Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

NSND Trung Hiếu: 'Đã là nghệ sĩ phải có giải thưởng cá nhân'

"Đóng vai chính trong một tác phẩm nhưng không đoạt giải, nhưng cứ cộng dồn, quy đổi lại có huy chương Vàng, huy chương Bạc… điều này không hợp lý, nên bỏ", NSND Trung Hiếu bày tỏ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa tổ chức Hội nghị đánh giá tác động về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT và lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định, quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT khu vực phía Bắc.

Tại hội nghị, bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt - Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở bám sát quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và kế thừa các quy định đang phù hợp với thực tiễn công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; bổ sung thêm đối tượng mới "Người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật" (đây là đối tượng mới được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022) để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Phân định không rõ ràng

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng “dự thảo Nghị định sát thực tiễn”. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề như nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia là đối tượng được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT.

Với dự thảo mới, hai đối tượng này cũng thuộc nhóm “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật” để xét danh hiệu NSND, NSƯT thì phân định sẽ không rõ.

NSND Trung Hieu anh 1

Đạo diễn điện ảnh, đạo diễn sân khấu mới phù hợp đưa vào nhóm “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật” để xét tặng danh hiệu.

NSND Trịnh Thúy Mùi cho rằng lĩnh vực sân khấu, danh hiệu NSND, NSƯT gắn liền với vai diễn, vở diễn, và tên tuổi của nghệ sĩ.

Lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ có sáng tác được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT.

Lĩnh vực nhiếp ảnh, một tác giả, tác phẩm vừa được xét danh hiệu NSND, NSƯT vừa được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước là bất cập.

Bà Mùi nêu quan điểm chỉ có đạo diễn điện ảnh, đạo diễn sân khấu mới phù hợp đưa vào nhóm “Người sáng tạo tác phẩm văn hoá, nghệ thuật” để xét tặng danh hiệu.

Đồng quan điểm, NSND Hoàng Quỳnh Mai - Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng đề xuất đưa vị trí đạo diễn sân khấu làm đối tượng xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh vì họ chịu trách nhiệm lớn nhất cho một tác phẩm.

Đã là nghệ sĩ biểu diễn phải có giải thưởng cá nhân, đừng cộng dồn

NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam nhận xét, việc thêm họa sĩ tạo hình con rối - những người giữ vai trò đi đầu trong múa rối vào quy đổi huy chương là thiết thực. Bởi theo ông hiện nay họa sĩ nhiều nhưng để tìm người tiếp cận và gắn bó với tạo hình rối rất khó.

Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam kiến nghị nâng mức quy đổi đối tượng này lên 2/3 huy chương Vàng, thay vì 1/3 như hiện tại.

NSND Trung Hieu anh 2

NSND Trung Hiếu.

NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng lăn tăn vì cách quy đổi ở dự thảo này. Bởi xiếc là loại hình nghệ thuật tập thể, việc quy đổi huy chương hiện tại chỉ dành cho 1-2 người.

“Tác phẩm thành công, giành giải là do một tập thể nhưng nếu chỉ có 1, 2 người được xét quy đổi huy chương thì không có tính khích lệ nghệ sĩ khác cống hiến tiếp”, NSND Tống Toàn Thắng nêu bất cập.

NSƯT Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cho rằng việc quy đổi huy chương cần lưu ý đến đặc thù của lĩnh vực điện ảnh.

"Huy chương vàng điện ảnh khó gấp 100 lần sân khấu. Có thể thành lập hội đồng xét tác phẩm có giá trị, lan tỏa... để xét danh hiệu", NSƯT Tấn Minh đề xuất.

NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội đề nghị, thực tiễn hiện nay, các cuộc liên hoan sân khấu rất nhiều. Vì vậy, quy định 2 giải Vàng quốc gia đối với danh hiệu NSƯT, 4 giải Vàng quốc gia với danh hiệu NSND là có phần dễ dàng.

NSND Trung Hiếu đề xuất tăng giải thưởng khi xét để thực sự nâng cao chất lượng danh hiệu và có chế độ đãi ngộ tốt hơn.

“Đóng vai chính trong một tác phẩm nhưng không đoạt giải, nhưng cứ cộng dồn, quy đổi lại có huy chương Vàng, huy chương Bạc… Điều này không hợp lý, nên bỏ. Đã là nghệ sĩ biểu diễn là phải có giải thưởng cá nhân. Nếu ở vai trò chỉ đạo nghệ thuật như đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ không có giải cá nhân thì có thể cộng dồn”, NSND Trung Hiếu nêu quan điểm.

Sau khi lắng nghe ý kiến các nghệ sĩ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết dự thảo Nghị định cố gắng cụ thể hóa Luật thi đua khen thưởng. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi thêm bởi việc bổ sung đối tượng xét tặng vừa là điểm mới, cũng là điểm khó.

“Cần tiến hành rà soát để không bỏ sót đối tượng xét tặng, đồng thời đảm bảo công bằng khi quy đổi giải thưởng”, bà Trịnh Thị Thủy nói.

Zing News Giải trí giới thiệu sách hay về tình yêu

Đã có nhiều sách, tác phẩm viết về tình yêu - câu chuyện của trái tim ấm nóng, thứ tình cảm thường được cho là phức tạp. Dưới “cái đầu lạnh” của những lý thuyết triết học, góc nhìn tâm lý học, tình yêu hiện lên sáng rõ nhưng cũng không thiếu cảm xúc.

Nghệ thuật yêu của nhà phân tâm học Erich Fromm xuất bản năm 1957. Đến nay, cuốn sách được dịch ra 34 thứ tiếng với hàng triệu bản in. Nó vừa là công trình nghiên cứu lý thuyết, vừa là cuốn sách tâm tình, gợi mở bạn đọc hiểu về bản chất của yêu.

https://vietnamnet.vn/nsnd-trung-hieu-da-la-nghe-si-phai-co-giai-thuong-ca-nhan-2157874.html

Tình Lê - Anh Nguyễn/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm