Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nông dân giàu có' là mục tiêu 5 năm tới

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặt mục tiêu nền nông nghiệp 5 năm tới sẽ phát triển theo hướng thông minh, bền vững và giúp nông dân giàu có, nông thôn văn minh.

Phát biểu tham luận ở phiên thảo luận chiều 27/1 tại Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã nêu những định hướng quan trọng của ngành trong 5 năm tới.

Theo tầm nhìn của Bộ trưởng Cường, nông nghiệp Việt Nam trong tương lai sẽ thông minh, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, ứng dụng triệt để khoa học công nghệ và hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế

Nói về năm 2020, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh nông nghiệp, nông thôn cũng không nằm ngoài các thách thức, khó khăn chung, thậm chí còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định; biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và nhất là đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, khi kinh tế - xã hội khó khăn do tác động của đại dịch, nông nghiệp đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Thặng dư xuất khẩu cao mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - chính trị - xã hội.

Dai hoi XIII cua Dang,  tham luan nganh nong nghiep anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dự báo nông nghiệp sẽ gặp nhiều thách thức trong 5 năm tới. Ảnh: Dangcongsan.vn.

Trong đó, 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của ngành giai đoạn 2016-2020 đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 190,5 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt 41,25 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%. Thu nhập của cư dân nông thôn năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người.

Đến nay, nông sản Việt đã đến trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU. Việt Nam vào nhóm thứ nhất Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông lâm thủy sản.

"Qua đó, khẳng định nông sản Việt đã bước lên một tầm cao mới và khẳng định tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh mẽ trong quá trình hội nhập quốc tế", tư lệnh ngành nông nghiệp nhìn nhận. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, vươn lên trở thành ngành kinh tế năng động, phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới.

Nông thôn văn minh, nông dân giàu có

Đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII trong 5 năm tới, Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng có không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Đại dịch Covid-19 còn khó kiểm soát, gây ra khủng hoảng kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn nhỏ lẻ, phân tán, giảm khả năng cạnh tranh, khó khăn trong kiểm soát về chất lượng, quy trình, giá thành. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tổn thương lớn nhất của biến đổi khí hậu. Trong đó những vùng trọng yếu về nông nghiệp như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, vùng ven biển.

Về định hướng cụ thể trong 5 năm tới, Bộ trưởng Cường cho hay ngành tiếp tục phát triển bền vững theo 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Mục tiêu tổng quát là: "Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có".

Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,5 - 3,0%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 48-50 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định nông nghiệp vẫn là thế mạnh và sẽ tiếp tục tạo sinh kế bền vững, việc làm, thu nhập cho người dân và số đông lao động. Đây sẽ là trụ cột đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống và góp phần ổn định kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp xin lỗi vì sự cố đứt gãy kênh 4.300 tỷ

Trực tiếp đi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp gửi lời xin lỗi đến lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và người dân địa phương vì sự cố đứt gãy kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm