Ông Bùi Duy Bình, Tổ trưởng tổ dân phố Tân Tiến, cho biết trên địa bàn có 170 hộ chuyên trồng rau với diện tích khoảng 30 ha. Tuy nhiên, từ Tết Nguyên đán đến nay, các hộ dân phải nhổ rau cho gia cầm ăn hoặc phá bỏ làm phân bón vì không ai mua.
“Gần 1 tháng qua, người dân trên địa bàn đã phá bỏ khoảng 400 tấn rau, củ các loại vì không có đầu ra. Hiện, các loại rau củ đều ở mức giá rất thấp, có loại chỉ 1.000 đồng/kg nhưng cũng chẳng ai mua”, ông Bình nói.
Người dân nhổ cải cuốn chất xung quanh cây trồng để làm phân bón. Ảnh: T.N. |
Bà Nguyễn Thị Phụ (ngụ tổ dân phố Tân Tiến), cho biết 20 năm trồng rau giờ bà mới thấy giá rau thấp như hiện nay. Nhiều loại giá thấp chỉ 1.000 - 2.000 đồng nhưng vẫn không bán được. Nhiều loại rau không có người mua phải nhổ mang cho gà vịt ăn và ủ làm phân bón.
Tương tự, ông Lê Văn Khang cho biết đến nay gia đình đã phải bỏ khoảng 4 tấn rau các loại. Riêng vườn cà chua hơn 1.800 m2 của gia đình đang chín bói, ông phải cắt đem ra chợ bán lẻ với giá 1.000 đồng/kg vì không có thương lái đến.
Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar, cho biết khu vực tổ dân phố Tân Tiến thị trấn Êa Pốk là vựa rau trọng điểm của địa phương. Những năm trước người dân khu vực này khá giả nhờ trồng rau.
Người dân phải nhổ bỏ bắp cải bắp vì không có người mua. Ảnh: T.N. |
Tuy nhiên, thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và việc cung vượt cầu dẫn đến tình trạng rau rẻ không có người mua.
Theo ông Mười việc này là do đợt lũ cuối năm ngoái, rau không trồng được nên đẩy giá lên cao. Từ đó, người dân ồ ạt trồng rau dẫn đến việc cung vượt cầu. “Đây là tình hình chung, chứ không phải là được mùa mất giá. Địa phương đã có những khuyến cáo đối với người dân”, ông Mười nói.