Nhiều ngày qua, bà đã dọn về sinh sống với con trai ở Thủ Đức. Ngôi nhà của bà trên đường Lê Lợi – Gò Vấp đã bị phát mãi để thanh toán nợ ngân hàng do quá kỳ hạn từ sau khi cố soạn giả Thu An qua đời. Dù đôi chân bị bệnh thấp khớp nhưng bà vẫn phải đến sàn diễn, đó là những quán bia vọng cổ để ca kiếm tiền chợ.
Nhiều nghệ sĩ cải lương tài danh thường nổi tiếng về ca qua bài vọng cổ nào đó, về diễn thì qua một vai nào đó trong vở diễn. Riêng NSƯT Ngọc Hương, bà nổi tiếng về cả ca và diễn qua những vai của nhiều vở. Khi nói đến bà, ai cũng biết đó là một nữ nghệ sĩ cải lương tài danh có giọng ca vàng gắn với đại bang cải lương Hương Mùa Thu lừng danh vào thập niên 1960 - 1970. Mỗi lần bà đến các quán bia vọng cổ, bà vẫn thường bắc chiếc ghế ngồi bên ngoài, đến khi gần giờ hát, MC của chương trình ra mời bà vào, rồi dìu bà lên sân khấu. Dẫu đó chỉ là cái bục diễn cao chỉ vài nấc thang nhưng bà vẫn phải có người dỉu mới bước lên được, rồi cúi đầu xin phép thực khách cho mình được ngồi ca. Những khán giả mộ điệu cải lương lui tới các quán bia vọng cổ ai nấy đều xúc động trước hình ảnh đáng thương của một ngôi sao sân khấu vang bóng một thời.
NSƯT Ngọc Hương và Phượng Liên. |
NSƯT Ngọc Hương sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật tuồng cổ ở Bến Tre (1942). Ông bà nội của NSƯT Ngọc Hương là hai nghệ sĩ nổi danh của gánh hát bội Kiến Lương – Bến Tre vào thập niên 1920 - 1930. Cha của bà là ông Nguyễn Văn Hay tức nghệ nhân Hai Nhỏ, vừa là kép chính vừa là thầy tuồng của gánh hát bội Kiến Lương. Anh trai là nhạc sĩ Hoàng On, chị là nghệ sĩ Kim Giác (vợ của cố NSƯT Hoàng Giang), em là nghệ sĩ Ngọc Lan đào lẳng của Đoàn Hương Mùa Thu trước đây, giờ cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn, phải đi bán vé số mưu sinh... Thời thơ ấu, Ngọc Hương đã được anh mình (Hoàng On) dạy ca nhiều thể điệu, nhịp nhàng rất vững chắc. Tuy được sinh ra trong gia đình nghệ sĩ hát bội nhưng cha của bà đã thấy nghệ thuật hát bội dần dần không còn thu hút khán giả, hoàn cảnh gia đình khó khăn, hát bội thì biểu diễn theo mùa vụ (khi cúng kỳ yên đình, miếu)… nên ông phải chuyển hướng cho con gái, để tử đó NSƯT Ngọc Hương gắn bó với sàn diễn cải lương.
Soạn giả Viễn Châu kể rằng từ thập niên 1920-1930 , sau khi ra đời, cải lương nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng và giàu có nhanh chóng… “Bởi tính chất ca kịch mới của nghệ thuật cải lương trên đà phát triển. Về ca ngâm cần chất trữ tình, mượt mà, nội dung tuồng tích, nhất là đề tài tâm lý xã hội gần gũi với cuộc sống hơn… nên cải lương có nhiều lợi thế. Sự ra đời của loại hình ca kịch cải lương đã không chỉ thu hút khán giả, mà còn thu hút nhiều nghệ nhân hát bội lúc bấy giờ, trong đó có gia đình của Ngọc Hương, và cô được cha định hướng không cho theo hát bội mà vào cải lương từ năm 1959. Ban đầu trải qua vài gánh trung ban để thực tập, đầu thập niên 1960, cô lên Sài Gòn và hát đào thương cho những đại ban lớn, và nhanh chóng trở thành cô đào chánh sáng giá”.
Nghệ sĩ Ngọc Hương và sầu nữ Út Bạch Lan. |
Theo tiến sĩ nhạc sĩ Đỗ Dũng: “Trong cuộc đời làm nghề của NSƯT Ngọc Hương, bà là một trong những cô đào thương có nhiều thuận lợi để sớm có nhiều vai diễn thành công và nổi tiếng. Một cô đào tài sắc vẹn toàn với những tố chất từ dòng huyết thống của gia đình. Nghĩa là NSƯT Ngọc Hương đã may mắn thừa hưởng những gì mà ông bà, cha mẹ đã cho như sắc vóc đẹp, giọng nói sang trọng, thêm vào đó là được cha, anh truyền nghề ca diễn… Bà được thụ đắc hơi – giọng ca ngâm từ người anh, phong cách biểu diễn về vũ đạo ít nhiều được cha truyền từ nghệ thuật hát bội, vốn bản thân bà thông minh nên việc tiếp thu nghệ thuật ca diễn nhanh để hình thành phong cách riêng”.
Mỗi nghệ sĩ cải lương trên bước đường thành danh không khỏi gặp những thăng trầm trong nghệ thuật, nhưng với NSƯT Ngọc Hương có nhiều cơ hội thăng hơn là trầm. Từ khi bà vào gánh Thủ Đô, bà có dịp tiếp cận những bậc thầy như cố NSND Ba Vân, NSND Út Trà Ôn, NSƯT Hoàng Giang (anh rể) là những thuận lợi để nâng cao nghề; rồi về gánh Kim Chưởng lại được cô Bảy (NSƯT Kim Chưởng) tận tình truyền dạy kinh nghiệm ca diễn trên sân khấu… Đặc biệt, Ngọc Hương có một thời gian gắn bó dài lâu nhất ở Đoàn Hương Mùa Thu nên tạo dấu son trong tiểu sử của mình. Đó là đại ban Cải lương tên tuổi lẫy lừng của Sài Gòn trước 1975 và sau 1975 vào thời cải lương hoàng kim.
Bà nguyện rằng: “Dẫu cho đến lúc tắt thở thì vẫn mong được đứng trên sàn diễn như cố NS Kim Ngọc. Tôi rất mong căn bệnh của mình sẽ thuyên giảm, để đôi chân đi lại bình thường và có dịp lên sân khấu biểu diễn nhiều hơn”.