Hiện tại, hàng loạt trang tin tức, báo chí Hàn Quốc đưa tin về tranh cãi xoay quanh giọng hát, kỹ năng trình diễn được cho là tệ hại của nhóm nhạc Le Sserafim ở lễ hội âm nhạc Coachella.
Về sân khấu của Le Sserafim, tờ Ilyo viết: “Ngay cả những người hâm mộ Kpop cũng bị sốc. Sân khấu của Le Sserafim trực thuộc Source Music (công ty con của HYBE) được coi là một thảm họa theo đúng nghĩa đen. Khi tài năng bị che lấp bởi âm thanh khủng và hiệu ứng sân khấu hoành tráng, người hâm mộ Kpop băn khoăn tại sao Le Sserafim đủ tự tin để biểu diễn ở Coachella”.
Le Sserafim biến Kpop thành trò hề
Ten Asia nhận định Coachella được mệnh danh là lễ hội âm nhạc lớn nhất nước Mỹ và thu hút sự chú ý từ hàng triệu người hâm mộ âm nhạc từ khắp nơi trên thế giới. Do đó, thật đáng thất vọng khi Le Sserafim xuất hiện trên sân khấu Coachella với tư cách nhóm nhạc đại diện cho Kpop nhưng lại có màn trình diễn kém cỏi. Điều đó vô tình khiến khán giả nước ngoài hiểu lầm về cả ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc và có thể đánh giá tất cả nhóm nhạc Kpop đều tệ như vậy.
“Vì trình độ của Kpop đã bị hạ thấp trước người hâm mộ âm nhạc trên toàn thế giới nên chúng ta phải chấp nhận nhiều lời chỉ trích”, Ten Asia nhấn mạnh. Trong thời lượng khoảng 40 phút với 10 bài hát, Le Sserafim liên tục để lộ giọng hát run rẩy, chênh phô và mắc những lỗi cơ bản.
“Dưới tiêu chuẩn”, “thật đáng xấu hổ” là những nhận xét Ten Asia dành cho Le Sserafim.
Beta News đưa tin một người Mỹ gốc Hàn trực tiếp theo dõi sự kiện đã nhận xét: "Màn trình diễn của Le Sserafim thật tệ, cứ như thể tôi đang xem buổi biểu diễn tài năng trong bữa tiệc tốt nghiệp trung học vậy. Tôi đã đặt nhiều kỳ vọng sau khi xem buổi biểu diễn của BlackPink và những người trước đó ở Coachella nhưng lần này tôi cảm thấy rất xấu hổ".
Một số khán giả bày tỏ không chỉ giọng hát mà vũ đạo của Le Sserafim cũng tẻ nhạt, đáng thất vọng.
Hình ảnh của Le Sserafim tại Coachella. Ảnh: Latimes. |
Truyền thông Hàn Quốc nhận định HYBE càng đáng trách trong vụ tranh cãi của Le Sserafim bởi những lời nhận xét được cho là quá tâng bốc.
Ten Asia cho biết HYBE gửi thông báo tới truyền thông về việc Le Sserafim diễn ở lễ hội âm nhạc với nội dung: "Nhóm nhạc Kpop bước vào Coachella trong thời gian ngắn nhất". Tiền bối của họ, BlackPink, đã đến Coachella sau khoảng 2 năm 8 tháng ra mắt, tức chậm hơn khoảng 8 tháng so với Le Sserafim. Le Sserafim có thể chỉ muốn nhấn mạnh khoảng thời gian ngắn ngủi đó như dấu hiệu khách quan cho thấy họ đang phát triển nhanh hơn BlackPink.
BlackPink từng biểu diễn ở Coachella và trở thành niềm tự hào của Kpop với kỹ năng trình diễn ấn tượng. Ảnh: YG Entertainment. |
Tuy nhiên, đó sẽ là cách tiếp thị hiệu quả nếu Le Sserafim biểu diễn tốt trên sân khấu. Tuy nhiên, vì 5 cô gái trình diễn kém nên theo Ten Asia “HYBE không thể trốn tránh trách nhiệm”.
BlackPink cũng gặp vấn đề về kỹ năng hát live trong lần đầu tiên họ diễn tại Coachella là năm 2019. Chỉ đến 2023, 8 năm sau khi ra mắt, nhóm nhạc mới được đánh giá cao, xứng đáng với tư nhóm nhạc nữ hàng đầu. Xem xét tiền lệ này, sẽ tốt hơn nếu HYBE cân nhắc trong cách quảng bá thay vì mù quáng chạy theo kỷ lục nhóm nhạc được tham gia Coachella nhanh nhất. Đây là lý do HYBE đang nhận nhiều lời chỉ trích.
Ngành công nghiệp coi đây là một trò hề trong quá trình HYBE cố gắng chứng tỏ bản thân xứng đáng với danh hiệu “công ty số 1 Kpop”, Ten Asia đánh giá.
Theo Ilyo, Le Sserafim từng bị chỉ trích vì khả năng ca hát kém khi biểu diễn trên một chương trình âm nhạc. Ở chương trình đó, nhóm chỉ biểu diễn bài hát mới là Easy và không đòi hỏi thể lực nhiều như Coachella. Nhưng ngay cả thế, kỹ năng của họ vẫn gây tranh cãi.
“Định nghĩa về ca sĩ là người có công việc ca hát. Tuy nhiên, Le Sserafim tập trung vào biểu diễn và gác lại kỹ năng ca hát. Họ trông giống vũ công hơn là ca sĩ”, là nhận định của tờ MHN Sports.
Nền công nghiệp coi trọng ngoại hình
Không chỉ Le Sserafim, nhóm nhạc khác của HYBE là ILLIT gần đây cũng gây tranh cãi vì phần trình diễn được cho là quá kém. Tương tự Le Sserafim, ILLIT lộ chất giọng yếu ớt khi hát ca khúc Magnetic ở cuối một chương trình âm nhạc. Theo truyền thống các chương trình âm nhạc Hàn Quốc, những nhóm nhạc giành chiến thắng sẽ biểu diễn ca khúc của họ trước khi chương trình chính thức kết thúc.
Lúc này, các nhóm không được hỗ trợ bởi backtrack (phần audio đã thu sẵn giọng hát của ca sĩ để làm nền khi họ biểu diễn). Do đó, giọng hát của họ yếu kém ra sao sẽ hoàn toàn bị lộ ra. Các thành viên ILLIT, đặc biệt Moka gây thất vọng về kỹ năng. Khán giả thậm chí không thể nghe thấy Moka hát gì.
Nhóm nhạc khác cũng trực thuộc HYBE bị chỉ trích hát kém là ILLIT. Ảnh: SBS. |
Gần đây, TXT, nhóm nhạc trực thuộc Big Hit của HYBE trở lại với ca khúc Deja Vu và bắt đầu quảng bá ca khúc này trên các chương trình âm nhạc. Họ giành chiến thắng ở M! Countdown và biểu diễn bài hát này vào phần cuối chương trình. Sau đó, dân mạng tỏ ra thất vọng với phần encore của nhóm. Đáp lại những tranh luận, thành viên Yeon Jun gửi lời xin lỗi và hứa phần encore tiếp theo sẽ hay hơn.
“Hôm nay giọng hát live của tôi tệ quá, tôi xin lỗi MOA (tên fan TXT)”, Yeon Jun bày tỏ. Khi có fan cho rằng TXT live kém là vì lịch trình quá dày đặc dẫn đến sức khỏe không tốt, nam thần tượng đáp: “Tất cả chỉ là lời bào chữa thôi và tôi biết mình đã tệ. Tôi sẽ tốt hơn khi chúng ta có cơ hội làm lại điều đó”.
Những tranh cãi liên tục nổ ra và đỉnh điểm là ồn ào của Le Sserafim cho thấy thực trạng hiện tại của Kpop. Họ ngày càng vươn ra thế giới nhưng nhiều thần tượng lại có kỹ năng dưới mức trung bình. Khán giả lo ngại những tranh cãi của Le Sserafim liệu có khiến Kpop mất điểm trầm trọng trong mắt khán giả quốc tế. Phải chăng HYBE cũng như nhiều công ty giải trí khác đang quá chú trọng ngoại hình mà bỏ quên điều cần thiết nhất của một ca sĩ là giọng hát.
Tờ Segye trích đăng bình luận của khán giả: “Tôi cảm thấy vỡ mộng sau khi xem phần encore của Le Sserafim và Coachella. Kpop giờ đây trở nên nổi tiếng nhờ những màn trình diễn chứ không phải giọng hát. Những cuộc tranh cãi về tài năng gần đây đã bộc lộ vấn đề của Kpop là tập trung vào trình diễn, hình ảnh hơn ca hát”.
Trao đổi với Ten Asia, các chuyên gia cho rằng chiến lược tốt nhất cho HYBE nói riêng và Kpop nói chung là đặt nền tảng vững chắc. Chỉ có như thế, họ mới có thể phát triển mạnh mẽ. Bài học lớn nhất chính là BTS, nhóm nhạc thành công nhất của HYBE. Họ đã tạo nên một kỷ nguyên và những kỷ lục chưa từng có nhờ kỹ năng ấn tượng.
Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc
Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.
Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng thế giới cũng như có thêm góc nhìn mới mẻ, gần gũi về nền âm nhạc cổ điển.