Nokia 3310 được giới thiệu tại sự kiện quy tụ những cái tên lớn như LG G6, Sony Xperia X... nhưng chính di động cơ bản giá 52 USD này lại là tâm điểm của mọi chú ý. Việc hồi sinh những chiếc di động Nokia trong ký ức người dùng không phải là hiếm. Mặc dù vậy, những gì Nokia 3310 đạt được ngay sau lần “tái ngộ” người dùng ngày 27/2 vừa qua cho thấy sự kiện MWC 2017 còn ẩn chứa thông điệp khác.
Lý giải cho thông điệp đó, The Guardian cho rằng di động thông minh hay smartphone đã trở nên nhàm chán.
Nokia 3310 mang nhiều đổi mới so với phiên bản 17 năm trước. Ảnh: The Guardian. |
Người dùng sẽ không còn phân biệt được sự khác nhau giữa các model smartphone. Chúng có màn hình cảm ứng, máy ảnh sắc nét, loa ngoài trung thực hay khả năng lướt web chóng mặt và giúp họ “kết nối” với cả thế giới. Tuy nhiên nếu người dùng đổi một chiếc smartphone khác, nó cũng sẽ làm đúng hoặc tốt hơn đôi chút những việc mà chiếc máy kia làm được.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất smartphone vẫn luôn cố gắng trả lời câu hỏi “sản phẩm của mình có gì khác biệt để người dùng lựa chọn”, nhưng thực tế từng thành phần trong một di động thông minh của Apple, Sony hay Samsung cũng đều tương tự nhau, dù là model này hay phiên bản kế nhiệm.
Francisco Jeronimo, giám đốc bộ phận nghiên cứu của hãng IDC cho rằng việc phát triển smartphone bằng cách nâng “số chấm” camera hay công nghệ trên màn hình đã trở nên khó hơn so với thời điểm 5 năm trước.
Nói cách khác, những nâng cấp mang tính “vật lý” như camera hoặc chất liệu, kiểu dáng thiết kế đã gần như đạt tới giới hạn. Do đó, những gì người dùng có thể mong đợi trên smartphone sắp tới sẽ là cải tiến về phần mềm, tương tác giữa họ và các tính năng, dịch vụ trên đó nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất.
Samsung Galaxy S8 được kỳ vọng sẽ trở thành smartphone tâm điểm của năm 2017. Ảnh: Twitter. |
Dù vậy, vẫn còn đó miếng đất màu mỡ mà Samsung hay Apple đang nhắm tới là màn hình. Jeronimo và nhiều người khác tại MWC 2017 cho rằng, màn hình “Infinity Display” mà Samsung được cho đang ấp ủ trên Galaxy S8 của họ sẽ trở thành cuộc cách mạng lớn nhất trong thiết kế phần cứng 3 năm qua.
Nhưng The Guardian đặt ra câu hỏi sẽ còn gì cho smartphone để phát triển sau khi cả thế giới được thỏa mãn với thiết kế như họ mong đợi, hay các gã khổng lồ smartphone đã nắm trong tay công nghệ viền cong tràn cạnh, uốn gập di động linh hoạt.
Hiện tại, Amazon và Google đều đặt cược vào công nghệ nhận diện giọng nói. Nhưng so với smartphone, nó chưa thể được liệt thành một tính năng và lại cần kết hợp giữa nhiều công nghệ khác nhau.
Vì thế, The Guardian cho rằng, di động thông minh có lẽ sẽ chịu chung số phận như máy tính cá nhân PC, nhanh chóng trở thành món hàng phổ thông và thuộc về một thế giới cũ.