Khu dân cư của chị Minh Phương nhiều ngày nay trở nên ồn ào, khi chị nhận được quyết định của Trạm y tế phường yêu cầu phải tiến hành cách ly tại nhà.
Trước đó, đồng nghiệp của chị từng tiếp xúc với một ca nhiễm Covid-19 và chị từng trò chuyện với đồng nghiệp này. Theo thuật ngữ, đồng nghiệp của chị Phương là trường hợp F1, chị Phương thuộc F2 và phải khai báo y tế, nhận quyết định cách ly tại nhà của UBND phường.
Mặc dù chị không có biểu hiện lâm sàng về sức khỏe và đã khai báo đầy đủ, tự cách ly, chị vẫn nghe được những người hàng xóm bàn tán về mình ngay cả khi đang ngồi trong nhà. Nhiều người cho rằng việc sống gần nhà chị không còn an toàn.
Tương tự, nhiều người dân cũng đang có sự lo lắng và hoang mang khi trong khu vực sinh sống có các trường hợp F2, F3 phải cách ly tại nhà. Liệu sự lo lắng này có cần thiết?
Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết những trường hợp F1, F2, F3 có nguy cơ nhiễm bệnh như nhau và đều được khuyến cáo nên báo cho cơ sở y tế gần nhất để được thực hiện cách ly. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F2, F3 có thể chủ động cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà.
Việc tự cách ly của các trường hợp này được giám sát bởi y tế cơ sở để đảm bảo người tự cách ly không rời khỏi nơi cư trú. Mỗi ngày, nhân viên y tế sẽ đến đo sức khỏe 2 lần. Người dân sống trong khu vực bắt buộc phải hạn chế tiếp xúc với những người đang cách ly.
“Tuy nhiên, ngay cả khi nhiễm bệnh, những người này cũng không có nguy cơ lây nhiễm ra môi trường xung quanh nếu không có sự tiếp xúc gần. Do đó, người dân không cần lo lắng khi sống trong khu vực có các trường hợp F2, F3 đang tự cách ly”, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định.
Chuyên gia cho biết người dân không nên lo lắng khi sống trong khu vực có các trường hợp F2, F3 phải cách ly tại nhà. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Vị chuyên gia cũng hiểu rõ tâm lý chung của mọi người khi đứng trước tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, ông cho rằng người dân không nên hoang mang, lo lắng gây ra tâm lý kỳ thị.
Theo ông, nếu khu vực lưu trú có trường hợp phải cách ly tại nhà, mọi người nên giữ thái độ bình tĩnh, chủ động phòng tránh dịch bệnh bằng các biện pháp cụ thể như sát khuẩn, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng,…
"Thay vì hoang mang, lo lắng không cần thiết, người dân hãy chủ động bảo vệ sức khỏe cho mình. Đó là biện pháp tốt nhất để phòng dịch", ông Phu khẳng định.
Giải thích thêm về các thuật ngữ, chuyên gia cho biết các trường hợp nhiễm Covid-19 được coi là F0, những người tiếp xúc gần với F0 là F1, tiếp xúc gần với F1 là F2, tiếp xúc gần với F2 là F3 và các trường hợp tiếp xúc gần khác (F4, F5,...).
Như vậy, chỉ khi đã tiếp xúc gần (trò chuyện, ăn uống chung,...) với những trường hợp F0, F1, F2, người dân mới cần lo ngại và phải báo ngay với cơ sở y tế gần nhất. Còn lại, việc cách ly tại nhà và cách ly tập trung hiện đều đảm bảo an toàn cho những khu vực xung quanh.
Hiện, Hà Nội cũng đã quyết định nâng một bậc cách ly. Tức là, người trong diện cách ly tại nhà vẫn đưa đi cách ly tập trung, người cần giám sát theo dõi y tế thì tiến hành cách ly tại nhà, người tiếp xúc gần với bệnh nhân phải cách ly tại bệnh viện và lấy mẫu xét nghiệm như một ca nhiễm Covid-19.
Các trường hợp F4, F5 cách ly tại nhà 14 ngày và kiểm tra thân nhiệt 2 lần/ngày.
Bộ Y tế cũng có hướng dẫn chi tiết cho việc cách ly tại nhà của những trường hợp này. Theo đó, người được cách ly tốt nhất ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng, giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 m.
Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc, vật dụng trong phòng. Người cách ly hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú.
(*) Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.