Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nông sản Việt 'rớt từ vòng gửi xe' khi tìm đường xuất khẩu

Bà Vũ Kim Hạnh cho biết vì thiếu tiêu chuẩn mà nhiều nông sản trong nước có chất lượng tốt nhưng vẫn phải chịu cảnh “rớt từ vòng gửi xe” khi tìm đường vào thị trường các nước.

Tại diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu dùng nông sản thực phẩm Việt chất lượng cao”, nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhận định bài toán để nông sản đi vào thị trường các nước hiện gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, tiêu chuẩn về chất lượng nông sản mà các thị trường này đặt ra ngày một cao. Để có mặt trên gian hàng và đến tay người tiêu dùng nước ngoài, nông sản Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia của họ về an toàn và chất lượng.

“Nếu chỉ mang một sản phẩm tốt nhưng không có bất kỳ tiêu chuẩn nào được chứng nhận thì chắc chắn sẽ rớt từ vòng gửi xe. Hiện trong bối cảnh hội nhập, vai trò của luật lệ quốc tế rất quan trọng đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi để đáp ứng được”, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết.

Nong san Viet ‘rot tu vong gui xe’ khi xuat khau sang cac nuoc anh 1
Theo các chuyên gia, nhiều nông sản Việt vẫn chưa tiếp cận được các thị trường khó tính vì chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Phúc Minh.

Tuy nhiên, bà Hạnh cũng cho biết thêm để đạt được các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP hiện không phải dễ, cả về các tiêu chí khắt khe lẫn thời gian để được công nhận.

Bà nói các doanh nghiệp trong nước không thể chờ được vài năm mới được cấp chứng nhận. Vì vậy, đơn vị này đã phối hợp với GlobalGAP đề xuất xây dựng tiêu chuẩn LocalGAP làm bước đệm cho các nhà sản xuất nông sản Việt Nam đi vào thị trường quốc tế. Với hình thức này, thông tin minh bạch về sản phẩm lẫn mã số sẽ có trên website của GlobalGAP.

Ngoài việc tìm đường cho nông sản xuất khẩu đi các nước, theo các chuyên gia, ngay tại Việt Nam, ước tính giá trị thị trường của nhóm hàng thực phẩm tươi sống cũng đã rất khủng, rơi vào khoảng 27 tỷ USD mỗi năm.

Miếng bánh hấp dẫn này tưởng chừng đang thuộc về các doanh nghiệp trong nước nhưng hiện các tay chơi ngoại đang làm rất tốt để giành giật thị phần.

“Doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam, họ tìm hiểu rất nhiều. Trong nước có bao nhiêu hệ thống cửa hàng, bao nhiêu kênh phân phối, các kênh này có thể phân phối đến được những đâu, thị hiếu của người dùng hiện tại và tương lai là gì, họ nghiên cứu rất kỹ để bán được hàng”, Giám đốc thương mại Kantar Worldpanel Việt Nam Nguyễn Huy Hoàn nói.

Ông Hoàng cũng cho biết thêm trong tương lai, các kênh mua sắm hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị, siêu thị mini… sẽ phát triển ở Việt Nam và đây sẽ là kênh phân phối nhóm thực phẩm tươi sống mà doanh nghiệp đang nhắm tới.

“Bất kỳ doanh nghiệp nào nhảy vào thị trường này cũng đón đầu thói quen mua sắm ở các kênh hiện đại của người tiêu dùng thay vì chợ truyền thống. Hiện kênh truyền thống chiếm tỷ lệ nhiều hơn với 85% khách hàng vẫn chọn mua nhưng sẽ thay đổi thời gian tới. Các doanh nghiệp trong nước không nên nhường sân chơi cho doanh nghiệp nước ngoài”, Giám đốc Thương mại Kantar dự báo.

Vì vậy, theo các chuyên gia, những đơn vị cung ứng rau củ quả, thực phẩm tươi sống có thể nâng cao chất lượng nông sản để đưa vào các chuỗi cung ứng này ngay trong nước.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Chế biến và phát triển thị trường nông sản, cho biết năm nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản đạt khoảng 40 tỷ USD, tăng gần 4 tỷ USD so với năm ngoái dù chịu nhiều thách thức về biến đổi khí hậu.

“Năm nay, nền kinh tế trong nước lẫn lĩnh vực nông nghiệp đã hội nhập rất sâu vào thị trường thế giới với 14 ký kết về thương mại tự do. Làn sóng hội nhập đã chạm ngõ rất gần với các doanh nghiệp trong nước, vì vậy cần phải chủ động về thị trường để thích nghi”, ông Toản nói.

Bưởi da xanh, cam sành giá rẻ đồng loạt 'xuống đường' ở Sài Gòn

Từ loại trái cây cao cấp, hiện bưởi da xanh “giá nào cũng có” được rao khắp các chợ ở TP.HCM. Người bán cho biết bưởi trong nước đang vào vụ nên giá rẻ bèo.



Phúc Minh

Bạn có thể quan tâm