Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nông dân phải chi 3 triệu mới được chong đèn cho thanh long

Nhiều người dân trồng thanh long ở Bình Thuận đang choáng váng với yêu cầu phải đóng 3 triệu đồng mới được cấp “giấy hẹn” để mở điện trở lại.

Nhiều nông dân tại Bình Thuận cho biết hằng năm vào tháng 4, ngành điện lực cắt điện bình (chuyên để trồng thăng long), đến tháng 8 thì mở điện trở lại để người dân bắt đầu chong đèn trồng thanh long vào ban đêm. Tuy nhiên tháng 8/2014, khi nông dân yêu cầu điện lực mở điện để chuẩn bị mùa vụ chong đèn thì bị yêu cầu phải làm hợp đồng thí nghiệm bảo dưỡng định kỳ với công ty Quốc Hùng (xã Phong Nẫm, Phan Thiết). Nông dân phải đóng 3 triệu đồng, lấy biên lai nộp tiền đưa cho điện lực thì mới được mở điện.

“Làm khó nông dân”

Nội dung hợp đồng nêu rõ sau khi thống nhất, bên A (khách hàng) hoàn toàn tự nguyện ký hợp đồng thí nghiệm bảo dưỡng định kỳ các thiết bị với những điều khoản sau: bên A đồng ý giao cho bên B (công ty Quốc Hùng) thực hiện “thí nghiệm bảo dưỡng định kỳ các thiết bị” biến áp, giá trị hợp đồng trọn gói 3 triệu đồng đã bao gồm thuế VAT 10% và chi phí đóng cắt điện.

Số tiền 3 triệu đồng được giải thích là chi phí bảo dưỡng định kỳ các thiết bị thuộc tài sản khách hàng, ngoài ra qua thí nghiệm xét thấy vật tư, thiết bị kể cả máy biến áp bị hư hỏng cần phải sửa chữa thì bộ phận thí nghiệm hướng dẫn, tư vấn để khách hàng có thể thay thế sửa chữa thiết bị (nếu có).

Người dân trồng thanh long ở Bình Thuận phải đóng 3 triệu đồng mới được cấp “giấy hẹn” để mở điện trở lại.
Người dân trồng thanh long ở Bình Thuận phải đóng 3 triệu đồng mới được cấp “giấy hẹn” để mở điện trở lại.

Công ty Quốc Hùng đồng ý xuất chi để Trung tâm kiểm định - thí nghiệm Quốc Hùng sẽ kết hợp lắp đặt nắp chụp LA, FCO, LBFCO và nắp chụp máy biến áp 1 pha, 3 pha miễn phí đối với những khách hàng chưa gắn nắp chụp. Nếu trong quá trình thí nghiệm, những nắp chụp trên bị hư hỏng không đạt tiêu chuẩn thì Trung tâm kiểm định - thí nghiệm Quốc Hùng sẽ cấp lại miễn phí cho khách hàng nhằm giảm thiểu sự cố.

Một số nông dân sau khi ký hợp đồng, nộp 3 triệu đồng thì được Trung tâm kiểm định - thí nghiệm Quốc Hùng ghi giấy hẹn nội dung “giấy hẹn này cấp tạm thời cho khách hàng và có giá trị để khách hàng làm việc với điện lực khi cần thiết, nhằm để điện lực tạo điều kiện sử dụng điện chờ Trung tâm thí nghiệm Quốc Hùng thí nghiệm (vì đã ký hợp đồng với công ty Quốc Hùng nhưng do Trung tâm thí nghiệm Quốc Hùng chưa thực hiện được)”.

Nhiều nông dân bức xúc cho rằng việc phải đóng 3 triệu đồng, nhận giấy hẹn kiểm định rồi được mở điện trở lại như vậy là làm khó nông dân, trong khi mùa vụ thanh long gần nhất sâu bệnh nhiều khiến giá thanh long sụt giảm thê thảm, thanh long hư hại phải đổ đống ngoài đường gây sụt giảm thu nhập của bà con. Trong khi đó chỉ đóng 3 triệu đồng là được mở điện lại chứ không có kiểm định gì cả.

Để “đảm bảo an toàn”

“Không bắt buộc phải làm với Công ty Quốc Hùng”, nhưng...

Trả lời vấn đề tại sao chọn Công ty Quốc Hùng triển khai chương trình này, ông Nguyễn Thành Ngôn cho biết nếu khách hàng có kế hoạch kiểm định riêng thì ngành điện sẽ xem xét mở điện chứ không nhất thiết phải là công ty Quốc Hùng.

Ông Ngôn cho biết khi thực hiện chương trình này chỉ có công ty Quốc Hùng đăng ký năng lực triển khai với Điện lực Bình Thuận. Điện lực Bình Thuận thông báo cho khách hàng có nhiều sự lựa chọn khác chứ không chỉ với Công ty Quốc Hùng.

Tuy nhiên tại khu vực miền Nam, các đơn vị có chức năng và năng lực thực hiện thí nghiệm lưới điện theo thông tư 32 của Bộ Công thương là công ty Thí nghiệm điện miền Nam, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3, TP.HCM), tại khu vực tỉnh Bình Thuận thì có... công ty Quốc Hùng.

Trả lời phản ảnh của nông dân, ông Nguyễn Thành Ngôn, trưởng phòng kế hoạch - kỹ thuật công ty Điện lực Bình Thuận, giải thích hệ thống lưới điện qua thời gian vận hành chịu tác động của các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, bụi bẩn và dông sét sẽ dẫn đến suy giảm cách điện, mối nối tiếp xúc kém gây phát nhiệt; vật tư thiết bị suy giảm chất lượng và hư hỏng dẫn đến không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn vận hành.

Do vậy, công ty Điện lực Bình Thuận cần phải kiểm tra, thí nghiệm, bảo dưỡng định kỳ để phát hiện và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết trên lưới điện nhằm ngăn ngừa xảy ra sự cố, gây nguy hiểm cho người, thiết bị, mất ổn định hệ thống điện dẫn đến mất điện lan rộng.

“Thời gian trước đây, trạm biến áp tài sản khách hàng ít, hầu hết sử dụng điện qua lưới hạ thế được cung cấp từ trạm biến áp công cộng của ngành điện nên mức độ ảnh hưởng sự vận hành ổn định của hệ thống điện do sự cố từ lưới khách hàng là không đáng kể.

Hiện nay, khối lượng trạm biến áp chuyên dùng của khách hàng chiếm tỉ trọng lớn trên tổng khối lượng lưới điện, nên để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện ngành điện hay lưới điện của khách hàng đều quan trọng nhằm ngăn ngừa sự cố lan rộng trên hệ thống điện”, ông Nguyễn Thành Ngôn nói.

Về việc sau khi đóng 3 triệu đồng sau đó được mở điện trở lại nhưng chưa qua bất cứ khâu kiểm định nào, công ty Quốc Hùng giải thích trong hợp đồng là thời gian triển khai hợp đồng là 45 ngày kể từ ngày khách hàng ký hợp đồng và thanh toán đủ tiền 100%. Việc cấp giấy hẹn cho khách hàng để khách hàng chủ động liên hệ với cơ quan điện lực khi có yêu cầu. Nếu sau 45 ngày Trung tâm kiểm định - thí nghiệm Quốc Hùng vẫn chưa bố trí thời gian khảo sát và thực hiện việc kiểm định, thí nghiệm thì trung tâm sẽ hỗ trợ khách hàng khi có sự cố máy biến áp xảy ra.

http://tuoitre.vn/ban-doc/623707/%E2%80%8Bnguoi-trong-thanh-long-choang-voi-ong-dien.html

Theo Gia Bình-Nguyễn Nam/Tuổi trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm