
Mặc dù đội cứu hộ đã nỗ lực tìm kiếm ngay khi máy bay mất tích, họ không thu được kết quả. Ngày 5/1/1939, giới chức Mỹ tuyên bố Earhart đã chết về mặt pháp lý.
Sự biến mất không có lời giải
Chính phủ Mỹ đã bỏ ra nhiều tiền bạc để tìm kiếm nữ phi công huyền thoại. Trong khi đó, giả thiết hợp lý nhất mà người ta đưa ra về sự mất tích đột ngột và bí ẩn của chuyến bay là phi cơ hết nhiên liệu và rơi xuống biển. Gần đây, người ta đưa ra một giả thiết khác là Earhart và Fred Noonan đã hạ cánh xuống Nikumaroro, một đảo không người nằm giữa Đại Tây Dương.
Dựa trên kết quả các cuộc điều tra và những vật dụng thu được tại đảo Nikumaror, Tổ chức Quốc tế về Phục hồi các tai nạn máy bay lịch sử (TIGHAR) cho hay Earhart và hoa tiêu đã sống trên đảo trong vài tuần. Bà đã chết tại một khu cắm trại ở phía đông nam của hòn đảo, còn số phận của Noonan không rõ ràng.
73 năm sau vụ mất tích bí ẩn, tháng 12/2010, một đoàn sinh viên đại học tìm thấy hài cốt của một phụ nữ trên đảo Nikumaroro. Tuy nhiên, các xét nghiệm ADN cho ra kết luận không dứt khoát để có thể kết luận đây chính là nữ phi công nổi tiếng hay không.
Tháng 5/2012, các nhà điều tra thuộc TIGHAR khẳng định Earhart thực sự đã gửi tín hiệu cứu nạn qua hệ thống radio. Điều này bác bỏ hoàn toàn thông tin cho rằng đài kiểm soát không lưu khi đó không nhận được bất cứ tín hiệu cầu cứu nào từ nữ phi công huyền thoại. Như vây, sau nhiều thông tin và giả thuyết khác nhau được đưa ra, cho tới nay, sự mất tích của người được mệnh danh là "nữ hoàng không gian" vẫn chìm trong màn bí ẩn.