Con trai cả và người kế vị Nữ hoàng Elizabeth II - Thái tử Charles - đã lên ngôi vào ngày 8/9. Ông là vị vua đầu tiên của Anh kể từ năm 1952, lấy tên là Vua Charles III.
Ở tuổi 96, nữ hoàng già đi trông thấy và đã trải qua nhiều biến cố sức khỏe. Tuy nhiên, tin tức về sự ra đi của bà vẫn là cú sốc trên khắp Vương quốc Anh - nơi mà nữ hoàng được xem là một nhân vật được tôn kính và là “mỏ neo” cho sự ổn định.
Bà ra đi đúng vào thời điểm nước Anh gặp thách thức. Tân Thủ tướng Liz Truss vừa nhậm chức được 3 ngày sau nhiều tháng chính phủ Anh bất ổn. Nước này đang phải đối mặt với những mối lo kinh tế như lạm phát, hóa đơn năng lượng và lo ngại suy thoái kéo dài.
Nữ hoàng qua đời tạo ra sự thay đổi phức tạp trong hoàng gia Anh. Việc chuyển ngôi sẽ được tổ chức tỉ mỉ theo nghi lễ, nhưng sự thay đổi sau đó thì chưa rõ.
Ở tuổi 73, ông Charles là người cao tuổi nhất từng lên ngôi vua trong lịch sử nước Anh. Ông từng nói muốn thay đổi bản chất gia đình hoàng gia.
“Thời điểm tồi tệ nhất có thể”
“Nữ hoàng qua đời thanh thản tại Balmoral vào chiều nay (8/9, giờ địa phương)”, tuyên bố từ Điện Buckingham cho hay.
Tin tức về sức khỏe của nữ hoàng bắt đầu lan truyền khi Nghị viện Anh đang tranh luận về gói viện trợ khẩn cấp bảo vệ người dân trước hóa đơn tiền điện và khí đốt tăng cao. Sau khi được người thì thầm vào tai, bà Truss đứng dậy rời phòng. Vài giờ sau, trong bộ đồ đen, bà xuất hiện trên Phố Downing để tỏ lòng thành kính.
“Nữ hoàng chính là tinh thần của nước Anh, và tinh thần đó sẽ tồn tại bất diệt. Nước Anh vĩ đại như hôm nay là nhờ bà ấy”, bà nói. “Đây là một sự mất mát rất lớn, nhưng Nữ hoàng Elizabeth II đã để lại di sản đồ sộ”.
Khung cảnh bên ngoài Cung điện Buckingham hôm 5/9. Ảnh: New York Times. |
Lời chia buồn cũng gửi về Anh từ khắp nơi trên thế giới. Trong khi đó, khi hoàng hôn buông xuống London, đám đông bắt đầu tập trung trước Cung điện Buckingham.
Những người khác nán lại góc phố, chăm chú nhìn vào bản cập nhật tin tức trên điện thoại. Ở Nam London, Tiana Krahn ám chỉ đến vấn đề gắn kết của Anh, nói rằng nữ hoàng ra đi diễn ra vào “thời điểm tồi tệ nhất có thể xảy ra trong lịch sử”.
Nhiều người có mặt tại quán rượu đông đúc tối 8/9 mô tả họ không biết nên cảm thấy thế nào. “Tôi không nghĩ mọi người trên thế giới nhận ra bà ấy tuyệt vời thế nào”, khách hàng tên Jeff Nightingill nói. “Việc này giống như mất đi một người bà vậy. Tôi đoán vợ tôi sẽ khóc khi tôi về nhà vào tối nay”.
Biểu tượng của sự gắn kết
Sự ra đi của nữ hoàng không phải là sự kiện bất ngờ và đột ngột như Công nương Diana. Trước đó, một tuyên bố cho hay nữ hoàng cần giám sát y tế. Các thành viên gia đình đã tụ họp tại Lâu đài Balmoral, cho thấy đây không phải là trận ốm thông thường mà giây phút ra đi đã cận kề.
Ông Charles và bà Camilla ở trong dinh thự hoàng gia không xa Lâu đài Balmoral. Vị vua được cho là thường xuyên đến thăm mẹ. Con gái của bà, Công chúa Anne, cũng đã ở Scotland.
Máy bay phản lực của Lực lượng Không quân Hoàng gia đã chở một số thành viên gia đình khác đến thành phố Aberdeen gần đó, sau đó họ lên xe đến Balmoral. Trong đoàn có 2 người con trai khác của nữ hoàng là Hoàng tử Andrew và Edward, cùng với Hoàng tử William - con trai cả của ông Charles.
Hoàng tử Harry cùng vợ là Công nương Meghan - vốn có mối quan hệ không tốt đẹp với gia đình hoàng gia - tự đi tới Scotland sau khi hay tin.
Nguyên nhân nữ hoàng qua đời chưa được công bố. Trong quá khứ, bà từng gặp vấn đề về khả năng vận động. Sức khỏe nữ hoàng hồi phục sau khi mắc Covid-19 hồi tháng 2, nhưng bà từng nói Covid-19 khiến bà “kiệt sức”.
Sau tuyên bố các bác sĩ “lo lắng” về sức khỏe của bà, không có thêm cập nhật nào mới. BBC tạm dừng chương trình hàng ngày để truyền hình trực tiếp. Máy quay của hãng tin chiếu cánh cổng sắt của Lâu đài Balmoral. Những cơn mưa rào càng làm cho không khí thêm phần u ám.
Trước đó, hôm 6/9, nữ hoàng gặp cả bà Truss và cựu Thủ tướng Boris Johnson. Trong bức ảnh, bà mỉm cười, chào đón bà Truss trước lò sưởi, tay chống gậy.
Nữ hoàng Elizabeth chào đón tân Thủ tướng Liz Truss hôm 6/9 tại Aberdeen, Scotland. Ảnh: New York Times. |
Theo truyền thống, quốc vương sẽ mời thủ tướng mới thành lập chính phủ sau khi người sắp mãn nhiệm đệ đơn từ chức. Lần này, buổi lễ - được gọi là “Hôn tay” - diễn ra ở Lâu đài Balmoral thay vì Cung điện Buckingham, dựa theo lời khuyên của bác sĩ.
Ngoài phụ trách những nghi lễ trang trọng, nữ hoàng là biểu tượng của sự liên tục và trường tồn. Bà đóng vai trò như sợi dây liên kết với lịch sử của Anh trong Thế chiến II, đứng đầu quá trình điều chỉnh phù hợp với thời kỳ hậu thuộc địa, hậu đế quốc, và chứng kiến đất nước chia tay Liên minh châu Âu.
Không nhiều nhân vật tầm cỡ nào của Anh để lại sự tiếc thương sâu sắc nhiều như vậy, và cũng khó có ai ra đi mà để lại câu hỏi về danh tính và tương lai của đất nước như Nữ hoàng Elizabeth II.
Sự kiên định của bà cũng đưa hoàng gia Anh vượt qua nhiều biến động.
Với phong thái trang trọng và kín đáo, bà không để những tin tức bên lề ảnh hưởng, dù cho có liên quan tới người em gái “nổi loạn” là Công chúa Margaret, Thái tử Charles và cuộc hôn nhân với Công nương Diana, vụ bê bối pháp lý của Hoàng tử Andrew; hay những câu chuyện quanh vợ chồng Hoàng tử Harry.
Sức khỏe nữ hoàng giảm sút gây lo ngại trong vài năm qua, buộc bà phải hủy bỏ nhiều lần xuất hiện trước công chúng. Bà chủ yếu sống tại Lâu đài Windsor, nhưng vẫn giữ thói quen đến Lâu đài Balmoral mỗi mùa hè.
Trong Đại lễ Bạch kim đánh dấu 70 năm bà nắm quyền, nữ hoàng tươi cười xuất hiện trên ban công của Cung điện Buckingham để xem diễu binh và màn trình diễn của Lực lượng Không quân Hoàng gia.
Tuy nhiên, bà đã bỏ lỡ phần sau của lễ kỷ niệm, trong đó có buổi dạ tiệc tại Quảng trường Queen Victoria. Bà cũng không đi du lịch bên ngoài Anh từ vài năm trước.
Trong giai đoạn Anh đối mặt với khủng hoảng Covid-19, bà đã lên tiếng trấn an người dân bằng lời bài hát của ca sĩ nổi tiếng Vera Lynn từ Thế chiến II: "Chúng ta rồi sẽ gặp lại nhau" (“We’ll meet again”).