Được Chí Trung hẹn gặp tại Nhà hát Tuổi trẻ lúc anh tranh thủ tập vở Quan thanh tra (vở kịch do anh đạo diễn, ra mắt đầu năm 2016) vỏn vẹn trong 2 giờ đồng hồ giữa 2 chuyến công tác nên buổi phỏng vấn đã diễn ra chớp nhoáng, không theo đúng hướng ban đầu.
Nhưng bù lại, người viết được chứng kiến một phần cuộc sống thường nhật tất bật của một nghệ sĩ, một người quản lý nghiêm khắc, có tâm và cũng rất yêu nhân viên như cái cách anh nói "sếp mà toàn phải đi làm lành" và được anh chia sẻ về kế hoạch thực hiện hẳn một live show để trao cho người phụ nữ của mình chiếc nhẫn cưới đầu tiên trong đời.
Nghệ sĩ Chí Trung. |
"Người ghét thì gọi tôi là thằng thực dụng"
- Ra mắt vào đầu năm, sao anh không chọn một vở kịch có chủ đề nhẹ nhàng mà lại là một tác phẩm gai góc, đánh vào tham nhũng như "Quan thanh tra"?
- Thực ra Quan thanh tra nằm trong đề án đưa 100 tác phẩm kinh điển thế giới lên sân khấu, được Hội nghệ sĩ sân khấu đề xuất để các nhà hát làm hàng năm.
Chúng tôi chọn vở hài kịch này vì có nhiều điều tâm đắc. Nói về nước Nga Sa hoàng ở thời kỳ tăm tối nhất, Quan thanh tra ra đời năm 1835 và hiệu đính năm 1941 nhưng khi đọc kịch bản, tôi day dứt, vì vấn đề của nó - câu chuyện về cấu trúc, bộ máy, tạm gọi là "tham nhũng" - vẫn còn đúng đến tận bây giờ.
Mượn câu chuyện của Nicolai Gogol, chúng tôi nói chuyện thời nay, nói đến sự thanh liêm trong quan trường, sự trong sạch trong cai trị, sự vì dân. Tất nhiên, đây chỉ là một vở hài kịch, nó không có ý nghĩa gì ghê gớm, chỉ là đem tiếng cười đến cho khán giả cùng những thông điệp sâu sắc, giúp cho cuộc sống đỡ mệt mỏi, cho mọi người nhìn nhận lại chính mình.
- Dàn dựng vở diễn này, anh đã gặp những khó khăn gì?
- Diễn viên của Nhà hát tuổi trẻ thường diễn hài kịch ngắn, đời thường, trong khi làm kịch kinh điển, nhất là vở cổ điển thì ngôn ngữ sân khấu vốn khác hẳn. Diễn viên của tôi không được trang bị nhiều kiến thức này.
Bước ra đời, họ chỉ được đóng những vở nhè nhẹ nên cứ nghĩ nghệ thuật đơn giản như thế, mà không biết rằng làm một vở kịch đúng nghĩa - cổ điển, dữ dội, có tính triết lý cao - thì diễn viên phải đổ mồ hôi, đổ tâm sức như thế nào.
Vấn đề ở đây là do xu thế, khiến diễn viên trẻ không có nhiều cơ hội để đóng những vở lớn.
Dựng Quan thanh tra, tôi hướng tới 2 mục đích. Đầu tiên, là muốn các em được tập luyện, được thể hiện vai diễn lớn. Khi nhân vật lớn, các em sẽ lớn theo. Còn khi nhân vật nhỏ, dù có hoàn thiện nó, các em vẫn mãi nhỏ.
Mục đích thứ 2 là khi các em đã bay nhảy trong cái lốt lớn đó và chúng tôi hòa quyện thì vở diễn có thể trở thành một sản phẩm ăn khách, đủ hấp dẫn để khán giả bỏ tiền ra mua vé.
- Anh mong đợi điều gì với "Quan thanh tra"?
- Tôi muốn vở diễn là một tác phẩm. Tôi quan niệm, để một sản phẩm văn hóa có thể trở thành tác phẩm thì nó phải phù hợp với mong muốn của thị trường, được khán giả yêu mến và họ tự đánh giá, nâng tầm nó thành tác phẩm.
Vấn đề của nhiều nhà hát, trong đó có chúng tôi, là có vở phải tập hàng tháng trời, thậm chí nửa năm nhưng chỉ được diễn một hai suất. Đơn giản, vì nó không có đời sống tự nó. Thế nên tôi cố gắng là người của thị trường, một người quản lý, người đạo diễn thực tế, nhiều người ghét thì gọi tôi là thằng thực dụng. Bởi tôi tiếc công sức của diễn viên tôi lắm!
Bạn có biết, một nửa diễn viên trẻ của tôi chưa hề có xu nào 5 năm nay, 1/3 em khác thì lĩnh lương 1,45 triệu - 1,9 triệu đồng/tháng. Đó là lý do chúng tôi phải chuyển qua tập tối để ban ngày diễn viên chạy sô kiếm sống, để tối về có thể đến với thánh đường sân khấu này.
Tôi tự nghĩ từ tôi thôi, tôi không thể khai thác diễn viên từ quyền chức, bắt các em phải làm những vở tôi thích. Tôi muốn các em làm những vở tất cả chúng tôi đều thích. Cái thích đó cùng với nhân sinh quan của chúng tôi để làm ra một vở diễn phù hợp với mong muốn khán giả.
Tôi không thể nói nó sẽ trở thành hiện tượng được, hiện tượng bây giờ rất khó cắt nghĩa. Những chương trình âm nhạc hàn lâm được tài trợ thì diễn thôi, chứ bán vé không ai mua. Chương trình vớ vẩn của ông hoàng này, bà chúa nọ thì lại rất đông khán giả.
"Mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên", tôi không đoán trước được kết quả.
"30 năm chưa tặng nhẫn cưới cho vợ"
- Bận bịu với nhiều vai trò như thế, anh làm thế nào để giữ được hôn nhân hạnh phúc với nghệ sĩ Ngọc Huyền?
- Tôi không phải là người thích tặng hoa và quà cho vợ. Tới giờ, tôi vẫn chưa tặng nhẫn cưới cho cô ấy, 30 năm rồi, từ 1/1/1986.
Nhưng sắp tới, chúng tôi tổ chức live show tại Nhà hát thành phố, vào ngày lễ Tình nhân 14/2. Tôi đã hứa hôm đó chúng tôi sẽ mặc quần áo cô dâu - chú rể và tặng cô ấy chiếc nhẫn cưới đầu tiên của cuộc đời.
Đinh Tiến Dũng (giáo sư Xoay) là người viết kịch bản, họa sĩ Doãn Bằng đạo diễn chương trình, đạo diễn Như Lai là trợ lý và tôi là diễn viên chính. Vở diễn cuộc đời tôi sẽ có tên là "Tơ trời mong manh".
- Tại sao anh lại có quyết định lãng mạn đến như vậy?
- Thật ra, live show không phải để tôn vinh vợ chồng tôi vì cũng không có gì đáng để tôn vinh. Chí Trung - Ngọc Huyền là một cặp đôi như bao cặp đôi khác, ngẫu nhiên được trời sắp đặt gặp nhau, bắt ở cạnh nhau và đến nay, họ đã đi được 30 năm. Xung quanh những cánh chim bồ câu của showbiz cũng nắm tay nhau bay, nhưng rơi phần phật xuống đất thì có đôi này trụ lại. Nên chúng tôi muốn dừng lại để kể cho nhau một chút, để cùng mọi người chiêm nghiệm, bởi không biết ngày mai sẽ ra sao.
Live show cũng không phải chỉ có chuyện hôn nhân của chúng tôi, nó còn có câu chuyện về thời bao cấp, về những ngày đầu của nhà hát, của dàn diễn viên thế hệ một và những suy nghĩ mà mọi người dành cho nhau...
Khoảnh khắc lãng mạn của vợ chồng nghệ sĩ Chí Trung - Ngọc Huyền. Ảnh: FBNV |
- Vợ chồng anh rất hay đi du lịch. Đó có phải là một cách giữ lửa, giúp anh chị đi cùng nhau quãng đường 30 năm qua?
- Du lịch là gần đây thôi, ngày xưa tôi tiếc tiền lắm. Nghèo nên tôi tiếc.
- Vậy điều gì đã làm anh thay đổi?
- Đó là ngày 21/12/2012, ngày người ta vẫn nói là ngày trái đất diệt vong. Tôi có nói với vợ rằng tín hiệu hủy diệt là chắc chắn. Cô ấy thì bảo, đến 12h đêm mà không hủy diệt thì sao. Lúc đó, tôi có trót nói "Em thích gì anh chiều". Thế là từ 0h ngày 22/12, tôi phải trả món nợ đấy. Cô ấy nói thích đi du lịch Mỹ, tôi đành phải "nôn" tiền ra để cả nhà đi. Thế là bắt đầu nhiễm xạ, thích đi.
- Địa điểm yêu thích của anh là gì?
- Đó là Bà Nà vì lên đó có cảm giác tách biệt cuộc sống. Đôi lúc còn mất sóng điện thoại. Nhiều khi nó giống như bồng lai tiên cảnh vậy. Nhất là buổi sáng ngủ dậy, không gian trong vắt.
"Về hưu sẽ cắt đứt quan hệ với giới nghệ thuật"
- Sắp hết năm, đây là thời điểm người ta nhắc tới và tò mò về Táo quân - chương trình đã trở thành món ăn khó thiếu vào dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, anh có tham gia Táo quân hay không?
- Tôi sẽ tham gia nếu vai tốt, nhân vật tốt. Tôi chỉ là cộng tác viên, phía đài truyền hình có mời hay không, tôi có nhận lời hay không, cả 2 khả năng đều bỏ ngỏ.
Tham gia Táo quân là vinh dự ai cũng muốn, nhưng với điều kiện là kịch bản hay, gây ấn tượng tốt với khán giả, còn ngược lại, nó sẽ là thảm họa. Chúng tôi tập quần quật cả tháng trời, đêm hôm lọ mọ để rồi sau đêm 30 là đóng chặt cửa, giấu kín mặt ở đâu đó vì mạng xã hội rồi báo chí chửi ầm ầm. Như 3 năm nay thì khổ lắm, ngượng lắm.
Nói thì nói thế, nhưng đến thời điểm này, chúng tôi đều rộn ràng vì biết mọi người mong mỏi. Hơn nữa, để thay được một dàn diễn viên đã quen nghề và quen làm Táo không đơn giản.
- Nếu Táo quân có nhân vật mới, anh có muốn được diễn với các danh hài miền Nam?
- Thật ra các nghệ sĩ miền Bắc muốn diễn với nhau vì các anh chị trong kia không có thời gian. Chúng tôi không quen lối chiều ra tối quay, rất bị động. Chúng tôi phải tập luyện chu đáo, đàng hoàng. Miền Bắc là như vậy.
- Thế ngày Tết năm nay của anh sẽ như thế nào?
- Như bạn biết đấy, mùng 8 chúng tôi có live show Tơ trời mong manh nên cũng không có thời gian cho kế hoạch nào khác. Mọi năm tôi đi du lịch nước ngoài, chẳng năm nào ở nhà. Đêm giao thừa làm nhiệm vụ cúng bái tổ tiên, sáng mùng 1 đến chào gia đình nội ngoại, ra chùa xong là lên máy bay đi. Tôi không thích phải ở nhà gặp nhau ề à. Tết đóng cửa đi là sướng nhất đấy!
Nghệ sĩ Chí Trung không thích ngày Tết. |
- Một năm qua, anh nghĩ thành tựu lớn nhất của mình là gì?
- Đó là định hình được phong cách đạo diễn và được sự công nhận của bạn nghề.
- Thế còn điều tiếc nuối nhất?
- Là đẹp trai mà không được lên chức sớm (cười). Tôi chỉ còn 4 - 5 năm nữa là nghỉ hưu. Đó là điều lãng phí vì tôi thấy mình còn trẻ khỏe và đầy kinh nghiệm.
- Anh đã nghĩ đến hình ảnh về hưu của mình chưa?
- Tôi là người độc lập. Bố tôi (cố NSND Quý Dương) có dạy 7 chữ: "Khóc hèn, rên nhục, van yếu đuối". Khi về hưu, tôi sẽ cởi bỏ mọi danh hiệu, để mình chỉ là mình thôi, tự làm chủ cuộc sống đúng nghĩa.
Nếu nhà hát không cần, tôi sẽ cắt đứt toàn bộ quan hệ với giới nghệ thuật.