1. Sốt cà chua Heinz EZ Squirt Ketchup
Loại sốt cà chua màu sắc sặc sỡ này được tung ra thị trường vào đầu những năm 2000. Sốt Heinz EZ Squirt Ketchup có màu sắc khá kỳ cục như tím hoặc xanh lá. Dù sản phẩm này có thể thu hút trẻ em nhưng lại không đủ hấp dẫn với số đông để thành công trên thị trường. Đây chính là ví dụ điển hình của việc cần phải nghiên cứu thị trường và thử sản phẩm đối với khách hàng trung bình.
9. Google Plus
Gia nhập thế giới truyền thông xã hội, Google tung ra Google Plus. Hãng Internet khổng lồ cho rằng, cần phải tích hợp các dịch vụ của mình vào nền tảng truyền thông xã hội. Tuy nhiên, người dùng trên thế giới lại không thấy điều đó là cần thiết và cảm thấy hoàn toàn hài lòng với mạng xã hội họ đang sử dụng.
Một trong những vấn đề Google Plus là tính khả dụng. Đơn giản là sản phẩm này khiến đa số người dùng thấy bực mình. Vấn đề lớn nhất là nó không độc đáo hấp dẫn, và cũng không có những tính năng nổi trội hơn các website khác.
8. Nước Rocky Mountain Sparkling Water của Coors
Đây là một ví dụ điển hình về một công ty đưa ra quyết định tung ra sản phẩm khôn ngoan nhưng lại bỏ qua yếu tố hình thức. Với truyền thống ủ bia, Coors gia nhập thị trường nước sạch đóng chai. Tuy nhiên, khi sản phẩm này được tung ra thị trường, khách hàng bị bối rối bởi tên thương hiệu Coors.
Những chai nước Rocky Mountain có bề ngoài giống hệt như chai bia của hãng. Một số người cho rằng, chai nước của Coors không hề rõ ràng là đồ uống không cồn. Sẽ tốt hơn nếu Coors bán những chai bia có bao bì giống chai nước thay vì ngược lại.
7. Sữa chua Cosmopolitan
Tạp chí Cosmopolitan truyền thống lâu đời và rất thành công trong thế giới truyền thông. Mỗi tháng, tạp chí này ra mắt một ấn phẩm với các bài viết hết sức đa dạng và lý thú.
Tạp chí này cũng có ý tưởng tung ra dòng sữa chua riêng. Việc này cũng giống như một công ty khai khoáng mở chuỗi cửa hàng tóc vậy. Khách hàng bị bối rối về mối liên hệ giữa hai sản phẩm. Sữa chua Cosmopolitan ra mắt vào năm 1999 nhưng phải ngừng bán chỉ sau một thời gian ngắn.
6. Xe điện tự hành Segway
Mọi người thường mong muốn có một loại phương tiện vừa thuận tiện, mạnh mẽ vừa kiểu dáng đẹp. Vì vậy Segway tung ra sản phẩm xe điện tự hành. Dù được quảng cáo rầm rộ và mong đợi, nhưng khi xe điện Segway ra mắt thị trường, không ai bỏ tiền mua nó.
Mức giá 3.000 USD là quá đắt so với kỳ vọng. Năm 2001, công ty này kỳ vọng bán được từ 50.000 đến 100.000 chiếc Segways. Nhưng tới năm 2003, họ chỉ bán được 23.500 chiếc. Chí ít, chiếc xe này cũng hữu ích cho nhân viên siêu thị và nhà kho bởi họ không phải đi bộ nhiều nữa.
5. Nước hoa Harley Davidson
Thương hiệu Harley Davidson gợi đến hình ảnh tự do, nổi loạn, dẻo dai, sống động trên đường phố và những ông chú râu quai nón, bụng bia. Tuy nhiên, dòng nước hoa Harley Davidson không hề mang một yếu tố nào trong số đó. Đây là ví dụ điển hình về việc không hiểu rõ thị trường.
4. Pepsi A.M. và Crystal Pepsi
Hai sản phẩm này được đứng cùng nhau trong danh sách này bởi chúng có cùng lỗi. Cả hai đều được thiết kế nhằm hướng tới những thị trường mà Pepsi chưa tiếp cận, gồm những khách hàng uống cola vào bữa sáng và những người yêu thích loại cola trong suốt.
Dù điều này có vẻ khá rõ ràng, nhưng Pepsi lại không hiểu rằng, những thị trường đó không hề tồn tại. Hai sản phẩm Pepsi A.M. và Crystal Pepsi thất bại thảm hại với doanh số tối thiểu. Sau khi ra mắt vào những năm 1980, Pepsi A.M. và Crystal Pepsi nhanh chóng bị ngừng sản xuất.
3. Đồ lót Bic
Bic – công ty có truyền thống sản xuất bút dùng một lần và bật lửa – quyết định tung ra dòng sản phẩm đồ lót riêng. Sản phẩm này không hề liên quan tới thương hiệu Bic và cũng không phải loại dùng một lần.
Khách hàng tỏ ra bối rối về mối liên hệ giữa đồ lót Bic và những sản phẩm khác của hãng, và liệu có nên mặc nó thay vì loại đồ lót có tên gợi cảm hơn như Victoria’s Secret. Bic đã phải ngừng bán sản phẩm này chỉ ít lâu sau khi ra mắt.
2. Microsoft Zune
Nếu có ý định cạnh tranh với một sản phẩm tiên tiến và vô cùng phổ biến như iPod thì bạn phải tạo ra được sản phẩm nổi trội. Bất cứ ai không hài lòng với Zune hoặc Zune HD đều biết rằng, Microsoft không làm được điều đó.
Máy nghe nhạc Zune gặp phải nhiều vấn đề như tính tương thích, hay treo máy, không ổn định, định dạng tệp tin kém và tệ nhất là trông kém hấp dẫn. Vẻ ngoài của Zune không gợi cảm như iPod. Dù nỗ lực quảng cáo rầm rộ vào năm 2006, nhưng Zune vẫn thất bại và khiến Microsoft thua lỗ 1,3 tỷ USD.
1. New Coke
Trường hợp của New Coke thường được nhắc đến trong các lớp học về marketing tại trường kinh tế về sự thất bại của sản phẩm. Vào những năm 1980, Coca-Cola là thương hiệu nổi tiếng được biết đến rộng rãi. Coke là một phần của văn hóa Mỹ, được khách hàng ở mọi lứa tuổi yêu thích và xuất hiện ở mọi hoàn cảnh.
Tuy nhiên, do phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt nên Coca-Cola quyết định thay đổi hoàn toàn công thức Coke. Khách hàng tỏ ra bất bình với sản phẩm mới với “vị kinh khủng” New Coke. Sau đó, công ty phải vội vàng đưa ra sản phẩm Coca-Cola Classic với công thức cũ.
May mắn là Coca-Cola đã kịp thời tự cứu mình. Nhưng đây là một trong những ý tưởng kỳ lạ nhất trong lịch sử và có thể đã hạ bệ một trong những công ty giá trị nhất hành tinh.