Tập đoàn Nova Consumer vừa thông báo chào bán ra công chúng lần đầu (IPO) với khối lượng 10,9 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ hiện tại.
Giá chào bán tối thiểu 43.462 đồng/cổ phiếu, tương đương với lượng vốn huy động dự kiến khoảng 474 tỷ đồng. Số tiền này được dùng cho mục tiêu tăng cường năng lực tài chính phát triển chuỗi thực phẩm và bổ sung vốn lưu động.
Cụ thể, doanh nghiệp có kế hoạch chi 430 tỷ đồng để mua lại phần vốn góp của Công ty cổ phần Đầu tư Tiêu dùng tại Công ty TNHH Thực phẩm Mặt Trời Mọc để phát triển chuỗi thực phẩm. Đồng thời, Nova Consumer góp mới 35 tỷ đồng vào Công ty TNHH Thực phẩm Mặt Trời Mọc và phần còn lại bổ sung vốn lưu động. Thời gian thực hiện trong quý I-II năm nay.
Đơn vị tư vấn cho đợt IPO này là Chứng khoán SSI. Nhà đầu tư tham gia sẽ đặt mua tối thiểu 1.000 và tối đa là 5.444.000 cổ phiếu. Thời gian nhận đăng ký mua và nộp tiền đặt cọc từ ngày 7/2 đến ngày 28/2. Kết quả đặt mua sẽ được công bố vào ngày 4/3.
Hiện Nova Consumer có vốn điều lệ gần 1.089 tỷ đồng. Tính theo mức giá chào bán tối thiểu trên, doanh nghiệp có mức định giá khoảng 4.700 tỷ đồng trước IPO và sẽ là 5.200 tỷ đồng sau IPO.
Sau khi hoàn tất đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, Nova Consumer sẽ tiến hành các thủ tục để niêm yết HoSE, dự kiến ngay trong quý II năm nay.
Nova Consumer cùng với Novaland (Mã chứng khoán: NVL) và Nova Service là 3 tổng công ty chủ lực thuộc tập đoàn tư nhân Nova Group của doanh nhân Bùi Thành Nhơn. Như vậy tập đoàn này sắp có thêm một tổng công ty thứ 2 lên sàn chứng khoán sau Novaland.
Nova Consumer là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, phân phối hàng tiêu dùng, phục vụ nhu thiết yếu của cuộc sống.
Doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp toàn diện cho người chăn nuôi bao gồm thuốc thú y, vaccine, thức ăn gia súc, con giống và các giải pháp chăn nuôi kỹ thuật cao. Kể từ năm 2020 còn định hướng mở rộng sang lĩnh vực sản xuất và phân phối thực phẩm để khép kín chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn (mô hình 3F: Feed - Farm - Food).
Cơ cấu doanh thu và lợi nhuận Nova Consumer. |
Nova Consumer hiện có 11 công ty con (trực tiếp và gián tiếp) và 3 công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 2 công ty trong lĩnh vực vaccine và 4 công ty chuyên về sức khỏe vật nuôi với 2 nhà máy sản xuất thuốc thú y.
Mảng thức ăn chăn nuôi có 3 nhà máy với tổng công suất 730.000 tấn mỗi năm. Đơn vị cũng có 7 trang trại heo, bò, gà ở nhiều tỉnh tại Việt Nam.
Doanh nghiệp còn có kế hoạch phát triển 150 đại lý phân phối sản phẩm tiêu dùng, 250.000 điểm bán hàng, 1.200 đại lý phân phối sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời xây dựng danh mục các sản phẩm dinh dưỡng khác như yến sào, sâm Ngọc Linh...
Năm 2020, công ty này ghi nhận sự sụt giảm mạnh về doanh thu do tác động của đại dịch Covid-19 và tái cơ cấu tập trung vào các mảng có hiệu quả kinh doanh cao. Do vậy lợi nhuận lại tăng trưởng mạnh lên 185 tỷ đồng.
Sang năm 2021, Nova Consumer đặt mục tiêu doanh thu tăng 33% lên 4.149 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 57% lên 279 tỷ. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 cho thấy tỷ lệ hoàn thành kế hoạch doanh thu 64% nhưng đã vượt 22% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Hiện cơ cấu cổ đông của Nova Consumer khá cô đặc khi một nhóm 6 nhà đầu tư nắm giữ đến 95,34% vốn, trong đó riêng bà Cao Thị Ngọc Sương (vợ ông Bùi Thành Nhơn) sở hữu trực tiếp 8,06%.
Ngoài ra bà Sương còn là đại diện theo pháp luật của 5 tổ chức khác là 5 cổ đông lớn còn lại của Nova Consumer. Nhóm này gồm: Thực phẩm Anova, Phân Phối No Va, Thương mại Bảo Khang, Đầu tư A.N.O.V.A và công ty Sài Gòn Vet với tổng sở hữu 87,28% vốn.
Bà Cao Thị Ngọc Sương tương đối kín tiếng nhưng lại sở hữu lượng tài sản rất lớn. Hiện vợ chủ tịch Novaland đang nắm giữ trực tiếp hơn 105 triệu cổ phiếu NVL với giá trị thị trường hơn 8.600 tỷ đồng, là người giàu thứ 18 trên sàn chứng khoán.