Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nụ cười của trẻ em chùa Bồ Đề tại nơi ở mới

Sau một năm tới Thụy An, hơn 20 em nhỏ từ chùa Bồ Đề được chữa bệnh, học hành. Trong môi trường mới, tiếng cười rộn rã trở lại với những số phận từng gặp nhiều bất hạnh.

Tháng 8/2014, 22 trẻ em và 5 người già từ chùa Bồ Đề (Long Biên) được chuyển lên Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật Hà Nội tại Thụy An (Ba Vì, Hà Nội). Sau hơn một năm, sức khỏe các em đều tiến triển tốt.
Ở đây các em được học văn hóa, giao lưu văn nghệ, chơi thể thao. Những em khuyết tật được trị liệu. "Chúng tôi hợp tác với Bệnh viện Thái Nguyên để chỉnh hình, chữa bệnh cho các em nhỏ bị bệnh nặng. Ngoài ra họ sẽ giúp nâng cao chất lượng đội ngũ y tế tại trung tâm", ông Đỗ Đức Hồng - Giám đốc trung tâm cho biết.

Em Kiều Huyền Anh (10 tuổi) sau một năm chuyển lên Thụy An từ chùa Bồ Đề không khác biệt  nhiều. Theo các cô phụ trách trẻ em tại đây, Huyền Anh bớt nghịch và chăm ngoan hơn, buổi đêm không còn khóc vì nhớ nhà. Ban ngày học văn hóa, tối về chơi với các em. Huyền Anh ước mơ sau này trở thành cô giáo.

Cù Trung Anh mắc bệnh trầm cảm và di chuyển khá chậm. Tuy nhiên sau một năm, em hoạt bát hơn, không còn ngồi góc giường chơi đồ hàng mà đã nô đùa cùng bạn bè.
Hầu hết các trẻ đều rất hiếu động. "Những bé chưa đến tuổi đi học, ở nhà nghịch hơn trẻ không bị khuyết tật, các em khỏe mạnh là niềm vui lớn nhất của chúng tôi", chị Trạm, nhân viên tại đây chia sẻ.
Một số trẻ bị bệnh nặng, đang trong thời gian theo dõi và điều trị được ở tại những giường có thiết kế đặc biệt để tránh ra ngoài. "Hầu như các em không biết gì, thậm chí không ý thức được hành động của mình", nữ nhân viên khác nói.
Là chị cả của nhóm trẻ từ chùa Bồ Đề tới trung tâm, Nguyễn Thị  Sim (15 tuổi) rất quan tâm đến các em.
Cù Quảng Nam là một trong những trẻ lớn tuổi nhất nhóm. Mấy ngày nay, Quảng Nam cùng bạn tập văn nghệ để chuẩn bị phá cỗ Trung thu.
Một số trẻ khác bắt đầu học văn hóa.
Năm nay 3 tuổi, bé Kỳ Anh đang được các nhân viên chăm sóc vật lý trị liệu. Sau gần một năm, từ không đứng được em đã đi được vài bước, có thể cười nói, trò chuyện cùng mọi người.
Em Nguyễn Văn Toàn là một trường hợp kỳ diệu khác. Toàn bị bại não, liệt toàn thân nhưng nhờ vật lý trị liệu cộng với phác đồ điều trị hợp lý nên em đã đi được. "Dù cháu đi còn hơi liêu xiêu, nhưng đó là thành công lớn của nhóm vật lý trị liệu", bác sĩ Cường chia sẻ.
Cù Xuân Minh (8 tuổi) bị câm và một số bệnh khác từ nhỏ. Em rất hiếu động, hễ có người quen đến là bắt chuyện, rồi tạo dáng để chụp ảnh.
Sắp tới, tại trung tâm sẽ mở thêm một số ngành nghề để các em có thể học việc khi lớn lên. "Chúng tôi sẽ nuôi dưỡng các em suốt đời và sẵn sàng đón thêm nhiều em nhỏ khuyết tật, mồ côi cha mẹ", ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội cho biết.

Tháng 8/2014, sau đợt thanh tra, chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) được xác định không đủ điều kiện để chăm sóc hơn 100 người thuộc diện bảo trợ xã hội. Toàn bộ những người này đã được đề nghị đưa về các trung tâm bảo trợ có phép khác của TP.

Khó khăn của người phụ nữ xin nuôi bé ở chùa Bồ Đề

“Chúng tôi chấp nhận, dẫu rằng đã tận mắt chứng kiến nhiều sinh mạng nhỏ bé mất đi”, Hằng chia sẻ.

Cuộc sống mới của 17 trẻ em chùa Bồ Đề

Dù còn lạ lẫm, nhiều em nhỏ từ chùa Bồ Đề đã bắt đầu hòa đồng khi chuyển tới nơi ở mới tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội (xã Thụy An, Ba Vì).

Lê Hiếu

Bạn có thể quan tâm