Chia sẻ với Zing, tiến sĩ Craig Prescott từ trường Lịch sử, Luật & Khoa học xã hội, Đại học Bangor (xứ Wales) cho biết “việc Nữ hoàng Elizabeth II từng không được kỳ vọng trở thành người trị vì là điều đáng chú ý nhất trong triều đại của bà”.
“Bà Elizabeth không thuộc hàng kế vị trực tiếp khi Vua George V qua đời. Vương tử Edward - bác của nữ hoàng - mới là người kế nhiệm gần nhất”, ông nói.
Tiến sĩ Craig Prescott từ trường Lịch sử, Luật & Khoa học xã hội, Đại học Bangor (Anh). Ảnh: NVCC. |
Tuy nhiên, ông Edward đã thoái vị vào năm 1936. Điều đó có nghĩa cha của bà Elizabeth sẽ trở thành người trị vì. Khi cha qua đời, Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi vào năm 1952, ở tuổi 25.
“Có thể thấy bà Elizabeth không được định sẵn sẽ trở thành nữ hoàng của Vương quốc Anh. Và trong suốt 10 năm đầu đời, bà chưa từng nghĩ bản thân sẽ nắm giữ ngôi vị này”, ông Prescott cho biết.
Thế nhưng, "Nữ hoàng Elizabeth II đã trở thành người trị vì lâu nhất, nếu không muốn nói là nữ hoàng thành công và nổi tiếng nhất mọi thời đại", ông Prescott nói.
Lời cảm ơn hóa lời vĩnh biệt
Khi nghe tin Nữ hoàng Elizabeth băng hà vào ngày 8/9, tiến sĩ Prescott nhớ lại “cảm xúc lớn nhất trong tôi là sự lạ lẫm”.
“Thật kỳ lạ khi nghĩ rằng Vương quốc Anh và Khối thịnh vượng chung hiện có một nhà vua. Giống như tất cả ai chưa bước qua tuổi 70, suốt cuộc đời tôi luôn nhớ rằng chúng tôi có một ‘nữ hoàng’”, ông nói.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất, tiến sĩ cho biết ông đã rất ngạc nhiên trước sự quan tâm của công chúng trong Đại lễ Bạc (kỷ niệm 25 năm lên ngôi) vào năm 1977, dù không trực tiếp trải nghiệm.
“Đại lễ Vàng (kỷ niệm 50 năm lên ngôi vào năm 2002) cũng là một sự kiện lớn, một con đường để đoàn kết quốc gia. Song Đại lễ Bạch Kim năm 2022, vốn là cơ hội để nói lời cảm ơn (nữ hoàng), hóa ra lại là lời vĩnh biệt”, ông nhớ lại.
Nữ hoàng đã cống hiến tận tụy cả đời, đến nỗi chưa đầy 48 giờ trước khi vĩnh viễn rời đi, bà đã bổ nhiệm tân thủ tướng mới.
Tiến sĩ Craig Prescott.
Nhìn lại những thành tựu mà Nữ hoàng Elizabeth II đã đạt được, vị tiến sĩ cho biết điều nổi bật nhất là chế độ quân chủ vẫn được duy trì đến nay. Nữ hoàng đã duy trì cấu trúc và các chức năng cốt lõi của chế độ quân chủ.
“Trên bình diện quốc tế, có lẽ di sản đáng chú ý nhất là Khối thịnh vượng chung. Các quốc gia từng là một phần của Đế quốc Anh, giờ đã có sự độc lập, tự chủ. Khối thịnh vượng chung 54 quốc gia vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, đối với tôi, là một thành tựu quan trọng”, ông nói.
Vị tiến sĩ nhận định trong khoảng thời gian dài trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II thấu hiểu sự cần thiết phải đặt các yêu cầu của chế độ quân chủ, đất nước và Khối thịnh vượng chung lên trên nhu cầu cá nhân.
Nữ hoàng Elizabeth II chính thức bổ nhiệm bà Liz Truss làm thủ tướng mới trong cuộc gặp tại lâu đài Balmoral hôm 6/9. Ảnh: Telegraph. |
"Bà không theo đuổi sự hào nhoáng. Thay vào đó, nữ hoàng hoàn toàn hiểu rằng chế độ quân chủ cần phải trung lập về mặt chính trị theo một đường lối chiến lược”, ông nói.
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào năm 1947, 5 năm trước khi trở thành nữ hoàng, bà Elizabeth đã cùng cha mẹ đến miền Nam châu Phi. Khi ấy, bà đã cam kết với người dân Anh và Khối thịnh vượng chung rằng “toàn bộ cuộc đời tôi, dù dài hay ngắn, cũng sẽ cống hiến để phục vụ cho toàn dân”.
Tiến sĩ Prescott nhấn mạnh Nữ hoàng Elizabeth II đã thực hiện được lời hứa vào năm 21 tuổi - từng gây tiếng vang trong nhiều thập kỷ - thậm chí “ngoài mong đợi”.
“Nữ hoàng đã cống hiến tận tụy cả đời, đến nỗi chưa đầy 48 giờ trước khi vĩnh viễn rời đi, bà đã bổ nhiệm tân thủ tướng mới. Bà có thể không cần đích thân làm việc này mà để Thái tử Charles hay Hoàng tử William thay mặt. Nhưng rõ ràng bà muốn tự thực hiện - chứng minh sự cống hiến đối với Vương quốc Anh”, ông giải thích.
Nữ hoàng Elizabeth II đã trở thành biểu tượng của nước Anh trong hơn 7 thập kỷ qua. Ảnh: AP. |
Cuộc đời trọn vẹn
Trong khi đó, ông Dane Kennedy, giáo sư danh dự về lịch sử và các vấn đề quốc tế, Đại học George Washington (GWU, Mỹ), nhận định “sự ra đi của nữ hoàng không phải một điều bất ngờ”.
“Nữ hoàng Elizabeth đã có một cuộc đời trọn vẹn và yên bình trước khi băng hà. (Sự ra đi của bà) là điều mà chúng ta đã dự đoán trước”, ông nói.
Phó giáo sư Tania Burchardt tại khoa Chính sách Xã hội, Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE, Anh) cũng thấu hiểu sự thương tiếc của người dân Anh. Tuy nhiên, bà cho rằng việc nữ hoàng băng hà có thể khiến người dân Anh tạm ngưng chú ý đến "các vấn đề thực tế, nghiêm trọng và cấp bách mà đất nước chúng tôi đang phải đối mặt”.
Phó giáo sư Tania Burchardt tại khoa Chính sách Xã hội, Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE). Ảnh: Twitter/LSE Inequalities. |
“Mọi cái chết đều khiến người thân đau buồn sâu sắc. Việc nữ hoàng qua đời cũng như vậy. Tôi chắc chắn cảm thấy đau buồn cho gia đình và bạn bè của bà”, vị giáo sư nói với Zing.
“Nhưng cùng lúc đó, số ca tử vong cao bất thường do đại dịch Covid-19 tại Anh - so với nhiều quốc gia giàu có khác - đang tạo ra làn sóng thương xót thực sự, trực tiếp và mang tính cá nhân”, bà nói.
“Những mất mát này còn đau đớn hơn khi mọi người nhận ra rằng nhiều cái chết có thể tránh khỏi, nếu các quyết sách được đưa ra tốt hơn và nhanh hơn. Nhiều trường hợp người thân không thể thực hiện hoặc tham gia các nghi thức thông thường - điều giúp những người ở lại vượt qua nỗi đau”, bà Burchardt nhận định.
Thay đổi với nền quân chủ
Giới chuyên gia cho rằng việc Nữ hoàng Elizabeth II từ trần sẽ ít có ảnh hưởng đến tình hình chính trị hay xã hội tại Anh.
“Khó có thể có bất kỳ tác động chính trị nào, và tác động xã hội cũng khó đo lường”, ông Kennedy nhận định. “Nữ hoàng không liên quan đến chính trị suốt nhiều thập kỷ qua. Đây là điều đúng đắn”, bà Burchardt nói. “Nữ hoàng là nguyên thủ quốc gia mang tính biểu tượng. Tôi cho rằng Vua Charles III sẽ cố gắng theo bước mẹ mình”.
So với đó, tác động của sự kiện này tới hoàng gia Anh sẽ là đáng kể. Tiến sĩ Prescott chỉ ra Vua Charles III muốn một nền quân chủ nhỏ hơn, với ít thành viên hoàng gia hoạt động chính thức hơn.
“Tôi nghĩ đây là một phần của quá trình chuyển đổi. Sẽ có những thay đổi về cách chế độ quân chủ vận hành”, ông cho biết thêm. “Sẽ có những điều chúng ta phải làm quen. Vua Charles III có thể có các ý tưởng khác”.
Nhà hát Sydney (Australia) tưởng nhớ Nữ hoàng Elizabeth II đêm 9/9. Ảnh: Twitter/Australian Government. |
Ông cũng cho rằng chế độ quân chủ mới sẽ ít nghi thức và thoải mái hơn.
“Chúng ta đang ở kỷ nguyên ít tính nghi thức hơn - chúng ta không còn nói chuyện với nhau giống như cách ở thập niên 1950”, ông chia sẻ. “Chúng ta đã thay đổi theo hướng bớt nghi thức. Chế độ quân chủ sẽ phản ánh thay đổi này”.
Theo giáo sư Prescott, Vua Charles III khác mẹ mình ở việc ông bắt đầu trị vì khi đã 73 tuổi. Trong khi đó, Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi khi còn tương đối trẻ, 25 tuổi. Do đó, ông đã kịp tạo ra dấu ấn với công chúng.
Tương lai chưa thể đoán định
Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, một số ý kiến cho rằng các vùng lãnh thổ Scotland và Bắc Ireland có thể “xa rời” London hơn, thậm chí là hướng đến ly khai.
Đối với chúng tôi, chế độ quân chủ vượt lên trên nền chính trị hàng ngày.
Tiến sĩ Craig Prescott
“Việc nữ hoàng từ trần nhiều khả năng sẽ có tác động chính trị, khiến các nhà lãnh đạo Scotland thúc đẩy đất nước này nghĩ đến việc độc lập khỏi Anh trong một vài năm tới”, tờ Time viết hôm 8/9.
Dù vậy, chia sẻ với Zing, các chuyên gia cho rằng đây không phải là nhân tố tác động nhiều đến lựa chọn của người dân Scotland hay Bắc Ireland.
“Đối với chúng tôi, chế độ quân chủ vượt lên trên nền chính trị hàng ngày. Do đó, tôi không nghĩ điều này sẽ đem lại thay đổi lớn tới chủ nghĩa cộng hòa tại Bắc Ireland hay mong muốn độc lập của Scotland”, tiến sĩ Prescott nói.
Đặc biệt, ông chỉ ra đảng Dân tộc Scotland (SNP) mong muốn giữ vua Anh là nguyên thủ quốc gia, kể cả khi giành độc lập.
Tương tự, phó giáo sư Burchardt nhận định có nhiều nhân tố khác tác động lớn hơn nhiều tới người dân hai vùng lãnh thổ trên - bao gồm hậu quả của Brexit.
Trong khi đó, một số chính trị gia đòi đưa Australia trở thành một nước cộng hòa đã kêu gọi nối lại các cuộc thảo luận về vấn đề trên. Người dân Australia từng bỏ phiếu ủng hộ giữ lại chế độ quân chủ với tỷ lệ 55 - 45 vào năm 1999.
Theo tiến sĩ Prescott, đây có thể là thời điểm để các quốc gia vẫn coi vua Anh là nguyên thủ quốc gia (như Australia, Canada hay New Zealand) suy nghĩ lại.
“Khi nữ hoàng nắm quyền năm 1952, nhiều người Australia cảm thấy họ có mối liên hệ gần gũi với nước Anh năm 1952. Giờ đây, tình hình đã khác. Họ hầu như đều coi mình là người Australia”, ông nói.
“Việc người Australia thắc mắc tại sao một người dân Australia không thể trở thành nguyên thủ là một câu hỏi chính đáng. Đây đã là điều chính đáng khi nữ hoàng còn tại vị, nhưng mọi người tôn trọng nữ hoàng”, vị chuyên gia nhận xét.