Nữ đại gia Diệu Hiền đi chữa bệnh, hàng loạt DN thủy sản khốn đốn
Sau một thời gian ăn nên làm ra, hàng loạt doanh nghiệp thủy sản miền Tây bắt đầu lao đao. Nhà băng cũng bắt đầu thắt chặt tín dụng khi có công ty vỡ nợ.
>> Cả nữ đại gia thủy sản và nông dân đi kiện đều kháng cáo
>> Đại gia thủy sản Diệu Hiền bán nhà bên Mỹ
>> 'Nữ đại gia' Diệu Hiền xuất cảnh để lại món nợ lớn
>> Đại gia Diệu Hiền thua kiện nông dân
Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An do nữ doanh nhân Phạm Thị Diệu Hiền (Bianfishco) một thời vang bóng làm Tổng Giám đốc cũng ăn làm nên ra từ khi nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu đi vào hoạt động ở khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP. Cần Thơ. Vậy mà đến khi bà Hiền bị bệnh phải bay sang Mỹ điều trị, vô hóa chất thì ở quê nhà xảy ra chuyện khó khăn về vốn, nợ ngân hàng với nông dân đến trên 1.270 tỷ đồng.
Công ty An Khang "nổ" ra chuyện nợ nần từ giữa năm 2011 |
Đây không phải là doanh nghiệp chế biến thủy sản đầu tiên ở miền Tây lao đao trong thời kỳ khó khăn. Có nơi chủ quan, nơi do yếu tố khách quan tác động nhưng các đại gia thủy sản vùng này nói với nhau rằng "bây giờ doanh nghiệp nào trụ vững là hay lắm rồi, chớ nói chi làm giàu như những năm trước".
Cuối năm 2011, Doanh nghiệp tư nhân Vạn Hưng do bà Huỳnh Dù Táng làm giám đốc chuyên chế biến thủy sản ngay giữa vùng chuyên canh… hành tím ở huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) xảy ra chuyện nông dân nuôi cá vây kín cổng để đòi nợ.
Chủ nợ Phạm Thị Mai ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ đồng thời cũng là chủ nợ của Bianfishco vừa ra tòa ở Ô Môn đòi nợ cá công ty của nữ đại gia đã cho người đến lấy tài sản của doanh nghiệp Vạn Hưng nên bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố, điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản. Vài ngày sau Khưu Chí Thức (29 tuổi) là Phó Giám đốc Doanh nghiệp Vạn Hưng bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì bội tín với nhiều nông dân với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Gặp phóng viên, mẹ con bà Lưu Thị Liềm cùng quê với bà Mai cho biết doanh nghiệp Vạn Hưng nợ bà gần 90 triệu đồng tiền mua cá. Để có vốn nuôi cá bán cho Vạn Hưng với chừng ấy tiền thì gia đình bà Liềm phải vay ngân hàng. Nay Vạn Hưng không chịu trả tiền, mẹ con bà Liềm đóng lãi ngân hàng không nổi nên đành bán hết đất đai trả nợ.
Vướng vào lao lý như Phó Giám đốc Vạn Hưng là Phó Giám đốc Công ty TNHH An Khang Nguyễn Thị Thu Sương. Công ty này có nhà xưởng ở khu công nghiệp Trà Nóc 2, bà Sương bị cơ quan điều tra phát hiện câu kết cùng thuộc cấp lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều ngân hàng.
Công ty Minh Hiếu ở Giá Rai, Bạc Liêu gặp khó khăn |
Tại cơ quan điều tra, Sương khai từ tháng 3 đến tháng 6/2011 đã làm nhiều bộ chứng từ xuất khẩu giả để đưa vào hồ sơ chiết khấu tại một ngân hàng với số tiền trên 6,5 triệu USD. Đến đầu tháng 7/2011 Công ty An Khang trả cho ngân hàng trên 2,2 triệu USD, chiếm đoạt trên 4,2 triệu USD. Hiện Công ty An Khang còn nợ 5 ngân hàng với số tiền khoảng 375 tỷ đồng. Từ hành vi này mà có nhiều lãnh đạo chi nhánh ngân hàng cho Công ty An Khang vay tiền bị mất chức.
Tại Bạc Liêu, đầu tháng 3, phía trước Công ty Minh Hiếu ở huyện Giá Rai náo động khi xảy ra chuyện ngân hàng đến chở nguyên liệu trong kho ra ngoài. Trung tá Phan Văn Thắng - Trưởng Công an thị trấn Giá Rai (Giá Rai, Bạc Liêu) cho biết việc ẩu đả giữa lực lượng bảo vệ của doanh nghiệp với bảo vệ phía chủ nợ xuất phát từ việc Công ty Minh Hiếu vay 20 tỷ đồng của ngân hàng có chi nhánh ở Cà Mau với điều kiện trong kho công ty lúc nào cũng phải có lượng hàng đối ứng 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên, gần một tháng trước ngân hàng phát hiện tại doanh nghiệp chỉ còn 7-8 tấn tôm gia công trong kho nên chủ nợ đến niêm phong. Đến ngày 6/3, ngân hàng đến đưa hàng đi gửi nơi khác thì xảy ra ẩu đả. Hiện chuyện nợ nần của Công ty Minh Hiếu đã được chuyển về Công an tỉnh Bạc Liêu vì số tiền quá lớn, vượt quá thẩm quyền của cơ quan điều tra cấp huyện.
Doanh nghiệp Vạn Hưng ở Sóc Trăng giờ là đống đổ nát bên trong |
Theo trần tình của Giám đốc Công ty Minh Hiếu Lê Thị Hạt thì hiện nay không riêng gì công ty của bà mà nhiều công ty thủy sản khác cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính do làm ăn thua lỗ. Vì vậy, Công ty Minh Hiếu đã ngưng hoạt động, chuyển công nhân sang doanh nghiệp cạnh bên rồi tiến hành thuê kiểm toán để xác định tổng tài sản, cân đối nợ với tiền vay tại các ngân hàng.
Còn tại Sóc Trăng, hầu như ngày nào ở các quán cà phê mọi người đều bàn tán xôn xao rằng có một công ty vướng nợ trên 1.500 tỷ đồng. Chuyện này chưa chính thức “nổ ra” nhưng cũng đang âm ỉ giống như những ngày đầu Công ty Bình An ở Cần Thơ gặp khó khăn.
Ông Trần Thiện Hải - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - cho biết ngành thủy sản phát triển ổn định khoảng chục năm nhưng nay lại lao đao vì nhiều lý do khác nhau. Vì vậy, ngành thủy sản cần quy hoạch lại vùng nuôi, hạn chế sự phát triển ồ ạt của các nhà máy thủy sản trong khi không đủ nguyên liệu để sản xuất và các ngân hàng nên xem xét để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn với lãi xuất vừa phải vì lãi suất cao như thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân doanh nghiệp khốn đốn vì kinh doanh lời được bao nhiêu thì đóng lãi hết cho ngân hàng.
HỒNG DÂN
Theo Infonet