Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Nốt trầm ven đô Hà Nội sau 10 năm mở rộng

Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, nhiều đô thị ven đô vẫn còn manh mún, hạ tầng ngổn ngang, cỏ dại bao vây biệt thự triệu đô.

HÀ NỘI SAU 10 NĂM - NỐT TRẦM VEN ĐÔ

Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, bên cạnh những thành tích, Hà Nội vẫn còn nhiều việc phải làm để phát triển các khu đô thị vệ tinh và hệ thống giao thông kết nối với đô thị lõi.

ha noi 10 nam mo rong anh 1

Bắt đầu chăn bò từ năm 10 tuổi, đến nay bà Đặng Thị Gái (xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã làm công việc này được khoảng 40 năm. Đều đặn hàng năm, bà bán được một cặp bê giống tạo nguồn thu nhập chính cho gia đình. Đều đặn hàng ngày, bà vẫn chọn cánh đồng trồng sắn rìa làng của thôn 5 xã Hạ Bằng để thả bò.

Cánh đồng sắn nay đã biến thành Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tuy nhiên, bà Gái và nhiều hộ dân khác vẫn thả bò tại đây hàng ngày. Chỉ tay về phía nhiều công trình thưa thớt giữa những bãi đất hoang ngổn ngang và những ô cỏ um tùm, bà Gái ví von rằng đàn bò của bà có gặm cỏ cả ngày cũng không đi hết được 1.700 ha của Hòa Lạc.

ha noi 10 nam mo rong anh 2
ha noi 10 nam mo rong anh 3

Khi mở rộng địa giới hành chính 10 năm trước, Hà Nội định hướng xây dựng Hòa Lạc như một thành phố khoa học và công nghệ, một đô thị sinh thái và thông minh. Cho đến nay, Hòa Lạc đã thu hút hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư, nhiều nhà máy mọc lên, hạ tầng đang dần hoàn thiện, nhưng vẫn ngổn ngang, vẫn vắng bóng người sinh sống.

Và Hòa Lạc không phải là khu đô thị vệ tinh duy nhất nằm yên ắng suốt một thập niên qua. Khi công bố quy hoạch mở rộng, với diện tích toàn thành phố tăng gấp 3,6 lần mức cũ, Hà Nội nhắm tới tạo ra các “cực đô thị” khác nhau như Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên giúp “kéo giãn” đô thị lõi. 

10 năm sau, việc xây dựng các khu đô thị vệ tinh ở phần đất Hà Nội mở rộng thêm vẫn giậm chân tại chỗ. Đô thị lõi Hà Nội xưa thì ngày càng quá tải về không gian. Các vấn đề bức xúc dân sinh chẳng những không được giải quyết mà còn có xu hướng nghiêm trọng hơn.

Chia sẻ với Zing.vn, các chuyên gia cho rằng Hà Nội sẽ phải mất thêm nhiều năm nữa để giải quyết những vấn đề trên, trên cơ sở không chỉ chú trọng đầu tư giao thông mà còn phải kết hợp hài hòa phát triển hạ tầng xã hội.

Hà Nội giậm chân tại chỗ trong việc phát triển đô thị vệ tinh Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, với quỹ đất rộng lớn, Hà Nội vẫn chưa thực hiện việc giãn dân khỏi nội thành bằng việc phát triển các đô thị vệ tinh.

Nốt trầm bên tuyến đường biểu tượng

Hơn 10 năm trước, Hà Nội cho biết thành phố đang gặp nhiều khó khăn thách thức khi phạm vi hành chính và không gian diện tích hạn hẹp. Nhiều trường đại học, bệnh viện lớn, nhà máy và xí nghiệp vẫn trong trung tâm nội thành. Trong khi đó, quy mô dân số, các hoạt động sản xuất kinh doanh, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh.

Hà Nội cho rằng việc mở rộng địa giới hành chính sẽ khiến không gian tự nhiên và quy mô đất đai của thành phố lớn hơn nhiều trước đây, tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa với quy mô lớn, hiện đại. Việc mở rộng nhằm giải quyết tình trạng quá tải, mất cân đối hệ thống hạ tầng giao thông, xã hội cũng như các vấn đề bức xúc dân sinh khác: nước thải, rác thải , ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững.

Sau 10 năm mở rộng, với quỹ đất rộng Hà Nội đã khang trang hơn với sự ra đời của hàng chục khu đô thị mới, nhiều tuyến đường huyết mạch với tổng trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng. Các quy hoạch phân khu, bố trí quỹ đất dành cho y tế giáo dục, xây dựng đô thị vệ tinh, khu chức năng... đều cơ bản đã được hoàn thành.

Đại lộ Thăng Long - tuyến đường biểu tượng, kết nối trung tâm với khu vực phía tây rộng lớn và cả các địa phương lân cận - hoàn thành. Cầu Thanh Trì, cầu Nhật Tân, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, tuyến Nhật Tân - Nội Bài… lần lượt được đưa vào sử dụng, giúp bộ mặt Hà Nội thay đổi nhanh chóng. Nhiều dự án nghìn tỷ khác đang tiếp tục xây dựng. Công viên Hòa Bình, Mai Dịch, Yên Sở… mở cửa đón người dân. Diện tích nhà bình quân của người Hà Nội đã đạt 25,6 m2/người, số tiền đấu giá từ sử dụng đất đạt hơn 30.000 tỷ đồng.

Quỹ đất rộng cũng giúp Hà Nội xử lý triệt để 25/25 cơ sở công nghiệp ô nhiễm ra khỏi nội đô. Các khu xử lý rác thải với công nghệ hiện đại cũng đang được kêu gọi đầu tư tại Tả Thanh Oai (Thanh Trì), Đồng Ké (Chương Mỹ), Phương Đình (Đan Phượng)…

Tuy nhiên, sau 10 năm, tình trạng quá tải hạ tầng vẫn diễn ra gay gắt. Tắc đường, ngập nước, xử lý rác và nước thải, ô nhiễm môi trường là những vấn đề nghiêm trọng mà Hà Nội đối mặt.

Nhiều trường đại học, bệnh viện còn nằm trong nội đô, thậm chí còn được xây dựng khang trang, đón nhiều sinh viên, bệnh nhân hơn. Nhiều nhà máy, xí nghiệp đã được chuyển ra khỏi nội thành; nhưng thay vào đó là những chung cư chọc trời, "nén" thêm căn hộ và cư dân.

ha noi 10 nam mo rong anh 7

Ngược lại, các khu đô thị vệ tinh được nhắm đến khi mở rộng Hà Nội vẫn trong cảnh yên bình vốn có. Sau khi đại lộ Thăng Long được thông xe vào năm 2010, nhiều người tin rằng Hòa Lạc sẽ trở thành đô thị vệ tinh trong nay mai.

Hòa Lạc đã thu hút 81 dự án với số vốn 66.000 tỷ đồng, giao đất trên 360 ha. Nhiều doanh nghiệp triển khai xây dựng trường học, nhà máy tại đây. Tuy nhiên, đến nay Hòa Lạc vẫn chưa thể gọi là một đô thị.

Cùng với Hòa Lạc, các khu vực khác được định hướng phát triển khu đô thị vệ tinh của Hà Nội chưa có nhiều thay đổi. Phú Xuyên và Sóc Sơn vẫn là những huyện thuần nông. Xuân Mai và Sơn Tây đô thị hóa ngày càng nhanh, nhưng chưa như kỳ vọng 

Trong báo cáo tổng kết 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thành ủy Hà Nội đã thừa nhận công tác quy hoạch còn hạn chế; dân số nội đô ngày càng tăng cao; việc thực hiện các khu chức năng, đô thị vệ tinh còn chậm. Ngoài ra, Hà Nội chưa thu hút được dân ra khỏi vùng lõi đô thị.

Đồng lúa, cỏ dại vây biệt thự chục tỷ

Trước cả thời điểm chính thức mở rộng địa giới Hà Nội, rất nhiều khu đô thị, dù không phải là "vệ tinh", ồ ạt được xây dựng tại vùng ven như Từ Liêm, Hà Đông, Hoài Đức, Quốc Oai, Mê Linh… Nhiều người tin rằng chính các khu đô thị này kéo giãn dân ở nội thành, giúp sớm hiện thực hóa mục tiêu đô thị hóa Hà Nội sau khi mở rộng.

Tuy nhiên, khi những lô đất được mua bán và những biệt thự mọc lên ồ ạt từng ngày chỉ nhằm để đầu cơ, bong bóng bất động sản vùng ngoại thành nhanh chóng vỡ. Nhà đất, biệt thự trở về với giá trị thực của nó. Nhiều khu đô thị vì thế bị bỏ hoang.

10 năm sau khi mở rộng, khi thị trường bất động sản tăng trưởng trở lại, các khu đô thị bị bỏ hoang nhiều năm vẫn là những “khu đô thị ma”: không người sinh sống, không giao dịch mua bán, không hạ tầng.

Kể lại chuyện 3 năm trước, chị Nguyễn Thị Luyến (quê Ninh Bình) vẫn cho rằng mình liều khi thuê lại một căn biệt thự liền kề ở khu vực Thiên Đường Bảo Sơn với giá 12 triệu/tháng. Căn biệt thự 5 tầng, 1 tầng áp mái và 1 tầng hầm mà chị Luyến thuê vẫn trong tình trạng bàn giao thô.

Chị cho rằng mình liều khi dám thuê một căn liền kề giữa hàng chục căn bỏ hoang để kinh doanh. “Ngày đó vợ chồng tôi đến khu này đầu tiên còn hoang vắng chưa ai ở. Nhà mới bàn giao thô, chưa hề có điện, có nước mà phải đi nhờ từng tý một. Tầng một tôi bán cà phê, các tầng trên cho công nhân xây dựng thuê lại, thế mà đã trụ được tới 3 năm”, chị Luyến nói.

Theo chị Luyến, các căn biệt thự trị giá 16-18 tỷ ở đây đa phần đều ở dạng cho thuê lại, rất ít nhà chính chủ sinh sống. “Chủ đầu tư vốn đã bán được ít, số bán được chủ nhà cũng không mặn mà đến ở vì xa trung tâm quá. Họ đa phần cho thuê lại làm quán cơm, quán ăn”, chị Luyến nói.

ha noi 10 nam mo rong anh 22

Khu đô thị mà chị Luyến sinh sống còn may mắn hơn rất nhiều nơi khác ở Hà Nội. Cũng vì lý do chủ đầu tư không bán được nhà, hay chủ nhà chỉ mua đầu cơ mà chê xa không đến ở, khắp các huyện ngoại thành Hà Nội, không khó để tìm thấy những căn biệt thự hàng chục tỷ đồng một thời nằm bỏ hoang cho cỏ dại mọc.

Các “khu đô thị ma” có thể kể đến như Lideco Bắc 32 (38 ha) của Công ty Cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm tại thị trấn Trạm Trôi; khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (140 ha) của Tổng Công ty cổ phần thương mại và xây dựng (Vietracimex); khu đô thị đại học Vân Canh (67 ha) của Công ty cổ phần đầu tư An Lạc; khu đô thị Vườn Cam (50 ha) của Công ty cổ phần đầu tư Vinapol…

Tại huyện Mê Linh, hàng chục dự án lớn nhỏ được vẽ ra nhưng gần như chưa có cái nào hoàn thiện đúng nghĩa.

Riêng tại xã Tiền Phong của huyện Mê Linh (giáp huyện Đông Anh) có tới gần 20 dự án nhà ở, khu đô thị ven theo đường quy hoạch nối Bắc Thăng Long với Vĩnh Yên. Điển hình là các khu đô thị Nam Sơn (60 ha); Phúc Việt (24,3 ha); Minh Giang - Đầm Và (22 ha); Làng hoa Tiền Phong (40 ha); Làng quốc tế Tiền Phong (30 ha)…

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, có nhiều nguyên nhân khiến các khu đô thị bị bỏ hoang như yếu tố thị trường, năng lực của chủ đầu tư… Tuy nhiên, nhiều khu đô thị mọc lên ở ngoại thành quá nhanh so với tốc độ đô thị hóa của vùng nội đô, do đó nhu cầu không theo kịp.

Ngoài ra, yếu tố vị trí xa trung tâm, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ cũng là những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều khu đô thị chưa chuyển mình.

Bài toán rõ lời giải

Mua nhà tại đường Tố Hữu cách đây 3 năm, mỗi ngày phải di chuyển đến cơ quan trong nội đô là một nỗi khổ khó chia sẻ của chị Nguyễn Minh (quận Hà Đông). Khi chị mua nhà, đường Tố Hữu có mật độ phương tiện không cao như hiện tại. Tuy nhiên, với hàng chục tòa nhà cao tầng 2 bên không ngừng mọc lên, trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương dần trở thành ác mộng vào giờ cao điểm.

Trước thời điểm Hà Nội mở rộng, đường Nguyễn Trãi là trục chính nối Hà Đông với nội thành Hà Nội. Sau 10 năm mở rộng, ngoài Nguyễn Trãi chỉ có duy nhất có thêm trục Tố Hữu - Lê Văn Lương. Thậm chí Hà Nội đã rất chú trọng đầu tư giao thông tại 2 trục đường huyết mạch này. Tại Nguyễn Trại có tuyến đường sát Cát Linh - Hà Đông chạy qua; tại Tố Hữu có tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội.

Tuy nhiên, hơn 40 tòa cao ốc nén chặt 2 bên khiến Tố Hữu - Lê Văn Lương lỗi thời nhanh chóng sau vài năm khánh thành. Thêm một con đường mới Nguyễn Xiển - Xa La để kết nối Hà Đông với nội thành nhưng vẫn chưa có mốc thời gian chính xác hoàn thiện.

Thành tích về giao thông là điểm sáng của Hà Nội sau 10 năm. 12.855 ha đất đã và đang được giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển đô thị. 223 km đường được xây mới, hoàn thành 9 cầu vượt nhẹ, 37 hầm bộ hành, 33 cầu đi bộ, 8 hầm chui cơ giới, 68 hầm chui phục vụ dân sinh, 400 tuyến phố nội thành đã được chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng đô thị đạt 98%...

Hà Nội đã có nhiều tuyến đường cao tốc tại các cửa ngõ như Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai và sắp tới sẽ thông xe cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. Đường vành đai 3 đã được khép kín, đường vành đai 2 đang mở rộng và hoàn thiện thêm.

Tuy vậy, hạ tầng giao thông đang phát triển chưa đạt kỳ vọng, từ đó làm chậm đi phần nào quá trình phát triển của đô thị, kéo giãn vùng đô thị lõi. 

Nhiều người cho rằng hạ tầng của Hà Đông còn tốt hơn nhiều những huyện khác của Hà Tây cũ khi muốn kết nối với nội thành Hà Nội. Phía nam, đường 21B và quốc lộ 1 cũ không có gì thay đổi so với 10 năm trước, dù lưu lượng phương tiện đã tăng chóng mặt. Phía tây, việc cải tạo đường 70, xây dựng vành đai 3,5, vành đai 4… diễn ra chậm chạp. Còn tại nội đô, các cửa ngõ thì liên tiếp mọc lên nhà cao tầng án ngữ.

10 năm sau khi mở rộng, thành phố đã làm thêm được 223 km đường, nghĩa là trung bình mỗi năm làm thêm được 22,3 km. Năm 2017, diện tích đất đô thị dành cho giao thông chỉ là 9,2%. Hà Nội phấn đấu trong thời gian tới sẽ đạt 18-20%. Với tốc độ tăng diện tích đất cho giao thông trung bình 0,28%/năm, Hà Nội sẽ mất hàng chục năm để hoàn thành mục tiêu này.

Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng Hà Nội vẫn chậm trong việc hoàn thiện hạ tầng, kết nối nội thành và ngoại thành, các chuỗi đô thị vệ tinh. Việc cấp phép dự án chung cư tại nội đô nhiều làm quá tải hạ tầng giao thông, gia tăng dân số trong nội thành.

Vị này ví von như việc Hà Nội mở rộng nhưng chưa tạo cảm giác “rộng” thêm. Nội đô thị ngày càng chật chội, trái ngược với các khu đô thị vùng ven, đô thị vệ tinh.

Nói về việc kéo giãn dân ra khỏi nội đô, ông Đính nhấn mạnh Hà Nội không chỉ cần chú trọng đầu tư giao thông kết nối thuận tiện mà còn phải đầu tư cả hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, nhà trẻ, trung tâm vui chơi giải trí…

Đồng tình với điều này, ông Tô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng cần có những khu đô thị đồng bộ để đủ sức thu hút dân cư, làm nhiệm vụ giảm bớt áp lực dân số trong khu vực nội đô. Đó là bài toán có lời giải rõ ràng nhưng cần quyết tâm thực hiện của Hà Nội.

ha noi 10 nam mo rong anh 42

Việt Linh - Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm