“Nữ hoàng qua đời trong yên bình tại Balmoral vào chiều nay (8/9, giờ địa phương)”, Sky News dẫn tuyên bố từ Điện Buckingham.
Sau khi nữ hoàng băng hà, Thái tử Charles, cựu Thân vương xứ Wales, trở thành nhà vua của Vương quốc Anh và 14 vùng lãnh thổ trong khối Thịnh vượng chung.
Thông báo của Điện Buckingham cũng đã dùng danh xưng "nhà vua và hoàng hậu", cho biết họ sẽ ở lại Balmoral tối nay và sẽ quay lại London vào ngày mai.
Hiện nhà chức trách chưa công bố chi tiết về kế hoạch những ngày sắp tới. Giới chức dự kiến cử hành tang lễ ở cấp quốc gia cho nữ hoàng, theo thông lệ đánh dấu sự ra đi của một vị quân vương.
Kế hoạch tổ chức tang lễ cho nữ hoàng, mật danh Chiến dịch Cầu London (Operation London Bridge), chính thức được kích hoạt, theo Guardian.
Những nước trong khối Thịnh vượng chung sẽ bắt đầu 10 ngày để tang, theo Guardian. Thông tin tang lễ cấp quốc gia sẽ được thông báo sau khi được nhà vua thông qua. Quốc kỳ ở Điện Buckingham và những tòa nhà công tại Anh cùng các nước trong khối được hạ xuống để tiễn đưa nữ hoàng.
Thái tử Charles trở thành nhà vua
Thái tử Charles lập tức trở thành vua sau sự ra đi của thân mẫu - Nữ hoàng Elizabeth II. Website của Điện Buckingham đã dùng danh hiệu “nhà vua” để nhắc đến ông khi thông báo tin buồn về nữ hoàng.
Thông báo cũng nhắc tới phu nhân của Thái tử Charles, bà Camila, bằng danh hiệu “hoàng hậu”.
Trở thành thái tử khi 3 tuổi, Vua Charles giữ vai trò là người thừa kế ngai vàng lâu năm nhất trong lịch sử nước Anh.
Thế giới thương tiếc nữ hoàng Anh
Phát biểu bên ngoài Văn phòng Thủ tướng, tân Thủ tướng Anh Liz Truss cho biết sự ra đi của nữ hoàng là một cú sốc lớn đối với nước Anh và toàn thế giới.
"Nữ hoàng Elizabeth II là nền móng của nước Anh hiện đại. Đất nước đã phát triển mạnh mẽ dưới triều đại của nữ hoàng. Bà chính là tinh thần của nước Anh, và tinh thần đó sẽ tồn tại bất diệt”, bà Truss nói.
Trước đó, vào ngày 6/9, bà Truss đã gặp Nữ hoàng Elizabeth II để chính thức được bổ nhiệm làm thủ tướng. Bà là thủ tướng thứ 15 và là người cuối cùng phục vụ dưới triều đại Elizabeth.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair (giai đoạn 1997-2007) bày tỏ: “Chúng ta không chỉ mất đi quốc vương mà còn mất đi mẫu hệ của quốc gia, người đưa đất nước xích lại gần nhau, giúp chúng ta hướng tới bản chất tốt đẹp hơn, nhân cách hóa mọi thứ khiến chúng ta tự hào là người Anh”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Nữ hoàng Elizabeth II là người bạn của Pháp, là người phụ nữ đôn hậu và đã để lại dấu ấn trong chính triều đại của mình và Vương quốc Anh. Ông ca ngợi nữ hoàng làm sống mãi sự tồn tại và tinh thần đoàn kết của Vương quốc Anh hơn 70 năm qua, theo Reuters.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cũng gửi lời chia buồn, ca ngợi Nữ hoàng Elizabeth II, với tư cách là nguyên thủ quốc gia trị vì lâu nhất của Vương quốc Anh, "được nhiều người trên khắp thế giới ngưỡng mộ vì sự duyên dáng, đoan chính và cống hiến của mình".
"Nữ hoàng Elizabeth II là một người bạn tốt của Liên Hợp Quốc. Bà đã đến thăm Trụ sở chính ở New York của chúng tôi hai lần, cách nhau hơn 50 năm. Bà cam kết sâu sắc với nhiều hoạt động từ thiện và môi trường và đã có bài phát biểu xúc động với các đại biểu tại COP26 ở Glasgow", ông cho biết.
"Thế giới sẽ mãi ghi nhớ sự tận tâm và khả năng lãnh đạo của bà", tổng thư ký Liên Hợp Quốc bày tỏ, theo Reuters.
Nhà Trắng cũng gửi lời chia buồn về sự ra đi của nữ hoàng: "Trái tim và tâm trí của chúng tôi hướng về các thành viên hoàng gia Anh". Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết thêm tại cuộc họp báo rằng bà "không muốn nói trước những gì tổng thống sẽ phát biểu".
Trước đó, Điện Buckingham hôm 8/9 ra thông cáo cho biết các bác sĩ của Nữ hoàng Elizabeth II bày tỏ quan ngại về sức khỏe của bà, đồng thời đề xuất nguyên thủ nước Anh nên được theo dõi y tế.
Gia đình của Nữ hoàng Elizabeth II - bao gồm toàn bộ bốn người con của bà và cả các cháu như Hoàng tử William hay Hoàng tử Harry - đã đến cung điện Balmoral (Scotland), nơi nữ hoàng đang trú ngụ, ngay trong ngày 8/9.
Trong khi đó, thông tin về sức khỏe của Nữ hoàng Elizabeth II đã khiến một phiên họp của Hạ viện Anh đã bị gián đoạn. Guardian chỉ ra đây là lần đầu tiên Hạ viện Anh phải tạm ngừng cuộc họp để nghe tin về sức khỏe của Nữ hoàng.
Thủ tướng Anh Liz Truss, lãnh đạo phe đối lập Keir Starmer và Chủ tịch Hạ viện Anh Lindsay Hoyle đều được thông tin về vụ việc ngay khi phiên họp diễn ra.
Tuyên bố của Điện Buckingham được đưa ra chỉ một ngày sau khi Nữ hoàng Elizabeth II hủy họp với Hội đồng Cơ mật dựa trên khuyến cáo của các bác sĩ.
Trước đó, hôm 6/9, Nữ hoàng Elizabeth II cũng đón tiếp tân Thủ tướng Liz Truss ngay tại cung điện Balmoral, thay vì về London như thông lệ.
Cuộc đời Nữ hoàng Elizabeth II qua ảnh
Nữ hoàng Elizabeth II đã cùng nước Anh trải qua những thay đổi xã hội đáng kinh ngạc. Bà trở thành chất keo gắn kết người dân Anh và là bậc thầy về nghệ thuật trung lập chính trị.
Thái tử Charles trở thành nhà vua Vương quốc Anh
Thái tử Charles lập tức trở thành quốc vương sau sự qua đời của thân mẫu - Nữ hoàng Elizabeth II. Vị tân vương 73 tuổi sẽ lấy tên triều đại là Vua Charles III.
Lãnh đạo thế giới tiếc thương Nữ hoàng Anh
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/9 bày tỏ lòng tôn kính với cố Nữ hoàng Anh Elizabeth II trong vai trò một "nữ chính khách có phẩm giá vô song".