Và kết quả sau ba năm, rượu từ thanh long đã được thị trường đón nhận. Nằm sát ruộng thanh long, công ty TNHH một thành viên sản xuất rượu Thanh Long của anh Trọng khiến bất kỳ khách tham quan nào cũng cảm thấy lạ mắt, bởi hàng trăm bồn inox sáng bóng và thiết bị như máy cắt, sấy, máy nấu, máy ly tâm... dùng để chế biến rượu.
Để có được thành quả ngày hôm nay, ngoài số tiền đầu tư hơn 2 tỷ đồng, từ lúc manh nha ý tưởng năm 2011 đến khi bắt tay vào xây dựng và khai trương nhà máy giữa năm 2013, anh Trọng đã trải qua hàng trăm lần thất bại. “Hầu như tuần nào cũng làm rượu, mỗi lần làm tự sáng tạo nên mỗi cách làm, công thức làm khác nhau nhưng đều cho kết quả như nhau là không ra được giọt rượu nào, số lần thất bại tôi không đếm xuể”, anh Trọng kể lại.
Thời gian mò mẫm tự sản xuất rượu thanh long hơn một năm nhưng anh không thành công. Trong lúc tuyệt vọng thì giữa năm 2012, thông qua sự giúp đỡ của chuyên gia, anh đã có được những mẻ rượu thành công. “Dụng cụ làm rượu phải chở qua Tiền Giang để cùng hợp tác nghiên cứu. Sau gần một năm nghiên cứu với hàng trăm lần đi lại giữa Long An và Tiền Giang, xác suất thành công của những mẻ rượu đạt trên 90% và rượu có thể để lâu dài mà không bị hư”, anh Trọng khẳng định.
Rượu trong các bồn inox là mẻ rượu đầu tiên được anh Trọng dự định cho ra thị trường vào cuối năm nay. |
Sau những mẻ rượu thí nghiệm thành công, anh Trọng mạnh dạn đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng mua các thiết bị máy móc về sản xuất, hiện anh có gần 100 bồn đang dùng sản xuất rượu, với mỗi bồn sau hơn một năm sản xuất có thể cho ra hơn 90 lít rượu. “Trái thanh long dùng để chế biến không được nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, nếu không sẽ không thành rượu”, anh Trọng đúc kết kinh nghiệm.
Ngoài ra theo anh Trọng, lượng đường, nhiệt độ, men, thời gian ủ rượu là những yếu tố tiên quyết mà phải thử rất nhiều lần mới cho ra được công thức đúng. Sau hơn ba năm quyết định dấn thân vào nghiệp làm rượu và chưa thu hồi đồng nào từ việc bán rượu, anh Trọng cho biết tín hiệu thị trường rất tốt.
“Cuối năm nay, mẻ rượu đầu tiên của tôi sẽ cho ra thị trường với gần 8.000 lít, nhưng nhiều khách hàng trong nước sau khi dùng thử rượu đã tìm đến đặt mua với nhu cầu khoảng 30.000 lít, có khách tại Quảng Ninh liên hệ xin làm đại lý nhưng hiện tôi chưa dám nhận đơn hàng nào”, anh Trọng nói.
Bên cạnh đó, anh Trọng cho biết hiện Úc cũng đặt vấn đề được nhập rượu thanh long của anh. Thị trường các nước Trung Đông cần đến hơn 1 triệu lít/năm nhưng yêu cầu hạ độ cồn về khoảng 5-6 độ nên anh chưa thể ký kết. Dù nhu cầu thị trường đang rất lớn nhưng anh Trọng cho biết không thể nâng cao năng suất do sản xuất riêng lẻ phải đầu tư với chi phí cao.
“Tôi chỉ bán giá cạnh tranh ở mức 80.000 đồng/chai nửa lít, trong khi đó 5kg thanh long mới cho ra được 1 lít rượu, và phải chờ đến hơn một năm sản xuất rượu mới xem là đạt chuẩn. Chưa kể giá nút chai tôi sản xuất nhỏ phải mua 4.000 đồng, vỏ chai cả mười mấy nghìn, nên lợi nhuận không đáng kể”, anh Trọng than.
Cũng do thiếu vốn nên dù công suất thiết kế lên đến 40.000 lít/năm, tương đương lượng thanh long nguyên liệu tiêu thụ khoảng 200 tấn, nhưng anh chỉ sản xuất được chưa tới 10.000 lít/năm.
Không chỉ ăn tươi
Theo TS Võ Mai - phó chủ tịch Hội Làm vườn VN, hiện Malaysia có diện tích thanh long chỉ vài trăm ha nhưng đã có bốn loại sản phẩm rượu, nước ép, mứt và sấy, trong khi chúng ta có diện tích thanh long nhiều hơn nhưng chỉ dùng ăn tươi là điều đáng tiếc.
“Hiện nay, ngoài trái thanh long chế biến hàng chục loại sản phẩm thì hạt thanh long được dùng để chiết xuất ra thuốc chống ung thư và vỏ thanh long được dùng trong mỹ phẩm, tiềm năng từ trái thanh long là rất lớn nhưng chẳng mấy ai chịu đầu tư chế biến là điều đáng tiếc”, bà Mai nói.