Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX của tác giả Nguyễn Văn Uẩn, NXB Hà Nội phát hành. Bộ sách là công trình lịch sử - địa chí kiểu bách khoa thư về Hà Nội, cung cấp những kiến thức bổ ích, đa dạng, phong phú và chính xác, dưới các góc độ nghiên cứu về lịch sử, địa lý, chính trị, văn hóa, kiến trúc, làng mạc cổ xưa, địa danh, ngôn ngữ…
Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX đoạt giải B hạng mục Sách Hay tại Giải Sách Quốc Gia 2018.
Được sự đồng ý của đơn vị nắm bản quyền là công ty Nhã Nam, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách.
Sau Cách mạng tháng Tám, Hà Nội trở thành thủ đô nước Việt Nam độc lập. |
Sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền cách mạng mới thành lập đang phải đối phó với nhiều vấn đề phức tạp; an ninh trật tự (phe phái phản động được bọn Tàu Tưởng tiếp tay gây rối); dân sinh (nạn đói đe dọa); ngoại xâm (thực dân Pháp lăm le trở lại). Việc chấn chỉnh tổ chức hành chính của thành phố Hà Nội chưa làm được mấy, mới chỉ sửa đổi một ít cái cũ bất hợp lý là chính.
Thành phố Hà Nội chia làm 5 khu phố nội thành và 120 xã ngoại thành (tháng 11/1945); cuối năm đó, đổi lại chia nội thành làm 17 khu phố để dễ quản lý.
Cuối năm 1946, nhân dân Hà Nội ráo riết chuẩn bị kháng chiến chống thực dân âm mưu áp đặt chế độ cai trị của chúng, cả nước được chia làm 12 khu hành chính kháng chiến, Hà Nội là khu 11. Hà Nội có ba liên khu: Liên khu 1 là khu vực Cửa Đông và bờ sông; Liên khu 2 là khu vực phía nam; Liên khu 3 là khu vực phía tây.
Trong thời gian tạm chiếm (1947-1954), người Pháp chia nội thành làm 12 khu phố và Đại lý Hoàn Long có 5 quận 136 làng. Số dân Hà Nội năm 1948 mới có 15 vạn, năm 1951 đã lên đến 30 vạn.
Từ sau năm 1954. Sau ngày tiếp quản Thủ đô, hòa bình được lập lại, Hà Nội có thêm huyện Gia Lâm. Diện tích thành phố là 15.220 hécta và dân số năm 1960 là 643.576 người (nội thành chiếm 2.795 hécta và 453.090 người của tổng số diện tích và dân số thành phố).
Năm 1957 toàn thành phố có 8 quận: 4 quận nội thành và 4 quận ngoại thành (Gia Lâm là quận 8); năm 1958, lại bỏ 4 quận nội thành thay bằng 12 khu phố; năm 1959 dồn lại chỉ còn 8 khu phố; ngoại thành vẫn còn 4 quận gồm 43 xã.
Hà Nội mở rộng năm 1961
Bản quy hoạch Hà Nội lập năm 1961. Bản trích khu vực Hạ Đình từ bản đồ Hà Nội. Ảnh: kienviet |
Năm 1961, Hà Nội mở rộng. Sau khi Thủ đô được giải phóng, mục tiêu của nhà nước Dân chủ Cộng hòa là Hà Nội nguyên là một thành phố có nền kinh tế thuộc địa, tiêu thụ, phải thành trung tâm chính trị văn hóa của cả nước, một thành phố công nghiệp và một trung tâm kinh tế quan trọng.
Tình hình mở mang của thành phố sau năm năm giải phóng là nội thành đất hẹp thiếu chỗ phát triển, nhiều cơ sở sản xuất và văn hóa phải xây dựng phân tán ra ngoại thành và lan sang đất các tỉnh lân cận. Nhiều khu vực ngoại thành đã trở thành những khu vực công nghiệp và văn hóa có tính chất thành thị hơn là nông thôn (thí dụ khu công nghiệp Thượng Đình, Mai Động, hoặc Đông Anh) và trở thành nhiều thị trấn nhỏ (Văn Điển, Yên Viên).
Hàng năm công trường lấy thêm hàng trăm hécta đất ruộng để xây dựng, làm thu hẹp diện tích canh tác và chăn nuôi. Vậy cần có kế hoạch về lâu dài.
Hai lần mở rộng Hà Nội 1961 và 1979 được mô tả trong sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX. Trong ảnh là bộ sách cùng con của tác giả Nguyễn Văn Uẩn. |
Yêu cầu của việc mở rộng là:
- Cần có đủ diện tích để bố trí những khu công nghiệp, hệ thống giao thông vận tải, hệ thống kho tàng, các cơ quan văn hóa khoa học, các khu triển lãm công nông nghiệp, các hệ thống trường học bệnh viện, v.v. theo quy hoạch.
- Phải có bề mặt đủ rộng để thiết lập hệ thống thoát nước mưa và nước bẩn của thành phố, hệ thống cây xanh để làm thoáng không khí trong thành phố tập trung đông dân.
- Cần có đủ đất đai để di chuyển nhân dân ở những khu cần lấy đất xây dựng.
- Ngoại thành Hà Nội cần có đủ diện tích để tiến tới đảm bảo cung cấp một phần lương thực và thực phẩm cho thành phố.
- Xung quanh nội thành sẽ có một số thị trấn tránh tập trung vào nội thành quá đông.
Đó là bước đầu của chương trình quy hoạch một thành phố hiện đại. Khu vực được sáp nhập vào nội thành Hà Nội gồm 18 xã, 6 thôn và 1 thị trấn thuộc tỉnh Hà Đông; 29 xã và 1 thị trấn thuộc tỉnh Bắc Ninh; 17 xã và một nửa thôn của tỉnh Vĩnh Phúc; 1 xã thuộc tỉnh Hưng Yên.
Khu vực dự kiến mở rộng là 28.116 hécta với số dân 259.178 người (số liệu điều tra năm 1960). Như vậy thành phố Hà Nội sẽ có diện tích là 46.118 hécta với dân số là 902.754 nhân khẩu.
Khu Cao Xà Lá hoàn thành năm 1960, với hàng nghìn công nhân làm việc. Phía sau nhà máy là các cánh đồng Hạ Đình, Tân Triều, Kim Giang, với các em nhỏ phụ cha mẹ làm việc. Ảnh: kienviet |
Địa giới Hà Nội năm 1961, phía bắc ranh giới sông Cà Lồ; phía nam xuống quá ga Văn Điển đến xã Đại Hưng - Ngũ Hiệp; phía tây từ trên ngã tư Nhổn đến giáp Lai Xá; phía tây nam sát với tỉnh lỵ Hà Đông; phía đông xuôi theo đường giữa ga Phú Thụy và Như Quỳnh (xã Đức Thắng); và phía đông bắc giáp đến xã Đình Bảng của Bắc Ninh.
Chương trình mở rộng thành phố Hà Nội năm 1960 có đặt kế hoạch một trung tâm thành phố mới đã chọn Xuân Hòa để thực hiện ý đồ đó. Xuân Hòa là một địa điểm ở chân núi Thằn Lằn dãy Tam Đảo, một vùng đất đồi cao. Nhà nước đã bỏ nhiều tiền ra để xây dựng những ngôi nhà cao tầng và đã làm một đại lộ chạy qua thị trấn, con đường khá khang trang.
Việc chọn Xuân Hòa nhằm một mục tiêu nhiều tham vọng: địa chất vùng này là nền đất phù sa cổ có đủ độ bền chắc để chịu đựng những công trình xây dựng to lớn so với đất đồng bằng sông Hồng điều kiện không tốt bằng. Hơn nữa xây dựng một thành phố mới sẽ phát triển rộng trên vùng vốn là đất đá ong vẫn bỏ hoang sẽ không phí đất trồng trọt, Việt Nam dân đông chen chúc ở đồng bằng, đất canh tác bình quân rất thấp.
Kế hoạch xây dựng Xuân Hòa đã bị thất bại, thành phố còn đang xây dựng dở dang thì đình chỉ rồi không tiếp tục nữa. Lý do một phần là vì tình hình chiến tranh chống Mỹ những năm sáu mươi, nhà nước không đủ kinh phí làm tiếp, một phần là ta thấy bộc lộ những nhược điểm của sự lựa chọn trên, quá chú trọng về phương diện địa chất mà nhẹ về mặt lợi ích kinh tế.
Việc xây dựng nhà cửa khá đồ sộ vậy mà không một cơ quan trung ương nào chịu dọn lên ở, với lý do điều kiện sinh hoạt vật chất quá thiếu thốn, ngay vấn đề nước dùng cũng chưa giải quyết, nguồn nước dùng duy nhất là nước hồ Đại Lải. Đã xây dựng tốn kém chẳng lẽ lại để không, sau có mấy trường đại học sư phạm và xây dựng bắt buộc phải di lên đó, thày trò sống rất cực khổ. Đường giao thông chưa có mấy lại chóng hỏng, phương tiện xe cộ thiếu; việc cung cấp lương thực thực phẩm thành nan giải, nhất là chung quanh thị trấn không có vành đai rau xanh để cung cấp; sinh hoạt văn hóa nghèo nàn.
Hà Nội mở rộng về phía tây năm 1979
Năm 1979, lại có phương án mở rộng Hà Nội về phía tây, địa giới thành phố ra đến tận bờ sông Đà và sông Hồng phía thượng lưu Việt Trì; thành phố gồm cả vùng đồng bằng Hà Đông, vùng bán sơn địa Sơn Tây và vùng núi Ba Vì.
Quốc hội đã thông qua và năm 1980 Hà Nội gồm 4 quận nội thành, 11 huyện ngoại thành, 2 thị xã (Sơn Tây, Hà Đông), 5 thị trấn (sau đặt thêm 6 thị trấn mới nữa thành 11 thị trấn). Diện tích Hà Nội mới là 2.122,8 kilômét vuông với số dân là 2.556.991 người.
Ảnh minh họa: tàu điện trên phố Hà Nội những năm 1970. |
Như vậy địa giới Hà Nội [...] như sau: phía bắc giáp tỉnh Bắc Thái (có sông Công làm phân giới), phía tây giáp tỉnh Vĩnh Phú, phía đông giáp tỉnh Hà Bắc (có sông Cầu làm phân giới) và tỉnh Hải Hưng (có đoạn sông Hồng làm phân giới). Đỉnh cao nhất ở phía bắc là vĩ tuyến 21025’B (sông Công) và chỗ xa nhất ở phía nam là vĩ tuyến 20056’B (xã Nhị Châu - Thanh Trì), dài 54 cây số theo đường chim bay; phía cực tây là kinh tuyến 105017’Đ (sông Đà) và cực đông là kinh tuyến 105001’Đ (xã Toàn Thắng trên bờ sông Đuống), dài 78 cây số theo đường chim bay.
Việc mở rộng Hà Nội năm 1979 là để đáp ứng với yêu cầu xây dựng một thủ đô của nước Việt Nam đã được thống nhất hai miền Nam Bắc, một thủ đô dự kiến có trên 2 triệu dân.
Và theo đường lối phân cấp tự quản, tự lo liệu lấy những vấn đề kinh tế và xã hội, Hà Nội phải có đủ khả năng điều động nhân lực cho những công tác lớn, nhất là đảm bảo vùng lúa, vùng rau xanh, chăn nuôi, tự cấp những nguyên liệu cho công nghiệp thủ đô (thuốc lá, mía...) tức là Hà Nội phải có một nền kinh tế đa dạng.