Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Võ Hồng Ngoãn, người được mệnh danh là vua nuôi tôm ở ĐBSCL, ngụ tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu nói: “Bây giờ nông dân nuôi tôm “treo ao” nhiều lắm”.
Theo ông Ngoãn, giá tôm nguyên liệu xuống thấp, dịch bệnh bùng phát khiến việc nuôi tôm của nông dân không có lãi, do đó họ đã quyết định “treo ao”, vì nếu đầu tư tiếp sẽ chịu rủi ro rất lớn.
Cụ thể, theo ông Ngoãn, hiện tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá chỉ 80.000-85.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất nguyên liệu hiện cũng đã xấp xỉ 80.000 đồng/kg. “Với lợi nhuận quá ít, chỉ khoảng 5.000 đồng/kg như vậy là quá rủi ro để nông dân tái đầu tư nuôi tiếp”, ông nói.
Giá nguyên liệu xuống thấp, dịch bệnh bùng phát đã khiến nông dân nuôi tôm tiếp tục “treo ao”. Trong ảnh là ao nuôi đang bỏ trống của một hộ nuôi ở huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang. |
Thực tế, báo cáo sơ bộ của các địa phương nuôi tôm ĐBSCL, cho thấy tính đến hết tháng 7/2015, toàn vùng có đến khoảng 21.000 ha diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại, bị “treo ao”.
Còn theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 8/2015, cả nước xuống giống được 640.000 ha tôm, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 577.000 ha diện tích nuôi tôm sú và 63.000 ha nuôi tôm thẻ chân trắng.
Theo lý giải của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu khó khăn, giá tôm nguyên liệu xuống thấp, thiệt hại do dịch bệnh là nguyên nhân dẫn đến diện tích xuống giống của nông dân giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Cafatex (Hậu Giang), cho biết, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm 2015 sẽ giảm từ 700 triệu đến 1 tỷ đôla Mỹ so với con số khoảng 3,9 tỷ đôla Mỹ của năm ngoái.
Còn báo cáo mới nhất của Hiệp hội xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho thấy, tính đến ngày 15/7/2015, kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước chỉ mới đạt hơn 1,4 tỷ đôla Mỹ, tức vẫn còn thấp hơn so với cả năm 2014 đến 2,5 tỷ đôla Mỹ.