Sáng 7/12, kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Thanh Hóa diễn ra phần chất vấn với vấn đề nóng về nạn khai thác cát trái phép diễn ra trên địa bàn, gây bức xúc dư luận địa phương.
Theo báo cáo của ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, Thanh Hóa hiện có 39 mỏ khai thác cát được cấp phép, trong đó có 6 mỏ đã hết hạn, 10 mỏ đã đóng cửa tạm thời và yêu cầu đóng cửa.
Phiên chất vấn HĐND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Báo Thanh Hóa. |
Trên toàn tỉnh có 146 vị trí đê, bãi sông bị sự cố sạt lở sau bão số 10. Các điểm sự cố phân bố trên 17 con sông và 4 đê bờ bao. Trong đó, hai con sông có hoạt động khai thác cát là sông Chu (3 điểm) và sông Mã (8 điểm từ các huyện vùng cao biên giới đến TP Sầm Sơn)…
Theo ông Quy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sạt lở là bão số 10 kết hợp lượng mưa lớn kéo dài.
Đại biểu chất vấn nạn "cát tặc" bằng thơ
Nhiều đại biểu cho rằng phần báo cáo của Giám đốc Sở Tài nguyên còn chưa cụ thể về thực trạng sạt lở đất nông nghiệp, công trình hạ tầng... Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn (huyện Hoằng Hóa) nói đánh giá chưa rõ, chưa đúng tồn tại của nạn "cát tặc".
"Báo cáo chưa rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục quá chung chung", ông Tuấn nói.
Đại biểu Lê Thị Như Hoa đọc thơ chất vấn nạn "cát tặc". Ảnh: N.D. |
Theo ông, nạn khai thác cát trái phép gây nên tình trạng mất đất, mất nhà, mất các công trình kinh tế xã hội, mất bãi biển… Những cố gắng của chính quyền về phát triển du lịch trở nên vô nghĩa. Sau bão số 10, bờ biển Hoằng Hóa bị xâm thực vào đất liền 30 m, có đoạn 50 m.
"Trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân chính là nạn cát tặc. Hàng ngày trên bờ biển Hoằng Hóa có khoảng 100 tàu vỏ sắt, không rõ biển số chuyển cát lên tàu nước ngoài đậu tại phao số 0. Đề nghị giám đốc trình bày rõ giải pháp và mang tính khả thi, hiệu quả để chặn đứng nạn cát tặc", ông Tuấn nói.
Đại biểu Lê Thị Như Hoa (huyện Quảng Xương) gây chú ý khi trước lúc đặt câu hỏi còn xin thời gian để đọc một đoạn trong bài thơ viết sông Mã để nói lên vẻ đẹp của con sông lớn nhất xứ Thanh: ...Chả bao giờ sông bình lặng, em ơi/ Cả những lúc dòng sông phơi trắng cát/ Không sóng chồm bờ, thì sóng ngầm xoáy đất/ Đừng thấy trăng lên, lơ đễnh con sào...
Nữ đại biểu cho rằng vẻ đẹp này đang dần mất đi.
Theo đại biểu Hoa, đây là vấn đề nóng tại các kỳ tiếp xúc cử tri và bà quan tâm đến việc đã có bao nhiêu chủ khai thác cát bị xử lý.
"Đề nghị Giám đốc Sở cho biết đến bao giờ mới xử lý dứt điểm được tình trạng khai thác cát và lập lại trật tự để trả lại sự bình yên cho các con sông, cửa lạch", đại biểu Hoa nói.
Đất đai sụt lún tại huyện Yên Định do tàu khai thác cát hoạt động ngày đêm. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Giám đốc Sở xin khất trả lời
Phần trả lời khá dài và chưa đúng trọng tâm chất vấn của Giám đốc Sở Tài nguyên sau đó khiến ông Trịnh Văn Chiến (Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh) nhiều lần phải cắt ngang. Thậm chí, ông Chiến phải nhắc lại câu hỏi của các đại biểu dành cho vị Giám đốc Sở.
Về số liệu xử lý cát tặc, mỏ trái phép vẫn tái diễn, ông Quy cho hay do mới nhận công tác ở Sở Tài nguyên đến nay là 6 tháng 7 ngày nên chưa nắm rõ và xin khất trả lời sau.
Theo vị Giám đốc Sở, nguyên nhân khiến tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra nhiều, trong đó có việc trên địa bàn hiện có khoảng 300 tàu cát chưa được đăng ký, đăng kiểm hoạt động trên sông. Các tàu này thường lợi dụng đêm tối, các vùng giáp ranh để khai thác.
"Khi gặp lực lượng chức năng thì tàu bỏ chạy sang địa bàn khác gây khó khăn cho việc xử lý", ông Quy nói.
"Không thể chịu đựng nạn cát tặc được nữa"
Sau khi nghe trả lời chất vấn, ông Trịnh Văn Chiến đánh giá nếu để tình trạng khai thác cát trái phép tiếp tục diễn ra, quản lý không tốt thì nguồn tài nguyên này sẽ dần cạn kiệt. UBND tỉnh tập trung làm rõ.
"Đây là vấn đề cực kỳ hệ trọng của tỉnh, không thể chịu được nữa", ông nói và yêu cầu phải quy trách nhiệm cho từng ngành, từng sở, từng địa phương và phải có chế tài xử lý cụ thể vấn nạn này, báo cáo trước HĐND tỉnh.