Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuẩn bị kịch bản nhu cầu lương thực tăng cao khi dịch bùng phát

Bộ Nông nghiệp đề nghị các địa phương tiếp tục giữ đà tăng trưởng sản xuất, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời điểm dịch bệnh và sau đó.

Chiều 12/3, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19”. Hội nghị tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp ở trên thế giới và cả Việt Nam, đặt ra những thách thức lớn cho ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho biết ngành nông nghiệp đang gặp phải thách thức lớn đến từ khí hậu, dịch bệnh. Cụ thể, tác động biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL, ảnh hưởng tới trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.

Dịch tả lợn châu Phi tuy có giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên gây khó khăn cho công tác tái đàn. Cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát tại Việt Nam khi tổng đàn gia cầm hiện nay đang rất lớn. Thị trường nhiều mặt hàng nông sản vẫn có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn.

Sự bùng phát của dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới.

nhu cau luong thuc tang cao khi dich benh anh 1

Bộ Nông nghiệp cho biết cần chuẩn bị kịch bản nhu cầu lương thực tăng cao do người dân có tâm lý tích trữ khi dịch bệnh bùng phát. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Hiện, các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm mạnh trong quý I/2020. Bloomberg dự báo ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên nền kinh tế toàn cầu gây tổn thất khoảng 160 tỷ USD.

Ngoài ra, thẻ vàng xuất khẩu thủy sản khai thác biển do Ủy ban châu Âu đưa ra chưa được gỡ bỏ. Dịch bệnh Covid-19 hiện ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản hàng hóa của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Cường, ngành nông nghiệp có đặc thù ở chỗ phải đảm bảo lương thực, thực phẩm phục vụ cho người dân ở bất kỳ thời điểm nào. Trong mọi điều kiện dù bệnh dịch hay không, đó vẫn là nhu cầu thiết yếu của con người.

"Nếu không bình tĩnh, không cố gắng, không tổng lực thì vấn đề lương thực thực phẩm thực sự là vấn đề lớn. Nhiệm vụ lớn nhất của đơn vị hiện tại là giảm thiểu tối đa thiệt hại từ những thách thức đó", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định.

nhu cau luong thuc tang cao khi dich benh anh 2

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: M.H.

Ông cũng cho rằng không chỉ cần phương án thúc đẩy sản xuất để đáp ứng trong thời điểm dịch bệnh mà sau dịch bệnh, nhu cầu sẽ bùng nổ. Do đó, nếu không chuẩn bị trước thì sau dịch bệnh sẽ là thời điểm khó khăn.

Trước các tình hình đó, Bộ NN&PTNT đưa ra dự báo về mức tăng trưởng ngành nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới với các con số cụ thể.

Về diện tích lúa, đơn vị ước tính đạt 7,3 triệu ha/năm, năng suất bình quân ước đạt 59,3 tạ/ha và sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn, giảm khoảng 70.000 tấn so với năm 2019.

Về rau màu, sản lượng dự kiến đạt 18,2 triệu tấn trên 980.000 ha. Với lượng tiêu thụ trong nước khoảng 14 triệu tấn thì mặt hàng này vẫn dư khoảng 4,2 triệu tấn để xuất khẩu. Ngoài ra, sản lượng trái cây còn có thể tăng 0,8 triệu tấn so với năm 2019.

Để đạt được các mục tiêu thúc đẩy này, Bộ Nông nghiệp đặt ra một số giải pháp trước mắt như chỉ đạo cơ quan chuyên môn, địa phương có những điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa. Cơ quan chuyên môn cũng cần rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến.

Bộ yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai các đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc, ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch Covid-19 và công bố mở cửa lại bình thường.

"Các đơn vị cần chuẩn bị sẵn cả phương án, kịch bản nhu cầu nông sản, thủy sản của nhiều địa phương có dịch Covid-19 tăng cao sau khi hết dịch", Bộ trưởng Nông nghiệp đề nghị.

Đặc biệt, Bộ yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất. Phương án này bao gồm chuẩn bị kịch bản trong bối cảnh nhiều địa phương công bố dịch Covid-19 sẽ dẫn đến nhu cầu cao và số lượng lương thực thực phẩm, do tâm lý và nhu cầu tích trữ phòng dịch của người dân.

'Không nên hoang mang, kỳ thị người sống trong khu cách ly'

Nhiều người dân tỏ ra lo lắng khi trong nơi mình sinh sống có trường hợp phải cách ly tại nhà. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm từ các trường hợp này ra khu vực xung quanh là rất thấp.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm