Trong suốt chặng đường 60 năm song hành cùng sự phát triển của đất nước, NXB Kim Đồng đã ấn hành hàng triệu cuốn sách, hàng tỷ trang in.
60 năm qua, từ làm sách trong thời kỳ bao cấp đến chuyển đổi sang cơ chế thị trường rồi hòa nhập trong thời kỳ đất nước đổi mới, chiến lược và sách lược của NXB tuy có khác nhau nhưng mục đích, chí hướng vươn tới làm sách hay, sách đẹp phục vụ các em luôn là khát khao cháy bỏng trong lòng nhiều thế hệ cán bộ.
Để tạo nguồn và mở rộng đề tài phản ánh cuộc sống mới, con người mới, từ 1992 – 2002, NXB bản Kim Đồng đã liên tục tổ chức 4 cuộc Vận động sáng tác cho thiếu nhi với 5 loại đề tài (thơ – văn – kịch – nhạc – họa) thu hút hàng nghìn cây bút chuyên và không chuyên trên khắp mọi miền tổ quốc. Họ là những nhà văn, họa sĩ, nhà thơ, nhà khoa học, dịch giả đã dành thời gian tâm huyết làm nên hồn cốt của Nhà xuất bản qua các tác phẩm giàu sức sống…
Những tác phẩm được lựa chọn tái bản trong dịp kỷ niệm 60 năm NXB Kim Đồng. |
Mảng sách văn học vốn được coi là xương sống trong kế hoạch xuất bản hàng năm của NXB. Đây cũng là mảng sách hội tụ được đông đảo người cầm bút viết cho thiếu nhi nhất.
Từ những tác giả gạo cội như Tô Hoài, Võ Quảng, Đoàn Giỏi… đến các tác giả kế cận như Ma Văn Kháng, Trần Hoài Dương, Phan Thị Thanh Nhàn, Xuân Quỳnh… rồi những cây bút trẻ như Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Ngọc Thuần, Lục Mạnh Cường, Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Hoài Nam… Họ như mạch nước trong lành góp phần vào dòng chảy của văn học Việt Nam nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng.
Nhiều tác giả giờ đây đã không còn nữa, nhưng những tác phẩm mà họ để lại sẽ mãi mãi sống trong lòng các thế hệ bạn đọc.
Trong 4 cuộc Vận động sáng tác (1992 – 2002), nhiều tủ sách đã ra đời với sự đóng góp không nhỏ của các tác giả. Tủ sách Vàng là như vậy. Đó là tủ sách tinh tuyển những tác phẩm hay trong nước và thế giới cho bạn đọc nhỏ. Tất cả những tác phẩm đoạt giải Nhất trong các cuộc vận động sáng tác đều lần lượt được đưa vào Tủ sách Vàng.
Có tác phẩm đã in đến lần thứ sáu, thứ bảy như: Côi cút giữa cảnh đời của Ma Văn Kháng, Đợi mặt trời của Phạm Ngọc Tiến (1995), Bí mật hồ cá thần của Nguyễn Quang Thiều, Khúc đồng dao lấm láp của Kao Sơn (2001), Một thiên nằm mộng của Nguyễn Ngọc Thuần (2003), Bỏ trốn của Phan Thị Thanh Nhàn (1995).
Bằng cái nhìn chân thực và tinh tế, những sáng tác của các nhà văn đã đi vào ngõ ngách của đời sống xã hội, phản ánh chân thực cảnh đời, những số phận éo le của các em, khát khao một mái ấm gia đình (Đợi mặt trời, Côi cút giữa cảnh đời). Tác phẩm như một lời kêu gọi những bậc làm cha làm mẹ hãy dành cho con trẻ tình yêu thương, sự chăm sóc của gia đình.
Tủ sách Vàng tập hợp những tác phẩm xuất sắc cho thiếu nhi. |
Cũng nói về tuổi thơ nhưng nhà văn Kao Sơn lại có lối thể hiện độc đáo. Đấy là một cậu bé kể về tuổi thơ của mình, từ khi sinh ra ở làng, đi học, trưởng thành và bước ra thế giới bên ngoài với bao điều mới. Cái hay ở đây là tác giả không tô vẽ, không phủi bụi… mà cứ để cho sự lấm láp ấy hiện ra vừa mộc mạc đơn sơ, vừa day dứt trong lam lũ, vừa ấm áp của một tuổi thơ bình dị, trong trẻo.
Bỏ trốn của nhà văn Phan Thị Thanh Nhàn lại có cách thể hiển riêng. Tác giả không đẩy nhân vật vào sự tột cùng không lối thoát, kết thúc câu chuyện vẫn là nhân văn với cuộc sống tươi vui ở phía trước.
Trong bài tổng kết của Hội đồng chung khảo văn xuôi, nhà văn Ma Văn Kháng đã viết: “Các tác giả đã không xa lánh nhiệm vụ của văn học, không lảng tránh những vấn đề bức bối, phức tạp căn bản của đời sống, không sa đà vào cái tầm thường vụn vặt và ngẫu nhiên. Lòng yêu nước, tình yêu thương con người, hoài bão về một cuộc sống lí tưởng là chất men say đậm đà, đã thể hiện một cách nhuần nhị và tự nhiên trong hầu hết các tác phẩm.”
Tác phẩm tuyển chọn những tác phẩm đoạt giải Nhất trong các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch. |
Năm 2006, với sự giúp đỡ của chính phủ và Hội Nhà văn Đan Mạch, dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch đã ra đời do NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn Đan Mạch trực tiếp triển khai.
Dự án đã xây dựng 16 câu lạc bộ bạn đọc nơi vùng sâu vùng xa thông qua các Chuyến tàu kể chuyện, tổ chức hơn chục cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm sáng tác giữa các nhà văn, họa sĩ Việt Nam, Đan Mạch.
Đặc biệt, trong 10 năm, dự án đã tổ chức thành công 8 cuộc Vận động sáng tác, thu nhận gần 4.000 tác phẩm (trong đó có 216 truyện), 104 tác phẩm đoạt giải đã được in và giới thiệu với bạn đọc trong cả nước như: Vương quốc tàn lụi của Trần Đức Tiến, Thầy lang hai mặt của Nguyễn Thị Bích Nga, Chuyện kể của bốn mùa của Nguyên Hương, Vỏ ốc kỳ diệu của Võ Hương Nam, Bộ ba hoàn hảo của Phùng Thị Ngọc Linh, Con ma da sau vườn của Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Hoàng tử Rơm của Nguyễn Thị Kim Hòa…
Điều đáng mừng là nhiều tác giả sau khi đoạt giải trong các cuộc thi đã dành thời gian tâm huyết sáng tác cho các em và đã liên tục có sách in ở NXB Kim Đồng như Nguyên Hương, Thu Trân, Lục Mạnh Cường, Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Nguyễn Thị Kim Hòa…
Có thể nói, trong suốt chặng đường 60 năm xuất bản sách phục vụ các em của Kim Đồng, các tác giả đoạt giải trong các cuộc vận động sáng tác đã bổ sung một nguồn bản thảo đáng kể vào mảng sách văn học cho các em, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bạn đọc nhỏ trong cả nước.