Nhiệm kỳ chủ tịch đảng Đảng Dân chủ tự do (LPD) cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ kết thúc vào tháng 9/2018. Qua sự cải tổ nội các ngày 3/8, giới quan sát chú ý đến 3 gương mặt tiềm năng được cho là người có thể thay thế chức chủ tịch đảng của ông Abe.
Ông Abe dọn đường cho phụ nữ trở thành thủ tướng?
Sự bổ nhiệm được chú ý nhất chính là việc đưa bà Tomomi Inada, 57 tuổi, vào chức Bộ trưởng Quốc phòng. Bà là người phụ nữ thứ 2 tại Nhật đảm nhận chức vụ này.
Bà Inada từng là người đứng đầu bộ phận chính sách của Đảng Dân chủ tự do (LPD). Bà cùng quan điểm cứng rắn với Thủ tướng Abe về cải cách thời hậu chiến và hiến pháp hòa bình và được xếp vào phe "diều hâu" trong chính trường Nhật. Bà cũng thường xuyên viếng thăm đền Yasukuni ở Tokyo, nơi mà Trung Quốc và Hàn Quốc coi như một biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt của Nhật Bản trong quá khứ.
Bà Inada duyệt đội danh dự tại trụ sở Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 4/8. Ảnh: Reuters |
Quốc phòng vốn không phải là lĩnh vực mà bà Inada có nhiều thế mạnh và kinh nghiệm. Do vậy, báo Yomiuri Shimbun cho rằng, việc bổ nhiệm là nhằm giúp bà Inada tích lũy kinh nghiệm, đặc biệt trong những vấn đề an ninh, để trở thành ứng viên thủ tướng tương lai. Tờ báo Nhật khẳng định, Inada chính là lựa chọn để kế thừa trực tiếp các di sản và chính sách của ông Abe.
Thủ tướng Abe cũng không giấu giếm quan điểm này. Tại một cuộc họp hồi tháng 2, ông Abe phát biểu trước những người tham dự, bao gồm bà Inada, rằng "cô ấy là một trong những ứng viên vô cùng hứa hẹn cho ghế thủ tướng".
"Abe đang muốn củng cố quyền lực của ông ấy. Ông hiện đang không ủng hộ ứng viên nào khác ngoài bà Inada, nhưng lúc này bà ấy chưa sẵn sàng", giáo sư Koichi Nakano (ĐH Sophia, Nhật), nói với Reuters.
Rời nội các để xây dựng chiến lược riêng
Một đối thủ quan trọng của bà Inada là cựu Bộ trưởng Phát triển Khu vực Shigeru Ishiba, 59 tuổi. Ông Ishiba được đề nghị chức Bộ trưởng Nông nghiệp, nhưng ông quyết định từ chối và không tham gia nội các mới. Hành động này được cho là để Ishiba có thời gian củng cố đội ngũ của riêng mình, cùng với phát triển những chính sách để thu hút sự ủng hộ trong nội bộ đảng LDP cầm quyền.
Ông Shigeru Ishiba
muốn rời nội các để tập trung phát triển kế hoạch vận động riêng. Ảnh: Reuters |
Ông Ishiba từng đối đầu với ông Abe trong cuộc đua trở thành chủ tịch đảng LDP hồi năm 2012, và không giấu ý định kế vị chức thủ tướng. Điều thể hiện rõ ra bên ngoài là ông Ishiba đang giữ khoảng cách với Thủ tướng Abe. Sau buổi công bố nội các mới vào ngày 3/8, trong lúc ông Abe phát biểu với 9 vị bộ trưởng bị thay thế thì ông Ishiba đã rời phòng họp mà không nói câu nào.
Tuy Ishiba khẳng định sự ủng hộ của ông với đương kim thủ tướng Nhật không thay đổi, các trợ lý thân cận với thủ tướng cho rằng ông như muốn tuyên bố đối đầu với Abe.
Giáo sư Steven Reed (ĐH Chuo, Nhật) nhận định với Bloomberg rằng nội bộ đảng LDP trở nên đoàn kết hơn và rất ủng hộ Thủ tướng Abe ngay từ đầu nhiệm kỳ 2. "Lý dọ rất đơn giản, họ đổ lỗi thất bại năm 2009 vì sự chia rẽ. Trong khi ông Abe luôn đối phó rất kỹ lưỡng với các đối thủ tiềm năng, ông Ishiba trở thành một nơi mà những người bất mãn với Abe trong LDP có thể quy tụ lại với nhau".
Bên cạnh đó, ông Abe cũng bổ nhiệm Yuji Yamamoto, một thành viên trong nhóm của ông Ishiba, trở thành Bộ trưởng Nông nghiệp. Một số thành viên trong "phe Ishiba" cho rằng sự bổ nhiệm Yamamoto có thể là hành động gây chia rẽ nhóm.
Mong muốn chuyển giao quyền lực êm thắm
Gương mặt thứ 3 là ông Fumio Kishida, người giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao ngay từ đầu nhiệm kỳ thứ 2 của Thủ tướng Abe, và vẫn giữ nhiệm vụ này sau đợt cải tổ nội các. Nhiều thành viên trong nhóm ủng hộ Kishida lo ngại các rủi ro có thể xảy ra nếu ông rời khỏi chính phủ. Do vậy, họ cho rằng việc tiếp tục giữ chức là cách để đồng thời xây dựng và chuẩn bị cho tương lai.
Nhóm của Ngoại trưởng Kishida lo ngại việc rời chính phủ có thể tạo ra nhiều rủi ro. Ảnh: Reuters |
Quan điểm của ông Kishida là hướng tới một cuộc chuyển giao quyền lực êm thắm. Tuy nhiên, những nhân vật thân cận với thủ tướng cho rằng, nếu ông Kishida lộ rõ những hành động muốn trở thành người kế nhiệm Abe thì họ sẽ khống chế các ý đồ này.
"Ông Abe muốn duy trì sự kiểm soát và sẽ không để một người có cơ hội 'giẫm' lên người khác. Tôi nghĩ ông ấy muốn để Kishida, Inada và Ishiba cạnh tranh với nhau cho đến phút cuối", một quan chức đảng LDP nhận định.
Trong khi đó, "phe Kishida" cũng lo ngại sự thăng tiến quá nhanh của bà Inada. "Chúng tôi sẽ phải suy nghĩ lại chiến lược để trở thành lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới", một thành viên cao cấp trong LDP thuộc nhóm ủng hộ Kishida nói.