“Hôm nay, điều chúng ta lo ngại đã bắt đầu xuất hiện khi trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên”, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ nói tại cuộc họp khẩn khuya 6/3, ngay khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại thủ đô.
Trấn an mọi người, người đứng đầu Thành ủy Hà Nội nói tuyệt đối không lơ là, chủ quan nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh, không quá hoang mang, lo lắng.
Không chủ động khai báo
Tối 6/3, chị N.H.N (26 tuổi, ở Trúc Bạch, Ba Đình) được xác định là bệnh nhân thứ 17 ở Việt Nam nhiễm Covid-19 và là trường hợp đầu tiên ở Hà Nội dương tính với virus.
Nhận thông tin này, lãnh đạo Hà Nội đã triệu tập cuộc họp gấp ngay trong đêm để công khai thông tin, phân công nhiệm vụ và triển khai các biện pháp quyết liệt chống dịch.
Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết nữ bệnh nhân nhiễm Covid-19 chủ động cách ly tại nhà nhưng khai báo không đúng với nhà chức trách. Ảnh: Nhật Nam. |
Bí thư Hà Nội yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống của thành phố phải cập nhật chính xác tình hình dịch tễ của bệnh nhân, hành trình bệnh nhân di chuyển cũng như lập danh sách những người tiếp xúc. Đặc biệt, phải nắm chắc số lượng hành khách, tổ lái, tiếp viên trên chuyến bay từ London về Hà Nội lúc 4h30 sáng 2/3.
“Tôi vừa liên hệ Tổng giám đốc Vietnam Airlines đề nghị dừng khai thác máy bay này để thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng”, ông nói.
Về nữ bệnh nhân N., Bí thư Hà Nội cho biết bản thân bệnh nhân tự biết có khả năng nhiễm bệnh và gây bệnh nên chủ động không tiếp xúc với nhiều người nhưng người này lại không chủ động khai báo với nhà chức trách.
Vì thế, cần phải có những sơ đồ dịch tễ rất chi tiết theo phác đồ của Ban chỉ đạo; trường hợp nào thì cách ly tập trung, trường hợp nào cách ly tại nhà.
Theo Bí thư Hà Nội, trong tổng số 22 hộ dân với khoảng 176 nhân khẩu ở phường Trúc Bạch, phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ cách ly khu vực, cùng với các biện pháp tiêu trùng, khử độc.
Mặt khác, bảo đảm bảo cho đời sống sinh hoạt bình thường cho người dân khu vực. Những trường hợp trong số cư dân thấy có hiện tượng, cần thiết phải làm có những xét nghiệm sớm. Có trường hợp nào biểu hiện phải cho đi vào khu cách ly.
Ông Huệ cũng đề nghị Hà Nội tiếp tục bố trí một khu cách ly tập trung, xây dựng phương án bệnh viện dã chiến.
“Chúng ta không dùng đến thì càng tốt, nhưng buộc phải có sự chuẩn bị sớm với tinh thần, tốc độ cao nhất”, Bí thư Hà Nội chỉ đạo.
Hà Nội cam kết công khai
Thông tin về lịch trình di chuyển của nữ bệnh nhân, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết người này đã di chuyển qua nhiều nước trước khi về Việt Nam.
Xuống sân bay Nội Bài, bệnh nhân này được người lái xe tên P. đưa về nhà riêng. Hiện lái xe này đã được đưa vào cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cùng với 5 người là giúp việc và phục vụ.
Toàn cảnh cuộc họp của Hà Nội đêm 6/3. Ảnh: KTĐT. |
Thành phố cũng rà soát 17 người là y tá và bác sĩ của bệnh viện Hồng Ngọc có tiếp xúc với nữ bệnh nhân, hiện cách ly tại bệnh viện.
Chủ tịch Thành phố chỉ đạo giao Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội rà soát và chốt chặn từ số nhà 125 đến 139 phường Trúc Bạch.
“Theo tinh thần cuộc họp hôm nay của Ban chỉ đạo và cũng được sự thống nhất, chúng ta quyết định là cách ly toàn bộ hộ và những cá nhân ở từ số nhà 125 đến 139 Trúc Bạch”, ông Chung nói.
Ngoài ra, ông cho rằng tất cả thông tin về hành trình này sẽ được trao đổi với phía Anh, Pháp để xác minh nơi ở của chị N. tại London và Paris.
Hà Nội cũng giao cho công an thành phố và Sở Y tế phối hợp với Cục xuất nhập cảnh để xác định tất cả hành khách mà chị N. này ngồi ở ghế 5K chuyến bay VN00054, để xác định tất cả hành khách hạng C ngồi cùng ở chuyến bay này, từ đó xác định nguồn gốc xuất xứ những người liên quan để cách ly.
Ông cam kết thành phố sẽ sớm công bố công khai những danh tính của những người đã tiếp xúc mà trong mấy ngày qua với y tá, bác sĩ bệnh viện Hồng Ngọc và với những nhân viên, tổ lái chuyến bay VN00054, những nhân viên của hàng không đã làm trên sân bay Nội Bài khi tiếp nhận chị N.
Hành trình di chuyển của bệnh nhân
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trước khi phát bệnh ở Việt Nam, bệnh nhân từng sang Anh để thăm chị gái và cùng người này sang Italy và Pháp du lịch. Cụ thể:
- Ngày 15/2, bệnh nhân bay từ Nội Bài (Hà Nội) đi London thăm gia đình.
- Ngày 16/2, bệnh nhân đến London, ở chơi với gia đình 2 ngày.
- Ngày 18/2, N. đi sang Milan (Italy). Bệnh nhân du lịch tại Milan 2 ngày.
- Ngày 20/2, quay lại Anh (London), ở đây 2 ngày.
- Ngày 25/2, bệnh nhân đi tàu sang Paris (Pháp), ở chơi một ngày.
- Ngày 26/2, quay lại London.
- Ngày 28/2, bệnh nhân khởi phát triệu chứng ho, không đi khám, chỉ ở nhà người thân tại London (Anh) và chưa xét nghiệm Covid-19.
Trong thời gian ở châu Âu, bệnh nhân có tiếp xúc với nhiều người có biểu hiện ho, hắt hơi.
- Ngày 1/3, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu đau mỏi người, không rõ sốt. Bệnh nhân lên máy bay về nước trên chuyến bay số hiệu VN0054 của Vietnam Airlines, hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 4h30 ngày 2/3.
Nhân viên y tế có mặt ở phố Trúc Bạch tối 6/3. Ảnh: Phạm Thắng. |
- Sau khi nhập cảnh, chị N. được lái xe riêng của gia đình đưa về nhà riêng tại Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội. Bệnh nhân có đeo khẩu trang trong suốt quá trình từ sân bay về nhà riêng.
Trong thời gian từ khi trở về nước đến khi nhập viện, bệnh nhân tự cách ly tại phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình, không ra khỏi nhà, vẫn đeo khẩu trang tại hộ gia đình. Thời gian này, những người sống và làm việc trong hộ gia đình gồm bố, mẹ, 2 người giúp việc, 2 người tạp vụ và lái xe riêng.
- Ngày 3/3, bệnh nhân xuất hiện sốt, ho, đau mỏi người.
- Ngày 4/3, bệnh nhân thấy đỡ hơn nên vẫn ở nhà.
- Ngày 5/3, bệnh nhân xuất hiện sốt (38 độ C), ho nhiều, có đờm, mệt mỏi, đi khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc cơ sở 55 Yên Ninh, Ba Đình và được chẩn đoán viêm phổi. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung để theo dõi, điều trị. Bệnh nhân nhập viện lúc 18h ngày 5/3 và đã được làm xét nghiệm Covid-19, kết quả dương tính.