Mặc dù chính quyền địa phương đang cố gắng tìm cách tháo gỡ, nhưng hầu như khó có thể gặp “tiếng nói chung” với các đơn vị thu mua sữa. Có thể, đây là hậu quả của việc phát triển chăn nuôi bò sữa tự phát trong thời gian gần đây ở Lâm Đồng. Hậu quả là hiện nay, hàng loạt hộ chăn nuôi đang lâm vào cảnh nợ nần, sữa bán không ai mua, đem cho hàng xóm, thậm chí đành phải đổ đi. Bò bán với giá rẻ mạt cũng không ai dám mua lại.
Không kiểm soát được
Vào những ngày đầu năm 2015, chúng tôi tìm về xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương - nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của ngành bò sữa của tỉnh Lâm Đồng. Không khí mua bán, trao đổi sữa tươi diễn ra khá nhộn nhịp, nhộn nhịp nhưng không phải theo chiều hướng tích cực.
Theo số liệu của UBND tỉnh Lâm Đồng, tổng đàn bò sữa toàn tỉnh hiện nay trên 13.600 con, bằng 148% so với kế hoạch (kế hoạch là 9.200con) và tăng 78% so với năm 2013. Trong đó, tổng đàn bò cái vắt sữa chiếm khoảng 50% tổng đàn, sản lượng sữa tươi sản xuất ra khoảng 100 tấn/ngày, tổng sản lượng sữa tươi năm 2014 ước đạt khoảng 35.000 tấn.
Chỉ tính riêng tại xã Đạ Ròn của huyện Đơn Dương, theo kế hoạch phát triển ngành bò sữa của xã, đến năm 2015, phấn đấu đạt 1.500 con, năm 2020 nâng lên 2.000 con. Thế nhưng, thống kê của UBND xã Đạ Ròn cho thấy, tính đến cuối năm 2013, toàn xã đã có 1.800 con, và hiện nay đã có trên 2.000 con.
Nguyên nhân của sự đột biến này vẫn là do sự chủ quan của người chăn nuôi. Mặc dù vốn đầu tư lớn, nhưng lợi nhuận đem lại từ nghề nuôi bò sữa lại rất cao nên nhiều hộ chăn nuôi đã không ngần ngại đổ hết vốn liếng, thậm chí vay ngân hàng để tậu bằng được cho mình vài con bò sữa giống.
Bà Lê Thị Bé, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương cho biết: “Cũng chính vì lợi nhuận từ nghề nuôi bò sữa rất lớn nên khiến nhiều hộ chăn nuôi chủ quan đầu tư một cách tự phát, dẫn đến việc ngành chăn nuôi bò sữa tại địa phương hiện đang mất kiểm soát”.
Sữa bò thừa mứa
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại huyện Đơn Dương, ngoài những hộ chăn nuôi bò sữa đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các nhà máy thu mua sữa còn tương đối ổn định, thì những hộ chăn nuôi tự phát hiện đang gặp phải rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều hộ tỏ ra hoang mang, mất niềm tin vào ngành nghề này.
Những con bò sữa hiện chưa được ký hợp đồng với công ty thu mua đang trở thành nỗi ám ảnh của người chăn nuôi. |
Với vẻ mặt buồn rầu, anh Trịnh Văn Trọng (thôn 2, xã Đạ Ròn, Đơn Dương) cho biết: “Năm 2013, thấy nuôi bò sữa cho thu nhập ổn định (hầu như tất cả những người trong thôn ai ai cũng đi tậu bò), gia đình tôi đánh liều cầm sổ đỏ đi cầm cố ngân hàng vay 300 triệu đồng về chăn nuôi. Thế nhưng, đến nay, sau khi đã đổ hết vốn liếng gầy dựng được đàn bò 12 con thì sữa không bán được. Hiện tại, mỗi ngày gia đình tôi thu khoảng 60 lít sữa. Để tiêu thụ, chúng tôi phải mang đi giao cho các cơ sở làm sữa chua, bán dạo chợ, và sang lại cho thương lái với giá rẻ mạt”.
Không giấu được vẻ lo âu, chị Trần Thị Liễu (thôn Suối Thông B, Đạ Ròn, Đơn Dương) chia sẻ: “Gia đình tôi đã gom hết vốn liếng mua hai con bò sữa từ người quen, để mong “đổi đời” từ ngành nghề chăn nuôi. Thế nhưng, đến khi bò bắt đầu cho sữa, gia đình tôi liên hệ với các công ty thu mua thì đều nhận được lời từ chối, vì các bồn chứa sữa của công ty đã quá tải. Chúng tôi chạy đôn đáo khắp nơi nhưng vô vọng. Cuối cùng, gia đình tôi đành phải mang ra chợ ngồi bán dạo, không hết thì bán lại cho lái buôn. Nhiều lúc muốn bán bò đi nhưng giờ cũng chẳng ai thèm mua”.
Với giá sữa trung bình hiện nay dao động 13.000 - 14.000 đồng/lít, nhưng những người chăn nuôi tự phát mang ra chợ bán dạo chỉ với giá khoảng 10.000 đồng/lít nhưng bán rất chậm và cũng ít ai mua. Vì sữa tươi là mặt hàng cần phải bảo quản nhanh chóng, nếu để quá thời gian quy định, sữa sẽ bị lên men, dẫn đến bị hư hỏng nên nhiều hộ chăn nuôi bán dạo không hết đành phải giao lại cho các cơ sở chế biến sữa chua hoặc các thương lái, với giá chỉ 6.000 đồng/lít. “Với giá chưa được một nửa so với giá thu mua của các công ty nhưng các lái buôn cũng không thể mua hết, nhiều lúc thừa mang về nhà đành đổ đi”, anh Trọng thở dài.
Để hợp thức hóa với công ty thu mua sữa, nhiều hộ đành lén lút mang bò của mình sang nhà hàng xóm đã ký hợp đồng với nhà máy để gửi bán dùm. “Thế nhưng, nếu bị công ty phát hiện thì họ sẽ cắt ngay hợp đồng với hộ cho gửi bò. Vì thế nên chúng tôi giờ cũng không dám gửi vì sợ liên lụy đến người khác”, anh Trần Văn Trung (thôn Suối Thông B1, Đạ Ròn, Đơn Dương) buồn rầu nói.
Tìm cách tháo gỡ
Giá một con bò sữa vào thời điểm “sốt” lên đến 70 - 100 triệu đồng. Nhưng, vào thời điểm này tại huyện Đơn Dương, nhiều hộ chăn nuôi kêu bán bò sữa với giá chỉ bằng một nửa cũng không ai dám mua. Theo số liệu của UBND tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh, tổng số hộ mới chăn nuôi bò sữa chưa ký hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp là 208 hộ, với tổng số bò sữa là 901 con. Tuy nhiên, đây chưa phải là số liệu đúng nhất.
Bà Lê Thị Bé cho biết: “Trước thực trạng đáng báo động của ngành chăn nuôi bò sữa tại địa phương, chúng tôi đã tiến hành làm việc với các công ty thu mua sữa đóng trên địa bàn để tìm cách tháo gỡ. Cụ thể, chúng tôi đã đề nghị phía các công ty thu mua sữa tiến hành nâng cấp bồn chứa sữa, tăng công suất thu mua. Đồng thời, cũng đề nghị phía các công ty tìm cách tiến hành rà soát lại tất cả các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn, để ký hợp đồng thu mua sữa cho bà con”.
“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 3 đơn vị thu mua và chế biến tiêu thụ sữa là: công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), FrieslandCampina VietNam (Cô gái Hà Lan) và TH True Milk. Hiện các trạm thu mua sữa tươi của các công ty này đã hết công suất chứa. Bởi vậy, các công ty chỉ cam kết thu mua theo đúng hợp đồng với các hộ đã ký kết, chưa thu mua đối với các hộ chăn nuôi mới”.