Ngày 11/2, thời tiết Hà Nội và các tỉnh, thành phố Đồng bằng Bắc Bộ cải thiện hơn so với trước đó. Khu vực giảm mưa, khô ráo và được dự báo hửng nắng trong những giờ tới.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết thời tiết miền Bắc được cải thiện kể từ hôm nay khi hiện tượng nồm ẩm giảm dần.
Ngày 12-13/2, Hà Nội và các tỉnh, thành phố Bắc Bộ nắng ráo, nhiệt độ tăng cao lên ngưỡng 27-29 độ C nên người dân có thể cảm thấy oi nóng ở một số thời điểm. Thời tiết thích hợp để người dân phơi đồ, dọn dẹp nhà cửa sau một tuần ẩm ướt.
Đáng lưu ý, đêm 13/2, một đợt gió mùa Đông Bắc khả năng tràn xuống và ảnh hưởng đến miền Bắc. Lúc này, khối khí khô của không khí lạnh sẽ thay thế gió ẩm nên hiện tượng nồm ẩm chấm dứt.
"Tuy nhiên, đây chỉ là chấm dứt của đợt nồm ẩm hiện tại. Còn khoảng thời gian từ nay đến tháng 4, miền Bắc sẽ còn nhiều ngày nồm ẩm", ông Hưởng cảnh báo.
Tình trạng sương mù, mưa phùn và nồm ẩm kéo dài ở Hà Nội suốt một tuần qua. Ảnh: Thành Đông. |
Theo trang dự báo Accuweather, Hà Nội duy trì kiểu thời tiết nắng ráo hết ngày 13/2. Sau đó, khu vực giảm nhiệt rõ rệt xuống ngưỡng 14-19 độ C kèm theo sương mù, trời nhiều mây, âm u.
Ngày 15/2, miền Bắc bước vào thời điểm rét nhất trong đợt này. Nhiệt độ ở Hà Nội chỉ ở mức 14-15 độ C, rét đậm cả ngày và đêm. Sau đó, khu vực tiếp tục tăng nhiệt và chỉ còn rét sâu về đêm, sáng sớm.
Cùng lúc, cơ quan khí tượng cảnh báo về tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng trong các ngày 11-20/2. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức tương đương độ mặn cao nhất cùng kỳ năm 2022.
Dự báo xa hơn, chuyên gia cho biết xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa khô năm 2022-2023 ở mức tương đương trung bình nhiều năm.
Các đợt xâm nhập mặn có xu thế gia tăng bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh tập trung trong tháng 2 và 3, cụ thể các ngày 18-24/2 và 18-25/3.
Riêng xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn được dự báo tập trung vào tháng 3 và tháng 4, cụ thể các ngày 18-25/3 và 17-23/4.
Theo đó, tình hình xâm nhập mặn phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.
Chuyên gia khuyến cáo người dân các địa phương trong khu vực cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.
Sách hay về môi trường
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.
How to Avoid a Climate Disaster - Bill Gates. Tỷ phú công nghệ đưa ra góc nhìn của mình đối với vấn đề biến đổi khí hậu và cả hướng đi rõ ràng, thiết thực để giải quyết chúng trong tương lai.