Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

NSƯT Chí Trung: ‘Nhà hát không phải nơi để kiếm tiền làm giàu’

"Tôi nghĩ dù ở thời kỳ nào, mỗi nghệ sĩ luôn có trách nhiệm, ý thức trong việc truyền tải thông điệp gì, vở diễn nào đến khán giả", NSƯT Chí Trung chia sẻ.

NSUT Chi Trung san khau anh 1

Zing có cuộc trao đổi với NSƯT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ về vai trò, nhiệm vụ của sân khấu nói riêng và nghệ thuật nói chung trước thềm Hội nghị Gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân kỷ niệm 90 truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8/1930-1/8/2020).

NSƯT Chí Trung: 'Chúng tôi muốn giữ giá trị của sân khấu' NSƯT Chí Trung chia sẻ về những kỷ niệm trong 42 năm gắn bó với nghệ thuật sân khấu.

Chúng tôi muốn giữ giá trị của một thời kỳ mà thế hệ cha anh đã đi qua

- Gắn bó với sân khấu từ thời kỳ hoàng kim cho đến bây giờ, đồng thời đảm nhận vai trò quản lý nhà hát những năm gần đây, anh nhìn nhận như thế nào về sự thay đổi của sân khấu?

- Cá nhân tôi hoạt động trong ngành nghệ thuật, gắn bó với Nhà hát Tuổi trẻ mấy chục năm nay. Chúng ta vẫn nói rằng văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Tôi nghĩ dù ở thời kỳ nào, mỗi nghệ sĩ luôn có trách nhiệm, ý thức trong việc truyền tải thông điệp gì, vở diễn nào đến khán giả. Bởi chúng tôi biết sau lưng mình là một tập thể, trước mặt mình là cả một thế hệ.

"Chúng tôi biết sau lưng mình là một tập thể, trước mặt mình là cả một thế hệ".

NSƯT Chí Trung

Từ năm 1978, tôi là diễn viên của nhà hát. Tôi cũng đã dựng và tham gia hàng chục vở, hóa thân thành rất nhiều nhân vật. Với mỗi nhân vật, chúng tôi đều cẩn trọng từng câu nói. Đặc biệt, Nhà hát Tuổi trẻ phục vụ cả khán giả thanh niên và thiếu nhi, nên trách nhiệm còn lớn hơn.

Khi chúng tôi diễn cho những anh chị, cô bác lớn tuổi xem, có thể họ hiểu, cảm thông và chia sẻ với mình. Nhưng với khán giả trẻ, chưa va vấp nhiều, các bạn ấy giống như tờ giấy trắng. Vở kịch mang đến thông điệp gì thì điều đó ngay lập tức “ăn” vào tiềm thức của các bạn. Tôi nghĩ sân khấu cần một ngôn ngữ nhẹ nhàng, thông điệp dung dị nhưng vẫn phải đầy đủ tính chiến đấu, tính Đảng và cả ý thức công dân.

- Nếu được hỏi về giai đoạn rực rỡ nhất của sân khấu, anh sẽ chia sẻ điều gì?

- Sân khấu của chúng ta vào những năm 1980 rất sôi động, vì lúc ấy chưa có nhiều phương tiện truyền thông, giải trí như bây giờ. Để nói về vai diễn cá nhân, tôi từng đóng các chiến sĩ trẻ trong chùm phim ngắn trên truyền hình (giai đoạn 1983-1985). Lúc đó, chúng ta vừa giải phóng miền Nam và bước qua cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, đất nước đang khó khăn. Chúng ta khi ấy vừa tập trung xây dựng đất nước, đồng thời thực hiện nhiệm vụ giữ vững biên giới.

NSUT Chi Trung san khau anh 2

NSƯT Chí Trung gắn bó với sân khấu suốt 42 năm. Ảnh: Thế Sơn.

Rồi trong vở kịch Lời thề thứ 9 của tác giả Lưu Quang Vũ, ra mắt vào năm 1989, 1990, 1992 với tổng cộng hơn 300 suất diễn, tôi đóng vai Đôn sứt - cũng là một chiến sĩ trẻ.

Nhìn chung, ngoài các tác phẩm cổ điển để giữ nhịp chung với thế giới, Nhà hát Tuổi Trẻ luôn diễn và dựng những vở mang tính công dân cao. Tôi nhớ giai đoạn 1980-1995 là thời kỳ các nhà hát dựng tác phẩm của Lưu Quang Vũ nhiều nhất, ví dụ như Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc vô tận, Điều không thể mất, Lời thề thứ 9. Những vở diễn chứa đựng tình yêu quê hương đất nước, tự hào, nhưng cũng đầy ắp khó khăn, trăn trở. Nhất là khi chúng ta vừa đi qua thời kỳ bao cấp, chuyển sang kinh tế thị trường vào những năm 1987.

Trong từng vai diễn của tôi nói riêng, cũng như các tác phẩm của Nhà hát Tuổi Trẻ hay sân khấu nói chung đều hướng đến xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, phù hợp với sự phát triển của đất nước và thế giới. Con người mới phải hội nhập, tri thức, nhân cách và đầy tính công dân.

- Hiện nay, sân khấu cần phải thay đổi như quy luật tất yếu, kịch bản cũ sẽ khó tiếp cận với khán giả trẻ. Khi dàn dựng, làm mới những tác phẩm kinh điển, gắn với lịch sử, điển hình là kịch của cố nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, điều gì khiến anh trăn trở?

- Trong kịch của anh Lưu Quang Vũ hay tác giả Xuân Trình, ngôn ngữ, văn phong đều rất hay, có lời thơ chất nhạc. Nhưng rõ ràng nếu những vở diễn không có tính nhân văn hoặc dự báo về xã hội, mà chỉ giáo điều thì sẽ không thu hút được khán giả.

"Tôi vẫn luôn nói tôi giữ 158 linh hồn ở nhà hát, chứ không giữ 158 thể xác".

NSƯT Chí Trung

Mới đây, khi chúng tôi dựng lại vở Ai là thủ phạm, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Lời nói dối cuối cùng (Lưu Quang Vũ) và Đợi đến mùa xuân (Xuân Trình), chúng tôi cảm nhận được rằng thông điệp của anh Vũ và tác giả Xuân Trình muốn gửi gắm vẫn còn nguyên, tức là tác phẩm có tính dự báo.

Những năm qua, từ một đất nước còn nghèo, xã hội chúng ta đã phát triển rất nhiều và đang đứng giữa thang điểm của thế giới. Đợt dịch Covid vừa qua là một minh chứng. Công tác phòng chống dịch ở Việt Nam được thực hiện rất tốt.

Khi dàn dựng lại một tác phẩm cũ, tất nhiên chúng tôi đều phải cắt gọt, biên tập sao cho phù hợp với tình hình xã hội hiện nay, chỉ giữ nguyên thông điệp cốt lõi, tính nhân văn. Chẳng hạn, những vấn đề như tham nhũng, bao cấp cũ rồi, thì đều phải chỉnh sửa.

Có những cái kết được sửa lại theo hướng khác, đưa ngôn ngữ mới vào, phù hợp xã hội hiện đại. Khi thực hiện, chúng tôi đều xin phép người nhà anh Lưu Quang Vũ.

Hàng năm, bên cạnh nhiều chương trình mới, Nhà hát Tuổi trẻ vẫn dựng các vở cũ. Bởi vì chúng tôi muốn giữ giá trị của một thời kỳ mà thế hệ cha anh đã đi qua. Và cũng phần nào giúp thế hệ trẻ hiểu rằng để có cuộc sống như hiện nay, chúng ta phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, như chiến tranh, thời kỳ chuyển đổi... Thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, tôi nghĩ thế hệ trẻ, những người có ý thức trách nhiệm, sẽ được hun đúc lòng tự hào dân tộc.

NSUT Chi Trung san khau anh 3

Diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ diễn vở Tin ở hoa hồng của Lưu Quang Vũ. Ảnh: NHTT.

Tôi mừng vì dàn diễn viên trẻ không bỏ đi

- Làm thế nào để dàn diễn viên trẻ hào hứng và dành tâm huyết cho những tác phẩm xưa cũ, khi mà họ không hiểu về thời kỳ đó. Cuộc sống của họ bây giờ cũng bận rộn, không còn dành nhiều thời gian cho sân khấu?

- Phải thừa nhận diễn viên trẻ bây giờ có quá nhiều thứ phải suy nghĩ. Họ muốn thành công, trở thành người của công chúng. Nhưng nếu đốt cháy giai đoạn, thành công ấy không vững bền. Thành công phải đến từ những vai nhỏ nhất, từ những đóng góp cho xã hội, nhân cách sống. Tôi luôn nhắc nhở các bạn ấy như vậy.

Tôi vẫn nói với các diễn viên trẻ rằng ở nhà hát không có tiền để làm giàu, nhưng có tiền để tồn tại, phát triển và quan trọng hơn là có khát vọng. Và tôi mừng vì các bạn đã không bỏ đi.

Có một chuyện tôi muốn kể là mỗi khi nhà hát dựng vở của anh Lưu Quang Vũ, các diễn viên đều trở về. Các bạn đến viếng mộ vợ chồng anh Vũ, chị Quỳnh. Tôi xúc động vì điều đó. Tất cả những giá trị ấy, chúng tôi đã truyền lại cho các em bằng cả tấm lòng.

Tôi nghĩ cái hay trong các tác phẩm của Lưu Quang Vũ là mỗi nhân vật đều như một bông hoa, không có nhân vật xấu hoàn toàn, dù ban đầu tiêu cực thì về sau vẫn có hướng thoát.

Sau khi xem kịch của anh, người ta thấy cuộc sống tươi đẹp hơn. Nhiều khán giả trẻ đến nhà hát để được xem những điều tốt đẹp từ Lưu Quang Vũ.

Vào dịp kỷ niệm 32 năm ngày mất của nhà thơ Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh (29/8), Nhà hát Tuổi trẻ sẽ diễn lại vở Ai là thủ phạm.

- Thực tế là sân khấu đang gặp khó khăn trong việc tự tồn tại. Dù vậy, nhiều nghệ sĩ vẫn chia sẻ họ coi sân khấu luôn là thánh đường và như anh nói ở đó có khát vọng. Anh mong muốn điều gì cho tương lai của sân khấu?

- Với ngành nghề nào, chúng ta cũng mong muốn sự phát triển trong tương lai. Tôi nghĩ không chỉ ngành sân khấu, nghệ thuật đang gặp khó khăn đâu, mà chúng ta đang “chiến đấu” với dịch Covid, cả thế giới nghiêng ngả. Chúng ta phải xác định rằng chỉ tìm sự tương đối thôi, cứ mạnh dạn, giữ niềm tin và làm điều tốt nhất có thể.

Diễn viên tại nhà hát của tôi bây giờ có thể đi làm phim 9 ngày, một ngày ở sân khấu, nhưng khi trở về vẫn cháy hết mình. Tôi sắp xếp lịch phù hợp để tạo điều kiện cho các bạn.

Tôi vẫn luôn nói tôi giữ 158 linh hồn ở nhà hát, chứ không giữ 158 thể xác. Nhưng không vì thế mà đồng nghĩa với việc chúng tôi cố gắng thay đổi nhà hát bằng những hình thức xã hội hóa phần nào, tự chủ phần nào.

Quan trọng nhất vẫn là chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Trong văn hóa, sản phẩm khác hơn một chút. Đó là bạn “bán” cả yếu tố nhân văn, giá trị kèm theo sản phẩm ấy.

NSUT Chi Trung san khau anh 4

"Dù ở thời kỳ nào, mỗi nghệ sĩ luôn có trách nhiệm, ý thức trong việc truyền tải thông điệp gì, vở diễn nào đến khán giả" - NSƯT Chí Trung. Ảnh: Thế Sơn.

- Chắc hẳn trong những điều mà anh mong muốn có cả nguyện vọng một ngày nào đó, nhà hát có thể tự chủ, đảm bảo thu nhập cho diễn viên để họ dồn hết tâm huyết cho nghệ thuật?

- Khi chính trị ổn định, kinh tế thăng hoa thì văn hóa phát triển. Chúng ta không thể đi trước được. Kinh tế của chúng ta bây giờ mới đang phát triển thì văn hóa chưa thể thăng hoa. Chúng ta đặt bài toán tự chủ, xã hội hóa thực ra chỉ là bài toán bất đắc dĩ.

Khi nào mỗi gia đình, mỗi cá nhân có đời sống vật chất ổn định, tự họ sẽ tìm đến nhu cầu văn hóa. Lúc ấy, văn hóa mới phát triển theo được.

Tương lai tốt đẹp là điều ai cũng mong muốn. Tôi nghĩ chúng ta cứ vững tin, cứ mang điều tốt lành đến cuộc sống thì sẽ có một xã hội tốt đẹp.

NSƯT Xuân Bắc: ‘Sân khấu giúp khán giả tin vào những điều tốt đẹp’

NSƯT Xuân Bắc chia sẻ những câu chuyện khó khăn về sân khấu đương đại khi nhiều nhà hát đang xuống cấp, cơ sở vật chất nghèo nàn nhưng nghệ sĩ vẫn bám trụ với từng vai diễn.

Hà Thanh - Hiền Hà

Bạn có thể quan tâm