Dậy từ 4h sáng, làm đến tối mịt, bù lại, một hộ nông dân ở Đông Hải, Quỳnh Phụ, Thái Bình thoát cảnh nghèo, có thu nhập 30 - 40 triệu/tháng từ nghề làm bánh đa.
|
Gắn bó với nghề làm bánh đa hơn 40 năm nay, gia đình ông Hoàng Phó Hệ, bà Bùi Thị Thuyên (Đông Hải, Quỳnh Phụ, Thái Bình) thoát cảnh "bán mặt cho đất bán lưng cho trời". Ông cho biết, nông dân chỉ bám vào đồng ruộng thì không đủ ăn, chưa nói đến giàu. "May có cái nghề ông bà để lại cho cũng đủ trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học", ông Hệ chia sẻ.
|
|
Mỗi ngày 2 vợ chồng xay 2 tạ gạo, cho ra 1,9 tạ bánh đa khô. Theo tính toán của ông, nếu bánh bán với giá hiện tại là 16.000 - 18.000 đồng/kg, trừ chi phí nguyên liệu, nhân công, 2 vợ chồng cũng tiết kiệm được 1 triệu đồng/ngày.
|
|
Do mở rộng quy mô sản sản xuất bánh đa, ông Hệ phải thuê thêm 3 nhân công làm trong dây chuyền. Mỗi nhân công được trả tiền theo ngày công, với giá 110.000 đồng/công.
|
|
Ông Hệ kể, 2 vợ chồng đã gắn bó với nghề từ ngày người dân còn tráng bánh bằng nồi, đun bếp củi. Cả ngày làm cật lực từ nửa đêm đến chiều muộn, số bánh thu về mới được khoảng 1 tạ. Năm 2001, hợp tác xã giới thiệu đến người trong thôn máy làm bánh theo dây chuyền bán tự động. Các hộ gia đình chỉ cần bỏ vốn khoảng 40 triệu, nhưng bù lại sẽ tiết kiệm được nhiều công sức do tiến trình đẩy nhanh hơn so với làm thủ công.
|
|
Nghề làm bánh đa giúp thoát nghèo, song công việc khá vất vả. Thường ngày, 2 vợ chồng bà Thuyên phải dậy từ 4h sáng, xay bột để kịp xong. 7h sáng, công nhân đến là bắt tay vào nấu bánh - công đoạn chiếm khoảng 3 - 4 tiếng và cần nhiều nhân công. Thông thường, 2 trong số 5 nhân công sẽ pha bột, chỉnh nhiệt độ bếp. 3 người còn lại cắt bánh và đem phơi. Theo bà Thuyên, gạo làm bánh đa thường sử dụng là loại gạo Q5, do ít nhựa, rắn nên tạo được độ dai, mùi ngậy mà không cần bất kỳ một chất hóa học nào. Sử dụng điện công nghiệp và lò than tự động nên việc sản xuất bánh đa cũng khá tiết kiệm nguyên liệu. Chi phí cho cả dây chuyền trong một ngày hết khoảng 350.000 đồng cho than, hơn 50.000 đồng cho điện. |
|
Bánh đa sau khi ra lò sẽ được đặt lên phên để phơi. Ngoài tận dụng khoảng không gian của gia đình, bà Thuyên phải chở bánh đem phơi ở ven đường hoặc cánh đồng.
|
|
Theo ông Hệ, nghề làm bánh đa cũng như cấy lúa, 100% phụ thuộc vào thời tiết. "Nắng quá hay mưa nhiều cũng đều vất vả. Bánh đa thường phơi nắng nhẹ để bay hết hơi nước, tạo độ mềm vừa phải. Nếu trời nắng to, khi gỡ và thái sợi bánh rất dễ bị gãy. Vất vả nhất là ngày mưa, toàn bộ số bánh phải sấy lò mà bánh không cho mùi thơm", ông Hệ nói. |
|
Người làm bánh cũng phải trực cả ngày để quan sát. Khi trời nắng rực chỉ phơi trong khoảng 2 - 3 tiếng là cất đi được. Tuy nhiên, những ngày mưa thì vất vả bội phần, chi phí tốn kém phải cho vào sấy khô, tốn công và nhiên liệu, bánh ăn không thơm ngon. Vào cuối ngày, ông Hệ mang bánh đổ cho các nhà hàng hoặc bán cho người buôn. "Bánh có độ dai nhất định, mềm tay sờ hơi ướt và có màu trắng đục là ngon. Nhưng bánh màu trắng phau thường là bánh được làm trắng hoặc gạo pha tạp", ông Hệ nói.
|
|
Bánh đa sau khi phơi khô mềm được lột ra khỏi phên để chuyển sang công đoạn ủ cho mềm, dai. Sau đó, bánh được thái bằng máy. Độ dài, kích thước tùy theo yêu cầu của khách hàng. Thông thường có 3 loại, sợi nhỏ là bánh đa canh cá, sợi trung bình cho bánh đa phở khô và loại to để ăn lẩu. Người dân chọn những sợ bánh dài, mềm, đều để lên phiên đem phơi lần nữa cho khô hẳn.
|
|
Bánh đa làm được nhiều món như phở, nấu canh, ăn thay mì mà không bị nóng. Hiện tại, giá trên thị trường 1kg bánh dao động 20.000 - 25.000 đồng. Cô Bùi Thị Duyên, người cùng làng, cũng là nhân công ở đây cho biết, bánh đa ngon sẽ có sợi dài, dai và có độ bóng, màu hơi đục chứ không trắng buốt, khi ăn rất mềm và ngậy.
|
bánh đa
làng nghề
nông dân