Chiều 3/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức hội nghị “Thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động dịch bệnh corona”.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định bệnh viêm phổi cấp do biến chủng virus corona vô cùng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người dân và nền kinh tế toàn cầu. Điều đáng lo ngại là dịch bệnh chưa có vắc xin, thuốc đặc trị.
“Yếu tố thời tiết khiến dịch bệnh corona ngày càng nguy hiểm. Mưa phùn, lạnh giá ở miền Bắc cực kỳ phù hợp với loại bệnh này. Điều đó dự báo một tương lai ảm đạm cho phát triển kinh tế toàn cầu”, Bộ trưởng Cường nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn Hưng. |
Bộ NN&PTNT dự đoán diễn biến phức tạp, khó lường của dịch viêm phổi cấp sẽ tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản của Việt Nam và Trung Quốc. Tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do hạn chế giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam.
“Trong và sau Tết Nguyên đán, thanh long, dưa hấu chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, tính đến tối 2/2, có khoảng 175 xe thanh long loại 20 tấn/xe tại Lạng Sơn”, Bộ NN&PTNT cho biết.
Đối với các sản phẩm từ chăn nuôi, việc xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ. Nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng thông báo tới các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam tạm dừng giao hàng đến hết ngày 9/2 hoặc đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc tạm dừng đường bay, khó khăn trong giao thông giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ gây cản trở hoạt động giao dịch, trao đổi, làm việc giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý hai bên trong lĩnh vực thương mại nông sản.
“Nông nghiệp là ngành tổn hại nặng nhất bởi dịch virus corona”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Hầu hết sản phẩm trái cây Việt Nam xuất khẩu là sản phẩm tươi, chưa qua chế biến. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Theo ông Cường, cần nhận dạng kỹ tác động của virus corona, nhất là Trung Quốc đối với nông nghiệp của Việt Nam, với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt nhưng vẫn phải bình tĩnh.
"Chúng ta cần biến thách thức thành thời cơ, chẳng hạn một cái chợ cũ bị cháy thì cần xây mới chứ không phải ngồi đó mà khóc. Tuy nhiên, chúng ta không phải chờ rủi ro mới bàn cách, mà cần phải nghĩ xa hơn và quan trọng là nắm bắt xu hướng bên kia (Trung Quốc) để đối phó", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ NN&PTNT cho rằng sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý đến 9/2, nếu dịch viêm phổi cấp nCoV không được kiểm soát hiệu quả, lây lan trên diện rộng, không loại trừ Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục hạn chế, thắt chặt đi lại, di chuyển của người dân giữa các địa phương của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, kéo dài việc hạn chế hoạt động của các điểm giao dịch, chợ đầu mối, trung tâm phân phối hàng hóa nông sản tại nhiều địa phương của Trung Quốc nhằm tránh để tập trung đông người tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan; kéo dài việc đóng cửa giao dịch mua bán tại các cặp chợ thuộc địa bàn giáp biên.
Bộ NN&PTNT cho biết sẽ triển khai thực hiện việc phòng, chống dịch dịch viêm phổi cấp, tiếp tục cập nhật, bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ để triển khai có hiệu quả công tác phòng chống dịch viêm phổi cấp.
Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y phối hợp các lực lượng chức năng tại biên giới tăng cường công tác kiểm dịch động thực vật, phòng chống H5N1, cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam…
Nếu dịch bùng phát nhiều tháng, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, đơn vị ngành Công Thương các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản.
Ngoài ra, tập trung chỉ đạo phối hợp với các địa phương, nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương.