Hai ngày sau khi NSND Trịnh Thịnh qua đời, căn nhà tập thể rộng hơn 20m2 nằm trên đường Nguyễn An Ninh, Hà Nội dường như trống vắng và lạnh lẽo hơn với bà Nguyễn Thị Ngọc Khanh - vợ cố nghệ sĩ. Nén nỗi đau, bà kể rằng, những ngày sau khi ông mất, cả 5 người con gái đều tề tựu về đây cùng bà lo liệu tang sự. Điều đó cũng khiến bà nguôi ngoai phần nào nỗi đau mất mát.
Trịnh Thịnh cùng vợ trong chuyến đi sang Ba Lan. |
Dù tuổi đã cao, lại tiếp nhiều phóng viên đến từ các cơ quan, báo đài đến hỏi thăm, chia buồn cùng gia quyến, nhưng bà Khanh vẫn hồn hậu mỗi khi nhắc về chồng. “Tôi với ông ấy sống với nhau đến giờ đã được 63 năm. Ngày xưa, cả hai cưới nhau theo kiểu phong kiến, chưa từng quen, không trải qua giai đoạn yêu đương gì cả. Hai bên gia đình đến hỏi, xem mặt rồi tính chuyện cưới xin” - bà Khanh trầm ngâm nhớ lại. Ngày đầu tiên gặp mặt, cả hai không giấu vẻ ngại ngùng, mỗi người ngồi một cái ghế ở đầu bàn, thi thoảng liếc nhìn nhau một cái nhưng lại chẳng biết nói với nhau điều gì. “Ngày ấy, tôi mới 20 tuổi. Ở cái tuổi xuân thì của người con gái, tôi vẫn còn ngây thơ lắm, chưa biết yêu, chỉ biết là bố mẹ đặt đâu thì ngồi đấy. Tôi gặp ông ấy thì cũng chỉ hỏi thăm câu chuyện, vài ba câu xã giao là hết” - bà hồi tưởng.
Bà vẫn còn nhớ rõ hôm cử hành nghi lễ đám cưới, bà đã bật khóc vì lo lắng, chưa quen với nếp sống mới của một người con gái khi rời xa gia đình. Đêm tân hôn trùng dịp lễ Noel, NSND Trịnh Thịnh đã đưa vợ mới cưới đến Nhà Thờ Lớn để hòa cùng dòng người đón lễ. “Lấy ông ấy làm chồng nhưng tôi vẫn còn ngượng nghịu lắm, cả đến cái nắm tay cũng chưa quen. Đêm sau cưới, không như nhiều đôi vợ chồng khác, tôi với ông ấy hẹn hò lần đầu tiên nhưng cả hai chẳng trò chuyện được nhiều, chỉ đứng xem người ta đi lễ”.
Thời bấy giờ, bà Khanh cũng là một người con gái có nhan sắc. Sinh ra trong một gia đình có 8 anh chị em, bà là người chịu thương, chịu khó, tần tảo phụ giúp mẹ chăm sóc các anh em. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, bà Khanh ở Phú Thọ 9 năm và lọt vào mắt xanh của nhiều anh bộ đội. Bà nhớ lại: “Ngày xưa, có anh bộ đội còn làm thơ tặng tôi là: Vó ngựa anh đứng dưới mái tranh/ Để ngắm nàng thơ ngồi đan áo/ Má hồng đang thắm, mắt đang xanh. Dù vậy, gia đình tôi cũng không đồng ý. Mãi đến thời gian sau này, khi về tới Hà Nội, qua người này, người kia mai mối, gia đình tôi mới gặp gia đình anh Thịnh và cả hai bén duyên với nhau”.
NSND Trịnh Thịnh vui vẻ bên vợ trong dịp kỷ niệm đám cưới vàng 50 năm. |
Không trải qua giai đoạn hẹn hò rồi yêu thương, nhưng trong thời gian chung sống, đồng cam cộng khổ bên nhau, bà Khanh cũng nảy sinh tình cảm với Trịnh Thịnh. “Tính ông ấy hiền lành, lại không bao giờ cục cằn, cáu gắt hay to tiếng với ai bao giờ, kể cả con cái trong nhà. Sống với nhau được hơn 60 năm, hai vợ chồng cũng chưa một lần để xảy ra cãi vã, bởi thế, cuộc sống rất êm ấm, hòa thuận”.
Sau 10 năm bên nhau, vợ chồng nghệ sĩ sinh được 5 người con gái. Bà Khanh tâm sự, cả hai vợ chồng đều chưa bao giờ đặt nặng vấn đề phải sinh con trai. Những khó khăn của thời bao cấp cứ nặng gánh trên vai khiến NSND Trịnh Thịnh cùng vợ phải xoay sở nhiều cách để đối mặt. “Tôi thường xuyên tự nhủ với lòng rằng kể cả có bất kỳ khó khăn, chông gai nào cũng nhất định phải vượt qua. Ngày ấy, đưa con đi sơ tán, cứ đến chiều thứ 7 là tôi lại phải sửa soạn gạo, nước, thức ăn rồi lóc cóc đạp xe đi tiếp tế cho các con. Còn ông Thịnh thì bận đi quay phim, có phim quay tới cả nửa năm, cũng có phim chỉ quay dăm bữa nửa tháng là về. Khi ở nhà, ông ấy cũng là người cùng tôi cáng đáng những việc trong gia đình như đưa đón con hay chẻ củi, nắm than quả bàng để đun nấu,…” – bà Khanh bùi ngùi nói về những ngày tháng cơ cực xưa kia.
NSND Trịnh Thịnh cùng vợ đều sinh ra trong một gia đình không khá giả, ngay cả nhà để ở tại Hà Nội cũng là nhà đi thuê. Dù vậy, bà Khanh vẫn cho là mình may mắn hơn nhiều người khác vì hai vợ chồng đều đi làm, có lương ăn hàng tháng. Thời bao cấp, bà Khanh còn phải làm thêm nhiều việc để lo cho cuộc sống của gia đình cùng 6 miệng ăn. “Hồi ấy, tôi làm bên Sở Thương nghiệp, hết giờ làm, tôi lại phải nhận thêm len về đan áo, đan găng, mũ. Cũng có lúc, tôi nhận vải về may chăn mền, nhận ni lông và dán những túi hàng hay in túi cho người ta. Công việc vất vả, lương tháng ít ỏi, mỗi đứa con chỉ được cấp một lạng thịt với mười cân gạo một tháng. Thành thử ra là hai vợ chồng sống phải chắt chiu nhiều, ăn uống tiết kiệm, chia nhau từng tí một, chứ lúc đó khốn khó thì biết vay ai?”.
Trịnh Thịnh cùng vợ trong đám cưới. |
Cô dâu chú rể đầu ngượng ngùng vì chưa có thời gian tìm hiểu, yêu đương. |
Cùng nhau đi qua những tháng ngày khốn khó, bà Khanh vẫn tự hào vì được làm hậu phương vững chắc cho chồng. “Trong các bài phỏng vấn Trịnh Thịnh, ông ấy có nói là nhờ có vợ nên tôi mới có được ngày hôm nay. Tự trong thâm tâm mình, tôi hiểu rõ rằng muốn chồng làm tốt mọi việc, đóng phim phục vụ khán giả, thì bản thân mình phải là người giúp ông ấy lo toan chu đáo mọi việc trong gia đình” - bà Khanh nói. Đôi mắt bà lấp lánh niềm vui khi nhắc tới chồng.
Suốt 63 năm chung sống, bà Khanh chưa từng phải nổi cơn ghen tuông với chồng dù ông cũng là người được nhiều cô gái mến mộ bởi vẻ ngoài bảnh bao thời trai trẻ. "Ông ấy thường đóng phim cùng Ngọc Lan. Thi thoảng, bà ấy cũng hay đến nhà tôi chơi và nói với tôi là: Chị không phải lo, anh Thịnh anh ấy đứng đắn lắm, không cặp kè cùng ai đâu".
Hơn ai hết, bà Khanh là người đã chuẩn bị sẵn tâm lý trước sự ra đi của chồng: “Ở cái tuổi gần đất xa trời này, chẳng ai nói trước được điều gì. Trong những giây phút cuối đời, con cái và các cháu, chắt vẫn luôn túc trực bên giường bệnh để chăm lo cho ông ấy, từ thuốc thang đến đồ ăn, thức uống”. Người con gái thứ hai của ông bà sống cùng chồng bên Ba Lan cũng thường xuyên bay về Việt Nam để săn sóc mỗi lần ông phải vào viện. Chị kể, mới bay về Ba Lan vào ngày 11, thì ngày 12 nghe tin bố mất, chị lại đáp chuyến máy bay sớm nhất có thể để về quê nhà chịu tang cha.