Gần 4 tháng nay, nông dân nuôi bò sữa ở huyện Củ Chi, TP HCM rơi vào cảnh điêu đứng, do sữa không bán được. Đây chính là hệ lụy của việc đua nhau nuôi bò nhưng không tính đến đầu ra sản phẩm.
Theo nhiều nông dân, trước đây, những hộ nuôi tự phát thường bán sữa cho một số thương buôn. Họ đến tận nhà vắt sữa, với mức giá 400.000 – 500.000 đồng mỗi con bò trong một tháng. Một số khác sẽ nhờ những hộ có ký hợp đồng với công ty bán hộ. Sau khi phát hiện chuyện "bán chui", đơn vị thu mua siết chặt quản lý, hộ vi phạm bị cắt hợp đồng. Chuyện mua bán từ đây chỉ còn thực hiện tại các điểm thu mua giữa công ty với hộ nuôi đã được ký hợp đồng bao tiêu.
Anh Trần Văn Thành (ấp Xóm Chùa, xã An Phú, Củ Chi) chấp nhận bán tháo 4 con bò chỉ còn 16 ngày nữa là đến kỳ cho sữa, vì không ký được hợp đồng thu mua. Ảnh: Zen Nguyễn |
Toàn huyện Củ Chi có 345 hộ nuôi bò tự phát, cho hơn 13 tấn sữa mỗi ngày nhưng không có nơi tiêu thụ. Nhiều hộ đã chuyển sữa tươi lên các quận nội thành TP HCM để bán trực tiếp cho người tiêu dùng, với giá 20.000 đồng mỗi lít. Song số lượng bán ra không được nhiều, và đó cũng không phải là giải pháp lâu dài để giải quyết hơn chục tấn sữa ế mỗi ngày. Hiện số sữa vắt được, người dân dùng cho chính đàn bò của mình uống. Một số hộ thì dùng sữa bò để nuôi heo.
Khó khăn nhất là tại xã An Phú, nơi có đến 116 hộ nuôi mới chưa ký được hợp đồng bao tiêu. Nhiều hộ mới nuôi đàn bò 2 năm, đang bắt đầu cho sữa đành phải bán tháo bằng mọi giá.
Anh Đỗ Văn Thành (ấp Xóm Chùa) cho biết: “Mất 2 năm tôi mới gầy dựng được đàn bò 7 con. Nhưng hiện các công ty thu mua không chịu ký hợp đồng với hộ mới. Gia đình tôi đã phải bán 4 con bò sắp cho sữa, với giá một con chỉ 27 triệu đồng, trong khi giá bê giống tôi mua mấy năm trước đã 20 triệu. Giờ còn 3 con nuôi cầm chừng. Nếu tình hình không khả thi tôi phải bán hết để trả nợ ngân hàng, thoát khổ”.
Ông Huỳnh Văn Kiên, Ủy viên Hội nông dân xã An Phú, cho biết: “Thấy được cái lợi trước mắt, bà con đua nhau nuôi bò mà không chú ý đến thị trường. Không có nơi tiêu thụ, nhiều hộ đành vắt sữa để cho nuôi heo, cho bê uống".
Cũng theo ông Kiên, chuyện mua bán sữa tại địa phương nhiều tháng nay vẫn diễn ra bình thường giữa các đơn vị thu mua với hộ đã được ký hợp đồng bao tiêu, song bị quản lý chặt chẽ. Ngoài sữa phải đảm bảo tiêu chuẩn quy định, vệ sinh, thì sản lượng từ hộ bán ra mỗi ngày không được vượt quá con số đã ký. Không hộ nào dám nhận bán sữa giúp các hộ chưa được bao tiêu.
Theo ông Trần Tấn Tài, Phó chủ tịch xã An Phú, từ năm 2014, số hộ nuôi bò sữa ở địa phương tăng cao, do người dân tiếp cận được với nguồn vốn vay lãi suất thấp của ngân hàng. So với nuôi heo, trồng cao su, thì bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Song khi số lượng bò tăng lên thì nông dân không tìm được nơi tiêu thụ sữa.
Ông Tài cho biết, trước mắt xã đã tổ chức họp bà con chăn nuôi để trấn an không nên bán tháo đàn bò trong thời điểm này, vì sẽ gây thiệt hại lớn. Chính quyền địa phương cũng đang đàm phán với các đơn vị thu mua, tìm cách tháo gỡ tình cảnh khó khăn này.