Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nokia: Hành trình từ thương hiệu 300 tỷ đô đến bán mình

Sự kiêu ngạo, ngủ quên trên chiến thắng và những sai lầm liên tiếp, khiến Nokia từ một công ty từng được định giá 300 tỷ USD phải "bán mình" để sống.

Được thành lập vào năm 1865 ở miền tây nam Phần Lan, Nokia trải qua nhiều bước chuyển đổi. Từ một nhà máy chế biến gỗ công nghiệp, thương hiệu này sau đó lấn sang lĩnh vực sản xuất cao su, và rồi trở thành tập đoàn công nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực nhưng không mấy thành công. Ảnh: Alternativefinland.

Bước ngoặt lớn đối với thương hiệu này đến vào năm 1982, khi Nokia giới thiệu chiếc điện thoại dành cho xe hơi đầu tiên. Ảnh: Wiki.

Từ đó, sau gần 20 năm, với nhiều dòng sản phẩm ra mắt, Nokia đã vươn lên trở thành hãng sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới. Thương hiệu này cũng góp phần đưa quê hương Phần Lan trở thành một trong những trung tâm công nghệ lớn ở châu Âu. Năm 2000, Nokia là công ty đáng giá nhất châu Âu, với tổng vốn hóa thị trường lên đến 300 tỷ USD. Ảnh: gg2.

Đỉnh điểm của thời kỳ hoàng kim là năm 2008, khi Nokia dẫn đầu thị trường điện thoại toàn cầu, nắm giữ gần 40% thị phần. Với 129.746 nhân viên làm việc ở 120 quốc gia, hãng cung cấp sản phẩm cho 150 nước và thu về 41 tỷ euro, tương đương khoảng 55 tỷ USD trong năm 2009. Ảnh: Nokiamobileblog.

Thành công vang dội là vậy, nhưng chỉ một thời gian sau, thương hiệu đình đám nói trên đã đi hết từ thất bại này đến sai lầm khác, để rồi chính thức bị “khai tử” vào năm 2014. Ảnh: Bostonherald.

Năm 2007, khi Apple ra mắt iPhone 2G - thế hệ đầu tiên của smartphone mang thương hiệu “quả táo cắn dở”, cùng với hệ điều hành iOS, Nokia vẫn đang ung dung ngự ở vị trí số một trên thị trường điện thoại thế giới. Mặc dù doanh số bán hàng năm 2009 có giảm so với năm trước đó, trong khi doanh số iPhone bán ra lại tăng gấp đôi, Nokia vẫn không coi smartphone của Apple là mối đe dọa thực sự. Ảnh: Nokiamobileblog.

Tháng 9/2010, Nokia bổ nhiệm Stephen Elop, người từng đứng đầu bộ phận kinh doanh của Microsoft, vào vị trí CEO. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của vị CEO mới này, mọi thứ càng trở nên tồi tệ. Doanh thu hàng năm giảm 40%, từ 41,7 tỷ euro xuống còn 25,3 tỷ euro, kéo theo lợi nhuận giảm 92%, từ mức 2,4 tỷ euro xuống 188 triệu euro. Ảnh: Nokianews.

Năm 2011, thị phần của Nokia giảm mạnh xuống còn 23,8%, cũng là lúc sự quan tâm của người dùng đổ dồn về iPhone và hệ điều hành iOS. Nokia buộc phải tìm đến và bắt tay với Microsoft. Tuy nhiên, sự hợp tác có vẻ không mấy thành công. Ảnh: Amazonaws.

Hết quý II/2013, dòng điện thoại thông minh Lumia chạy trên hệ điều hành Windows Phone của Microsoft vẫn chỉ chiếm 3,7% thị phần smartphone trên toàn thế giới. Ngày 25/4/2014, Microsoft hoàn tất thương vụ thâu tóm Nokia, với giá 7,2 tỷ USD. Kể từ đó, mảng kinh doanh máy tính bảng và điện thoại của Nokia trở thành một bộ phận của Microsoft, và được dẫn dắt bởi Stephen Lop. Có thể nói, thương hiệu Nokia lừng lẫy một thời chính thức bị “khai tử” từ đây. Ảnh: Nokiasho.

Kinh doanh thất bát khiến việc sa thải nhân viên và đóng cửa nhà máy trở nên thường xuyên hơn tại Nokia kể từ năm 2010 - thời điểm Stephen Lop lên nắm quyền. Đến cuối năm 2012, số nhân viên ở mảng di động của hãng chỉ còn 44.630 người, giảm gần một nửa so với con số 70.000 từ quý III/2011. Tháng 7/2014, lại có thêm 12.500 nhân viên dưới quyền Stephen Lop bị lọt vào diện “giảm biên chế”, do CEO Satya Nadella của Microsoft đưa ra. Ảnh: Parameter.

Tháng 10/2012, trụ sở chính của Nokia, Nokia House (NoHo) tại Phần Lan bị bán với giá 170 triệu euro. Không dừng lại tại đó, theo những tin tức gần đây nhất, hai nhà máy của Nokia tại Trung Quốc cũng sắp phải chịu chung số phận như trụ sở NoHo hai năm về trước. 

Các nhà phân tích cho biết, thất bại của Nokia dẫn đến việc bị Microsoft thâu tóm chủ yếu là do sự tăng trưởng quá nhanh khiến các nhà lãnh đạo ngủ quên trong chiến thắng. Chính sự kiêu căng và tự mãn trước thành tựu đạt được cũng như xem nhẹ đối thủ, đã khiến Nokia “chậm chạp” trong việc thích nghi với những thay đổi xung quanh, dẫn đến cái kết không có hậu. Ảnh: Cbsistatic.



Hoài Thu (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm